Xung đột Nga-Ukraine 'thổi bùng' nạn đói ở châu Phi
Phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lương thực xuất khẩu từ Nga và Ukraine, cuộc xung đột tại Kiev leo thang căng thẳng đang đẩy rất nhiều quốc gia châu Phi rơi vào tình cảnh khốn đốn, mất an ninh lương thực.
Bánh mì hiện đang là lương thực chính của hàng chục triệu người dân Ai Cập. Loại lương thực này quan trọng đến mức bất kỳ sự thiếu hụt về nguồn cung cũng có thể trở thành một vấn đề chính trị lớn, gây biến động xã hội.
Giá cả tăng vọt trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu từng dẫn tới các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Ai Cập vào năm 2007-2008. Đây cũng được xem là nguyên nhân chính “châm ngòi” cho cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab năm 2011, dẫn đến việc lật đổ chính quyền kéo dài 3 thập kỷ của Tổng thống Hosni Mubarak.
"Khủng hoảng bánh mì" ở Ai Cập
Những sự kiện tương tự như vậy từng có tiền lệ. Cuộc bạo động bánh mì Ai Cập năm 1977 xảy ra khi Tổng thống Anwar el-Sadat chấm dứt trợ cấp lương thực, gây ra các cuộc biểu tình và cuối cùng Chính phủ buộc phải khôi phục trợ cấp.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine trong hơn một tháng qua đang kéo theo những nguy cơ mới. Dù không xảy ra ở châu Phi nhưng sức nóng của cuộc chiến dường như đang được cảm nhận trên khắp châu Phi, từ Cairo cho đến Nairobi.
Ai Cập đang là một trong những quốc gia nhập khẩu lúa mì nhiều nhất từ Nga và Ukraine nhưng nguồn cung hàng hóa đã bị gián đoạn do tác động của xung đột và các lệnh trừng phạt của phương Tây gây khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của Moscow.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của bánh mì và tình trạng bất ổn khi nguồn cung bánh mì gián đoạn, các nhà chức trách Ai Cập đã nhanh chóng vào cuộc.
“Cuộc khủng hoảng an ninh lương thực của Ai Cập hiện đang đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với nền kinh tế của quốc gia. Tình trạng này bắt nguồn từ việc ngành nông nghiệp trong nước không thể sản xuất đủ ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và hạt có dầu đủ để đáp ứng thậm chí một nửa nhu cầu nội địa của đất nước”, Giáo sư Michael Tanchum, thành viên của Chương trình kinh tế và năng lượng thuộc Viện Trung Đông cho biết.
Ông cho biết, hiện Cairo đang phục thuộc phần lớn vào khối lượng hàng nhập khẩu được trợ cấp để đảm bảo cung cấp đủ bánh mì và dầu thực vật với giá bình ổn cho 105 triệu công dân của mình.
Nga và Ukraine đang chiếm khoảng 30% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu của thế giới và Ukraine cung cấp 15% lượng ngô xuất khẩu.
Trước cuộc xung đột, Moscow và Kiev là nguồn cung chủ yếu, chiếm hơn 80% nhu cầu lúa mì của Ai Cập, với số lượng từ 12 đến 13 triệu tấn hàng năm, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung lúa mì và ngăn chặn khả năng tiếp cận với lúa mì giá cả phải chăng từ khu vực Biển Đen của Ai Cập. Phần lớn hàng hóa đều phải đi qua Odesa và các cảng trên Biển Đen nhưng các cảng này phần lớn đều đã bị đóng cửa sau khi các nước phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga.
Để đảm bảo duy trì nguồn cung bánh mì được trợ giá cho hơn 70 triệu người dân, chủ yếu có thu nhập thấp đến trung bình, Ai Cập đã đa dạng hóa nguồn nhập khẩu và đặt mua từ các nông dân địa phương. Các ổ bánh mì dẹt nhỏ được trợ cấp vẫn được bán với giá thấp.
François Conradie, nhà kinh tế chính trị hàng đầu tại Oxford Economics Africa, nhận định: “Ngay cả khi giá bánh mì được giữ ở mức cố định, các mặt hàng khác vẫn sẽ trở nên đắt đỏ hơn do tác động của giá nhiên liệu cao hơn”.
Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly đã ấn định giá bánh mì thương mại ở mức 11,50 Bảng Ai Cập/kg và tìm kiếm hàng hóa từ các thị trường thay thế như Ấn Độ, Mỹ, Argentina và Paraguay để đáp ứng nhu cầu của mình.
Chính phủ cũng đang đặt mục tiêu mua 6 triệu tấn lúa mì từ nông dân địa phương, tương đương 60% sản lượng thu hoạch dự kiến, và áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, đậu, đậu lăng, bột mì và mì ống trong 3 tháng.
Tuy nhiên, theo Cơ quan Nông nghiệp nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ, ngay cả khi có các biện pháp bổ sung để đa dạng hóa nguồn cung lúa mì, “giá tăng trên toàn cầu sẽ cản trở khả năng thu mua khối lượng lớn lúa mì của Ai Cập từ các nguồn quốc tế”.
Nạn đói và nguy cơ xung đột
Tương tự, ở nhiều quốc gia Bắc Phi khác, chính phủ cũng đang thực hiện các bước để ngăn chặn nguy cơ khan hiếm lương thực. Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã ra lệnh cấm xuất khẩu nhiều loại thực phẩm mà nước này có nhu cầu nhập khẩu.
Nguy cơ mất an ninh lương thực và xung đột tiềm tàng có thể xuất hiện ở một số quốc gia trong khu vực - chẳng hạn như ở Yemen, trên Bán đảo Arab, nơi từng xảy ra giao tranh giữa lực lượng chính phủ và lực lượng ly khai.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), chi nhánh hỗ trợ lương thực của Liên hợp quốc tuần trước đã ra cảnh báo, 17,4 triệu người Yemen có thể bị xếp vào nhóm “không an toàn về lương thực” - không được tiếp cận với thực phẩm với giá bỉnh ổn và khoảng 1,6 triệu người dự kiến sẽ rơi vào cảnh đói ăn vào cuối năm.
WFP cho biết, nhiều khả năng số người phải rơi vào hoàn cảnh đói cùng cực tại Yemen sẽ tăng gấp 5 lần vào tháng 12, từ 31.000 người hiện nay lên 161.000 người.
Nam Sudan, quốc gia bị ảnh hưởng bởi hạn hán đang phải chống chọi với nạn đói tồi tệ nhất từ trước đến nay. WFP nói rằng, “tình trạng khẩn cấp báo hiệu một nạn đói tiềm ẩn” đang diễn ra ở Nam Sudan trong khi sự chú ý của thế giới đang tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine. Dự báo, khoảng 8,3 triệu người dân Nam Sudan sẽ phải đối mặt với nạn đói thảm khốc trong những tháng tới.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang khiến tình hình an ninh lương thực ở cả hai quốc gia Yemen và Nam Sudan ngày càng trở nên căng thẳng.
Không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, việc Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới cùng các lệnh trừng phạt mới nhất đã khiến giá dầu thô quốc tế tăng vọt và buộc các nước không sản xuất dầu mỏ ở châu Phi phải chi nhiều hơn để mua xăng dầu.
Các nhà quan sát cho rằng mặc dù các nước sản xuất dầu như Angola, Cộng hòa Congo hay Algeria có thể hưởng lợi từ giá cao hơn, nhưng khoản lợi nhuận này cũng có thể bị xóa sổ do chi phí nhập khẩu tăng.
(theo SCMP)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-thoi-bung-nan-doi-o-chau-phi-178277.html