Xung đột ở Biển Đỏ có thể đẩy giá dầu tăng cao

Sự leo thang bạo lực mới nhất ở Biển Đỏ giữa các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn và phiến quân Houthi có thể không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu cho châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu, nhưng có thể đẩy giá mặt hàng này lên cao hơn.

Tờ South China Morning Post đưa tin giá dầu đã tăng hơn 2% trong tuần trước, đạt mức cao nhất trong năm nay sau khi lực lượng Mỹ và Anh tiến hành hàng chục cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi để trả đũa các cuộc tấn công vào tàu chở hàng trên Biển Đỏ.

Vào sáng 16-1, giá dầu thô Brent được giao dịch trên 78 USD/thùng, trong khi giá dầu West Texas Middle ở mức dưới 73 USD một chút, vài giờ sau khi phiến quân Houthi tấn công một tàu thương mại thuộc sở hữu của Mỹ bằng tên lửa.

Cuộc tấn công diễn ra sau cảnh báo của nhóm Houthi về “phản ứng mạnh mẽ và hiệu quả” sau khi Mỹ thực hiện cuộc tấn công.

Các cuộc tấn công của Mỹ-Anh vào nhóm Houthi làm gia tăng nguy cơ chiến tranh ở Trung Đông trong bối cảnh xung đột ở Gaza.

Căng thẳng đã làm tăng phí bảo hiểm chiến tranh đối với việc vận chuyển hàng hóa, khiến nhiều công ty vận tải hàng hóa phải đi tuyến đường dài hơn kể từ cuối năm ngoái. Giờ đây, nhiều tàu chở dầu và khí đốt đang được chuyển hướng khỏi tuyến qua Biển Đỏ đầy nguy hiểm.

Các nhà phân tích cho biết, bất chấp căng thẳng gia tăng trên khắp khu vực cung cấp 1/3 lượng dầu thô của thế giới, hậu quả ở châu Á có thể chỉ giới hạn ở giá dầu thô đắt hơn và thời gian chờ đợi hàng hóa lâu hơn chứ không phải là mối đe dọa đối với nguồn cung của các nước thuộc khu vực này.

Xung đột ở Biển Đỏ có thể đẩy giá dầu tăng cao

Xung đột ở Biển Đỏ có thể đẩy giá dầu tăng cao

“Nếu xung đột vẫn ở mức âm ỉ, tập trung ở Biển Đỏ và không mở rộng sang eo biển Hormuz (gần Iran), nguồn cung cấp dầu cho châu Á khó có thể bị ảnh hưởng”- Pushan Dutt - giáo sư kinh tế tại INSEAD cho biết eo biển Hormuz quan trọng hơn nhiều đối với nguồn cung cấp dầu cho châu Á và là điểm chuyển tiếp cho gần 20% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu.

Ông nhận định: “Trừ khi Iran trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, nếu không nguồn cung cấp dầu cho châu Á sẽ không bị ảnh hưởng”.

Tuy nhiên, Dutt cho biết, các nhà nhập khẩu châu Á sẽ cảm thấy khó khăn do chi phí vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm cao hơn trên toàn thế giới, bởi vì các tàu và tàu chở dầu từ Trung Đông đến châu Âu phải chuyển hướng hàng hóa của họ để tránh khu vực xung đột.

Ông nói thêm: “Nếu người Houthi mở rộng các cuộc tấn công của họ, tương tự như những gì họ đã làm vào năm 2019 khi họ tấn công các cơ sở dầu mỏ của Aramco bằng máy bay không người lái và tên lửa, thì chỉ khi đó chúng ta mới thấy giá dầu tăng đột biến”.

Theo Dutt, khả năng Iran bị lôi kéo vào cuộc xung đột là thấp vì nước này thoải mái hơn khi sử dụng lực lượng ủy nhiệm để phát huy sức mạnh của mình, trong khi Mỹ để mắt đến cuộc chiến Nga-Ukraine và Trung Quốc sẽ không muốn xung đột leo thang.

“Cuối cùng, Israel không thể tiến hành một cuộc chiến tranh đa mặt trận và có thể sẽ tránh đối đầu trực tiếp với Iran. Tuy nhiên, với rất nhiều quân cờ và người chơi đang di chuyển, không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng leo thang ngoài ý muốn” - ông nói thêm.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/xung-dot-o-bien-do-co-the-day-gia-dau-tang-cao_157979.html