Xung đột Nga-Ukraine: Thế giới đối mặt với 'vòng xoáy lạm phát' và gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực

Theo các nhà điều hành doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ cảm nhận tác động to lớn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine thông qua giá lương thực tăng mạnh và sự gián đoạn đáng kể đối với các chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu.

Người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ cảm nhận tác động to lớn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine thông qua giá lương thực tăng mạnh. (Nguồn: AFP)

Người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ cảm nhận tác động to lớn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine thông qua giá lương thực tăng mạnh. (Nguồn: AFP)

Ông John Rich, Chủ tịch điều hành hãng cung cấp lương thực hàng đầu Ukraine MHP mới đây bày tỏ lo ngại đối với vụ Xuân năm nay - vụ mùa quan trọng không chỉ đối với nguồn cung nội địa ở Ukraine, mà còn với khối lượng lớn ngũ cốc và dầu thực vật mà nước này xuất khẩu trên toàn cầu.

Xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động to lớn đến nguồn cung nông sản của Ukraine và Nga cho thế giới. Ông Rich nhấn mạnh vụ gieo trồng sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động quân sự trong một hoặc hai tuần tới. Cùng với Nga, Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc và dầu hướng dương hàng đầu cho thị trường thế giới, chiếm gần 10% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, khoảng 13% thị trường ngô và hơn 50% thị trường dầu hướng dương, theo số liệu của UN Comtrade.

Giá hàng hóa đã tăng vọt sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, với giá lúa mì có lúc lên mức cao nhất từ trước tới nay. Theo đó, ông John Rich cảnh báo về "vòng xoáy lạm phát" đối với giá lúa mì, ngô và các loại hàng hóa khác, vốn đã tăng cao trước khi xảy ra căng thẳng ở Ukraine do hạn hán và nhu cầu tăng do các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, có tới 30% diện tích cây trồng ở Ukraine sẽ không được trồng hoặc không được thu hoạch trong năm nay do cuộc xung đột. Trong một báo cáo công bố ngày 11/3, FAO cho biết, khả năng xuất khẩu của Nga vẫn chưa rõ ràng do các lệnh trừng phạt quốc tế, song việc mất thị trường xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến nông dân Nga và khiến sản lượng sụt giảm.

Các bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng nông nghiệp nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) vào ngày 11/3 đã kêu gọi các quốc gia tránh các lệnh cấm xuất khẩu và mở cửa thị trường thực phẩm và nông sản.

Tại Brussels, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dự kiến bỏ phiếu vào ngày 21/3 về kế hoạch hỗ trợ nông dân bị thiệt hại bởi chi phí cao và mất nguồn xuất khẩu.

Ông Janusz Wojciechowski, Ủy viên phụ trách nông nghiệp EU, cho biết, kế hoạch bao gồm cho phép nông dân trồng cây lương thực cho vật nuôi trên đất bỏ hoang và thay đổi các quy định về hỗ trợ nhà nước nhằm cho phép các chính phủ trợ cấp cho nông dân bị thiệt hại do chi phí tăng cao.

Vị quan chức EU cũng cho biết, không có nguy cơ thiếu lương thực ở EU và cảnh báo Ủy ban châu Âu sẽ có hành động pháp lý chống lại những nước ban hành lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc. EU hiện nhập một nửa lượng ngô từ Ukraine và 1/3 lượng phân bón từ Nga

(theo AFP)

Minh Hợp

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-the-gioi-doi-mat-voi-vong-xoay-lam-phat-va-gian-doan-chuoi-cung-ung-luong-thuc-176862.html