Xung đột Nga - Ukraine tròn 3 năm: Hy vọng hòa bình đang nhen nhóm nhờ 'cơn gió ngược'
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khép lại năm giao tranh thứ ba, với những hậu quả nặng nề về người và của. Nhưng ở phía chân trời, đã có những hy vọng nhen lên về một thỏa thuận hòa bình sau khi xuất hiện 'cơn gió ngược' từ phía… Mỹ.
Cục diện chiến trường nghiêng về Nga
Ngày 24/2/2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh, sử dụng lực lượng tinh nhuệ tấn công thẳng vào thủ đô Kiev. Tuy nhiên, sức kháng cự của Ukraine cùng với việc phương Tây nhanh chóng viện trợ cho nước này đã khiến kế hoạch của Nga không thành.

Bản đồ Nga và Ukraine, với những khu vực màu đỏ là lãnh thổ Ukraine hiện do Nga kiểm soát. Ảnh: Free Press
Kể từ đầu tháng 4/2022, Nga buộc phải rút lui hoàn toàn khỏi khu vực Kiev, Chernihiv và Sumy để chuyển trọng tâm chiến dịch sang miền đông Ukraine (Donbas), bắt đầu điều chỉnh cả về mục tiêu, phương thức và phạm vi tác chiến cũng như quy mô sử dụng lực lượng.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine kể từ đó bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn chiến tranh lâu dài và tiêu hao, với sự can dự sâu hơn của nhiều bên và thiệt hại nặng nề hơn đối với cả hai phía tham chiến.
Sau 3 năm, Nga với sức mạnh không quân áp đảo vẫn khống chế bầu trời để có thể tung ra những đòn không kích nhằm vào cả tiền tuyến lẫn hậu phương đối thủ. Trên bộ, quân đội Nga vẫn ở thế tiến công trên hầu hết các mặt trận nhờ ưu thế về pháo binh và tên lửa. Trên biển, Nga phong tỏa hoàn toàn Biển Đen, chỉ cho phép một số lượng hạn chế tàu bè được kiểm tra kỹ lưỡng qua lại trong một hành lang quy định.
Nhưng Ukraine sau khi nhận được những khí tài ngày một hiện đại hơn từ phương Tây. đặc biệt là hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS và tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ, cũng đã đáp trả mạnh hơn, gây ra cho Nga những tổn thất không nhỏ.

Với những vũ khí được phương Tây viện trợ, như hệ thống pháo phản lực bắn loạt HIMARS của Mỹ, Ukraine của Tổng thống Zelensky có thể kháng cự mạnh mẽ hơn. Ảnh: Ukraine Today
Tuy nhiên, xét về tổng thể, Nga vẫn giành được ưu thế lớn hơn khi kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Donetsk, Kherson, Zaporizhzhia và Kharkiv (cùng với bán đảo Crimea được sáp nhập trước đó).
Còn Ukraine, tuy giành được một vùng rộng khoảng 440 km2 ở tỉnh Kursk của Nga sau khi mở chiến dịch phản công tổng lực hồi tháng 8/2024, vẫn ở thế cầm cự trên toàn bộ các mặt trận.
Cho đến nay, chiến sự vẫn đang tiếp diễn ở những khu vực kể trên song tờ Huffington Post dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo quân sự Ukraine cho biết, Moscow đang lên kế hoạch tuyên bố chiến thắng trước Kiev vào đúng ngày kỷ niệm 3 năm cuộc xung đột, ngày 24/2.
Những cơn gió ngược với Ukraine
Chưa rõ thông tin mà tình báo Ukraine có được là đúng hay sai nhưng nếu Nga thực sự làm như vậy thì cũng là điều có thể hiểu được. Bởi diễn biến địa chính trị vào thời điểm chuẩn bị tròn 3 năm cuộc xung đột này đang xuất hiện những cơn gió ngược với Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Moldova1
Tại Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump, người trong quá trình vận động tranh cử từng tuyên bố sẽ giúp chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã đắc cử và trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Ngay sau khi chính thức trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã thực hiện lời hứa của mình, khi gần như đảo lộn mọi quyết sách của người tiền nhiệm về vấn đề Ukraine.
