Xung đột Nga-Ukraine: Mỹ nói về bước tiến của Kiev, kế hoạch của EU, tỷ phú Elon Musk... vạ miệng?
Ngày 3/10, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nhận định, dường như Ukraine đang đạt được một số mục tiêu quan trọng trên thực địa mà họ tự đặt ra trong cuộc xung đột với Nga.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế Celeste Wallander ghi nhận những thành công của Kiev ở các khu vực Kharkov và Donetsk, cũng như những nỗ lực mà quân đội Ukraine đang tiến hành ở khu vực miền Nam Kherson.
Phát biểu với Trung tâm nghiên cứu nhiến lược và quốc tế, một tổ chức nghiên cứu của Washington, bà Wallander nói: "Ukraine dường như đang trên đà đạt được cả 3 mục tiêu đó ngay bây giờ".
Trong khi đó, cùng ngày, tạp chí Spiegel của Đức đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) sẽ huấn luyện 15.000 binh sĩ Ukraine.
Các nước thành viên EU đã nhất trí rằng, có tới 15.000 binh sĩ Ukraine phải trải qua khóa huấn luyện ở nước ngoài càng sớm càng tốt, trong đó 3.000 quân phải trải qua khóa huấn luyện chiến đấu đặc biệt dành cho chỉ huy và các khóa học dành cho kỹ sư.
Theo các phương tiện truyền thông, những kế hoạch trên sẽ được thực hiện sớm nhất vào giữa tháng 10.
Hôm 30/8, Đại diện EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell bày tỏ hy vọng, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên của liên minh sẽ đạt được một thỏa thuận chính trị về đào tạo lực lượng Ukraine.
Vào giữa tháng 9, Ngoại trưởng các nước Pháp, Đức và Ba Lan cho rằng, EU cần thành lập một phái đoàn huấn luyện cho các lực lượng Ukraine và giúp đỡ họ bảo trì các thiết bị quân sự.
Cũng liên quan xung đột Nga-Ukraine, mới đây, tỷ phú nổi tiếng thế giới Elon Musk đã đưa ra quan điểm về các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước này.
Bên cạnh đó, người đứng đầu công ty Tesla và SpaceX đề xuất một thỏa thuận 4 điểm trên mạng xã hội Twitter, bao gồm: Bỏ phiếu trưng cầu dân ý lại về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine dưới sự giám sát của Liên hợp quốc; duy trì bán đảo Crimea “là một phần chính thức của Nga”; đảm bảo cung cấp nước cho bán đảo này và duy trì tình trạng trung lập của Ukraine.
Theo ông Elon Musk, “với khả năng cao, đây sẽ là kết quả đàm phán cuối cùng. Vấn đề duy nhất là có bao nhiêu người sẽ tử vong trước khi thỏa thuận này được ký kết”.
Tuy nhiên, ngay sau khi vị tỷ phú Mỹ đưa ra phương án trên, nó đã vấp phải sự phản ứng rất mạnh mẽ từ Kiev. Quốc hội Ukraine đã trả lời đề xuất của ông Musk bằng một từ đơn giản: "Không".
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lập một cuộc thăm dò trên Twitter nhằm mỉa mai doanh nhân này.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda cũng không ủng hộ đề xuất của tỷ phú công nghệ khi ông viết trên Twitter cá nhân: "Elon thân mến, nếu có ai lấy 2 cái bánh xe của một chiếc Tesla, không có nghĩa họ là chủ sở hữu của chiếc xe. Ngay cả khi 2 bánh xe bỏ phiếu ủng hộ, tôi chỉ nói thế thôi".
Theo dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán New York, cổ phiếu của Tesla đã giảm 8,4% trong phiên giao dịch hôm thứ Hai sau khi công bố báo cáo kinh doanh quý dưới mức dự báo cũng như sau dòng tweet về xung đột Nga-Ukraine của ông chủ tập đoàn.