Xung đột Nga-Ukraine: Moscow điểm tên các nước không thể làm 'người hòa giải', đến lúc Mỹ phải đàm phán?
Sputnik đưa tin, ngày 20/3, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Mỹ, Anh, Pháp và Đức không thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong tiến trình lập lại hòa bình ở Ukraine.
Trước đó, cựu Chủ tịch Hội nghị an ninh Munich Wolfgang Ischinger đã kêu gọi thành lập nhóm liên lạc về Ukraine nhằm "khởi động tiến trình hòa bình", được cho là bao gồm Washington, London, Paris và Berlin.
Với đề xuất trên, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: "Về mặt chính thức chúng tôi không biết gì về sáng kiến này... Tuy nhiên, ý tưởng của ông Ischinger đặt ra những câu hỏi chính đáng. Trước hết, bởi vì cả bốn quốc gia được đề cập đều là những nước tham gia xung đột với Nga đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraine".
Theo bộ này, các quốc gia trên cung cấp vũ khí, thông tin tình báo, chỉ định mục tiêu cho quân đội Ukraine, huấn luyện lực lượng vũ trang quốc gia Đông Âu và thậm chí gửi lính đánh thuê đến khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt.
Bộ trên nêu rõ: "Các quốc gia đó áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp chống Nga, phong tỏa tài sản nước ngoài của Nga, yêu cầu thành lập tòa án để trừng phạt lãnh đạo Nga".
Bên cạnh đó, cơ quan ngoại giao Nga cho rằng, Mỹ, Anh, Pháp và Đức còn ủng hộ các đề xuất của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mà Moscow cho là "những tối hậu thư xa rời thực tế yêu cầu đất nước chúng ta đầu hàng".
Moscow cho rằng, vì những lẽ đó, các nước này "không thể đứng ra đóng vai trò trung gian hòa giải để khởi động tiến trình hòa bình, bởi họ không quan tâm đến giải quyết khủng hoảng mà đang làm mọi cách để kéo dài cuộc đối đầu đến mức tối đa".
Theo Bộ Ngoại giao Nga, một giải pháp thực sự toàn diện, công bằng và bền vững để giải quyết xung đột chỉ có thể thực hiện được "thông qua chấm dứt chiến sự và phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Bên cạnh đó, cần "công nhận thực tế mới về lãnh thổ, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, xác nhận quy chế trung lập và không tham gia phe khối của Kiev, bãi bỏ các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với Nga, rút lại các vụ kiện chống Nga, khôi phục quy chế lưu hành ngôn ngữ Nga".
Ngoài ra, cần "khôi phục quyền của các dân tộc thiểu số và quan hệ hữu nghị với Nga cũng như các quốc gia và dân tộc khác là láng giềng và gần gũi với Ukraine".
Mỹ nên bắt đầu đàm phán với Nga
Trong khi đó, cùng ngày, trong một bài báo viết cho Tạp chí Responsible Statecraft của Viện Quincy, có trụ sở tại Washington, Giám đốc Viện này George Beebe cho rằng, đã đến lúc chính quyền của Tổng thống Joe Biden nên "nhấn bàn đạp ga đàm phán với Nga" về Ukraine.
Theo chuyên gia trên, có ba yếu tố lớn cho thấy Mỹ nên làm điều đó, bởi chúng sẽ "định hình triển vọng cho cuộc xung đột ở Ukraine", bao gồm:
Đầu tiên là tình hình phát triển trên thực địa, khi quân đội Nga đang tiến gần hơn tới việc bao vây Bakhmut ở Donetsk, miền Đông Ukraine, trong khi các lực lượng của Kiev "dường như sắp phải chịu thất bại đáng kể đầu tiên kể từ mùa hè năm ngoái".
Theo ông Bieebe, trận chiến này "đang gây ra một thiệt hại to lớn cho Ukraine".
Yếu tố thứ hai là các chính sách đối nội của Mỹ. Trong nhiều tháng, quan điểm phổ biến của Washington về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga "ngày càng trở nên phân cực hơn, với việc các đảng viên Cộng hòa ngày càng đặt nhiều dấu hỏi về mục tiêu và mức độ hỗ trợ của cường quốc hàng đầu đối với Kiev".
Chuyên gia từng là giám đốc phân tích Nga của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng: “Mặc dù chính sách về Ukraine của ông Biden nhận được ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng trong năm qua, nhưng có khả năng phải đối mặt với sự phản đối chính trị ngày càng gia tăng trong tương lai”.
Yếu tố thứ ba, theo ông Beebe, là việc Trung Quốc “bắt đầu hoạt động”.
Cảnh báo việc Bắc Kinh đóng vai trò trung gian hòa giải có thể thu hút sự chú ý của Kiev, Giám đốc Viện Quincy nhấn mạnh: "Ukraine có thể có ít đòn bẩy thương lượng hơn khi vị thế chiến trường của họ bị đình trệ và niềm tin vào sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ bị xói mòn".
Theo giả định mà ông Beebe đưa ra, có thể vì những lý do khác nhau, "cả Ukraine và Nga đều có thể thấy Trung Quốc ngày càng hấp dẫn với tư cách là một nhà trung gian hòa giải tiềm năng, ngay cả khi cả hai đều chưa sẵn sàng cho những nhượng bộ đáng kể”.
Chuyên gia này lưu ý: "Vẫn chưa quá muộn để chính quyền của ông Biden tìm cách thoát khỏi cái bẫy tiềm ẩn này bằng cách nhấn "bàn đạp ga" đàm phán với Nga. Nhưng không quá sớm để nói rằng cánh cửa cơ hội cho ngoại giao Mỹ có nguy cơ bị thu hẹp".