Trong cuộc họp báo đầu tiên tại dinh thự Mar-a-Lago, Tổng thống đắc cử Donald Trump bày tỏ lo ngại về cuộc xung đột Nga - Ukraine và cam kết sẽ tích cực tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ý định này được thực hiện nhanh chóng. Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về một số vấn đề, trong đó nổi bật là việc chấm dứt xung đột tại Ukraine. Sau đó, cùng ngày, ông Trump cũng đã liên lạc với Tổng thống Zelensky để thảo luận về các bước tiếp theo của vấn đề này.
Chỉ sau đó chưa đầy 1 tuần, ngày 18/2, một phái đoàn ngoại giao Mỹ đã tới Ả Rập Xê Út gặp gỡ phái đoàn Nga nhằm bàn thảo các bước kỹ thuật cho một thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột cũng như tái thiết quan hệ giữa Washing ton và Moscow.
Điều đáng nói, phía Ukraine không được mời tham dự cuộc gặp mang tính “trù bị” cho thỏa thuận hòa bình này. Thay vào đó, Tổng thống Donald Trump yêu cầu Ukraine bù đắp cho những khoản viện trợ mà Mỹ đã cung cấp cho nước này bằng việc để Washington tiếp cận lợi nhuận của 50% tài nguyên khoáng sản và năng lượng của Ukraine, với giá trị được truyền thông phương Tây ước tính khoảng 500 tỷ USD.
Tổng thống Zelensky đã phản đối đề nghị này, dẫn tới việc phía Mỹ gia tăng sức ép mạnh mẽ lên Kiev cũng như cá nhân nhà lãnh đạo Ukraine. Ông Trump, trong một bài đăng trên mạng xã hội, đã gọi ông Zelensky là “nhà độc tài không tổ chức bầu cử” và đặt dấu hỏi về cách Ukraine sử dụng những khoản viện trợ từ Mỹ.
Ông Trump cũng kêu gọi Ukraine tổ chức bầu cử tổng thống và và nhấn mạnh rằng ông Zelensky cần nhanh chóng đạt được thỏa thuận hòa bình, nếu không Ukraine có thể mất cả đất nước. Song so với đó, Nga và Mỹ cũng tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực thảo luận về chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.
Sau cuộc gặp tại Riyadh (Ả Rập Xê Út) hôm 18/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thông báo rằng Nga và Mỹ đã thống nhất về nguyên tắc tổ chức cuộc gặp thứ hai trong vòng hai tuần tới tại một nước thứ ba nhằm tiếp tục thảo luận về các vấn đề còn tồn đọng và thúc đẩy tiến trình hòa bình.
Trong khi đó, trước những ý kiến lo ngại từ Ukraine và châu Âu về việc có thể bị gạt ra khỏi tiến trình đàm phán hòa bình, phía Mỹ cho biết Ukraine cũng như EU sẽ được tham dự nếu như quá trình này có những tiến triển phù hợp. Nhưng phù hợp như thế nào thì chưa thấy Washington nói rõ.
Lo lắng và hy vọng
Theo những tín hiệu phát đi từ Moscow, những yêu cầu chủ yếu của Điện Kremlin đối với một thỏa thuận hòa bình cũng đã được đưa ra khá rõ ràng.
Cụ thể, Nga yêu cầu Ukraine không được gia nhập NATO, rút quân khỏi toàn bộ 4 vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố chủ quyền và đang kiểm soát phần lớn diện tích; phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga, chấm dứt các vụ truy tố chống lại Nga, bao gồm cả các cá nhân và pháp nhân Nga; đảm bảo an ninh tương lai cho Nga bằng cách giới hạn quy mô quân đội Ukraine và không chấp nhận sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Ukraine.
