Xung đột Nga-Ukraine và hệ quả với an ninh châu Âu
Xung đột Nga-Ukraine rồi cũng sẽ đi đến hồi kết. Như mọi xung đột khác, giao tranh càng kéo dài thì hệ quả an ninh càng lớn và khốc liệt.
Cuộc chiến giữa Nga-Ukraine đã bước sang tuần thứ ba và vẫn diễn ra ác liệt.
Hiện không có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga sẽ sớm đình chiến, trong bối cảnh Ukraine vẫn từ chối ba điều kiện mà Tổng thống Putin đưa ra gồm: (i) Ukraine phải công nhận Crimea thuộc Nga; (ii) Ukraine phải thực hiện việc “phi phát xít hóa” và phi quân sự hóa; và (iii) Ukraine phải thực thi chính sách trung lập, tức sẽ không theo đuổi việc tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tất nhiên, chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không thể chấp nhận điều kiện “áp đặt” của Moscow và Kiev khẳng định sẽ “chiến đấu đến cùng”.
Các kịch bản
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ cuộc chiến nào, xung đột Nga-Ukraine rồi cũng sẽ đi đến hồi kết, dù có giải pháp hay không. Về sơ bộ, có thể xảy ra ba kịch bản sau.
Kịch bản thứ nhất diễn ra khi chính quyền của ông Zelensky hoặc chính quyền mới “hậu ông Zelensky” chấp nhận toàn bộ hoặc phần lớn các điều kiện do phía Nga đưa ra để chấm dứt cuộc chiến.
Trong trường hợp này, Ukraine sẽ trung lập và phi quân sự hóa, còn Nga sẽ “giữ” Crimea, cũng như ảnh hưởng tại Donbass.
Kịch bản thứ hai là trong trường hợp không có giải pháp ngoại giao hay chính trị, Nga nhiều khả năng sẽ hỗ trợ các tỉnh khác ở khu vực miền Đông sông Dnieper có đông dân nói tiếng Nga tuyên bố độc lập như Lugansk và Donetsk.
Điều này trên thực tế sẽ chia cắt Ukraine thành hai “quốc gia” Đông và Tây Ukraine. Ở mức độ thấp hơn, Nga có thể tạm “hài lòng" với việc kiểm soát khu Crimea và Donbass.
Thứ ba là “kịch bản Syria”, có thể xảy ra khi chính quyền của Tổng thống Zelensky, với sự hỗ trợ của phương Tây, tiếp tục kháng chiến lâu dài. Điều này có thể biến Ukraine thành một “Syria” của châu Âu, với tác động và gánh nặng về an ninh, người tị nạn cho Liên minh châu Âu (EU) và NATO.
Dù rơi vào kịch bản nào, Nga cũng đạt được mục tiêu làm suy yếu tối đa tiềm năng quân sự và cơ sở vật chất của Ukraine, khiến nước này không thể tạo ra mối đe dọa an ninh với mình.
Dù rơi vào kịch bản nào, Nga cũng đạt được mục tiêu làm suy yếu tối đa tiềm năng quân sự và cơ sở vật chất của Ukraine, khiến nước này không thể tạo ra mối đe dọa an ninh với mình.
Hệ quả với châu Âu
Dù cuộc chiến diễn ra theo kịch bản nào, hệ lụy đối với an ninh châu Âu cũng hết sức nặng nề cả về ngắn và dài hạn.
Đây là những vấn đề mà Mỹ và NATO chưa từng gặp phải kể từ khi tổ chức hiệp ước quân sự hùng mạnh nhất thế giới này ra đời năm 1949.
Thứ nhất, đó là sự tiến thoái lưỡng nan trong việc xử lý “mối đe dọa” an ninh từ Nga.
Một mặt, NATO hiểu rõ Nga là nhân tố không thể thiếu trong bất kỳ cơ chế an ninh nào.
Mặt khác, họ lại tìm cách loại và làm suy yếu Nga trong cơ chế an ninh đó, thể hiện rõ nhất là quyết tâm mở rộng NATO sang phía Đông mà không tham khảo ý kiến của Nga.
Trong khi đó, NATO “rất ngại” và không bao giờ muốn đối đầu với Nga về vũ khí hạt nhân. Vì vậy, khi Nga đặt lực lượng răn đe hạt nhân ở chế độ cảnh báo đặc biệt, NATO buộc phải cẩn trọng và dè chừng khi hỗ trợ quân sự với Ukraine.
Thứ hai, các thành viên châu Âu của NATO giờ đây sẽ sớm đạt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng phòng lên 2% GDP, thậm chí cao hơn, vào năm 2024, theo cam kết của NATO từ năm 2006.
Trước đây, nhiều nước châu Âu đã không thấy mối đe dọa an ninh lớn từ bên ngoài và hoàn toàn “yên tâm” với chiếc ô bảo hộ hạt nhân của Mỹ.
Điều này từng khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump “tức giận” và dọa “không bảo vệ” các nước thành viên NATO nào mà an ninh của chính mình cũng “chẳng buồn lo”.
Khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, Đức đã “nổ phát súng” đầu tiên khi cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP và lập quỹ đặc biệt cho quốc phòng lên tới 100 tỷ USD.
Việc này chắc chắn sẽ được nhiều thành viên châu Âu của NATO hưởng ứng và làm theo.
Tuy nhiên, khi phí quốc phòng phình lên, khoản ngân sách cho y tế, phúc lợi xã hội và phục hồi kinh tế của EU có thể sẽ “teo tóp” lại.
Thứ ba, châu Âu đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo chưa từng có kể từ sau Thế chiến II đến nay.
Chỉ hơn hai tuần sau cuộc chiến, các thành viên EU đã phải tiếp nhận hơn 2 triệu người tị nạn đến từ Ukraine.
Con số này đang tăng lên từng ngày và có thể lên thành 5 triệu trong vòng vài tuần tới nếu chiến sự không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Như mọi xung đột khác, giao tranh càng kéo dài thì các hệ quả an ninh càng lớn và khốc liệt, đặc biệt là với người dân thường.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-va-he-qua-voi-an-ninh-chau-au-176437.html