Theo giới quan sát, rất khó để Ukraine chấp nhận những yêu cầu này, đặc biệt là vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Thế nhưng, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump, ông Keith Kellogg cho rằng, việc Ukraine muốn khôi phục lại hoàn toàn lãnh thổ như trước cuộc xung đột là không thực tế. Ông Kellogg nói, việc chính thức hóa tổn thất lãnh thổ của Ukraine không đồng nghĩa rằng Kiev công nhận điều đó.
Phát biểu với Fox News, ông Kellogg cho rằng lãnh thổ là vấn đề lâu dài trong khi lúc này, “chúng ta cần một nền hòa bình thực sự và ổn định… cho đến khi có được một thỏa thuận an ninh giữa tất cả các bên, một thỏa thuận lâu dài và bền vững”. Đặc phái viên này đồng thời khẳng định, Mỹ không xem việc Ukraine gia nhập NATO là giải pháp cho hòa bình.
Những diễn ngôn ấy cho thấy, Ukraine không có nhiều lựa chọn để cứng rắn. Hoặc nói như Tổng thống Donald Trump thì Kiev “không có quân bài nào trong tay” để đàm phán. Trong khi Mỹ “đảo chiều” chính sách, Tổng thống Zelensky cũng khó có thể trông đợi gì từ châu Âu, dù những nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Italia… đang nhóm họp ở Paris nhằm phản ứng với quyết sách của Mỹ và tìm cách hỗ trợ Ukraine.
Các nước này, dù tuyên bố muốn dự phần trong hòa đàm về Ukraine và tính cả việc đưa quân vào thực địa song nhiều khả năng cũng chỉ có thể tuyên bố thay vì hành động. Họ cũng chẳng có lá bài nào do vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự, đảm bảo an ninh từ Mỹ đồng thời gặp nhiều khó khăn về kinh tế để có thể viện trợ cho Ukraine.
Cần biết rằng, ngay cả chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu tại NATO còn chưa đáp ứng được yêu cầu từ Mỹ nhằm giải quyết cán cân chi tiêu chênh lệch giữa Washington và các thành viên của khối, thì khả năng những nước này tiếp sức cho Kiev kháng cự trên chiến trường là một câu hỏi quá khó.
Bối cảnh như vậy cùng những thiệt hại mọi mặt của cả Nga, Ukraine và tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới từ cuộc xung đột này đang trở thành những chất xúc tác để dư luận quốc tế ủng hộ việc sớm có thỏa thuận hòa bình.

Ukraine đang chịu sức ép lớn do những động thái quyết đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như những bất lợi trên chiến trường. Ảnh: University of Missouri
Sau 3 năm chiến sự, Liên Hợp quốc ước tính có khoảng gần 12.000 người Ukraine thiệt mạng, gần 25.000 nghìn người bị thương, và tổn thất tài sản của quốc gia này lên đến 152 tỷ USD. Trong khi đó, khoảng 10 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa, một số không nhỏ di cư đến các quốc gia khác.
Trên chiến trường, dù có nhiều ước tính khác nhau mang màu sắc tuyên truyền của cả đôi bên thì tổng hợp lại, cũng có thể nhận định rằng Nga mất khoảng 200.000 quân và thiệt hại của Ukraine dao động từ 300.000 đến 500.000 binh sĩ. Sự khốc liệt của cuộc chiến càng khắc họa những hiểm họa tiềm tàng lớn thế nào đối với các nước châu Âu nếu họ dấn sâu sâu hơn vào xung đột.
Sau 3 năm chiến sự, đã đến lúc Nga và Ukraine cần tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột và thật may, đây cũng là thời điểm tín hiệu hòa bình đang ló rạng ở cuối chân trời. Hy vọng, các bên sẽ có những nhượng bộ phù hợp với vị thế của mỗi nước và tìm được giao điểm hợp lý cho lợi ích quốc gia của mình, để đến thời điểm này năm sau, thế giới sẽ không phải nhìn lại năm thứ 4 của cuộc xung đột này nữa.