Xung đột phủ bóng: Điều gì đang xảy ra ở Sudan?
Các cuộc đụng độ giữa nhóm bán quân sự chính của Sudan và các lực lượng vũ trang nước này hôm 15/4 (giờ địa phương) đã khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, trong bối cảnh căng thẳng giữa các bên đã leo thang suốt nhiều tháng nay.
Khói đen bốc lên từ thủ đô Khartoum, Sudan giữa các cuộc đụng độ quân sự. Nguồn: The Guardian
Giao tranh liên tiếp
Reuters dẫn lời Hiệp hội Bác sĩ Sudan cho biết, 183 người đã bị thương trong các cuộc giao tranh giữa quân đội và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) - nhóm bán quân sự đầy quyền lực ở quốc gia Bắc Phi.
Đụng độ nổ ra tại một số khu vực như sân bay Khartoum và thành phố Omdurman gần đó cũng như tại các thành phố Nyala, El Obeid và El Fasher, nằm ở phía Tây thủ đô Khartoum đã khiến ít nhất 25 người thiệt mạng.
Trước đó, hôm 15/4, Lực lượng bán quân sự RSF bất ngờ tuyên bố đã chiếm giữ Phủ Tổng thống, trụ sở quân đội, đài truyền hình nhà nước và các sân bay ở Khartoum, thành phố phía Bắc Merowe, El Fasher và bang Tây Darfur.
Chỉ vài giờ sau, Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah Al-Burhan, xác nhận quân đội đã giành lại quyền kiểm soát các địa điểm trọng yếu gồm Phủ Tổng thống, trụ sở quân đội và sân bay.
Lực lượng không quân Sudan đồng thời yêu cầu mọi người ở trong nhà trong khi họ tiến hành cuộc khảo sát trên không về hoạt động của RSF, với yêu cầu tạm đóng cửa trường học, ngân hàng và văn phòng chính phủ trong ngày 16/4 được đưa ra ở Khartoum.
Tiếng súng và tiếng nổ lớn có thể được nghe thấy trên khắp thủ đô, nơi các đoạn video do truyền thông ghi lại cho thấy, khói bốc lên từ một số quận và các máy bay quân sự bay thấp trên thành phố. Theo Reuters, đại bác và xe bọc thép cũng được triển khai trên đường phố thủ đô, trong khi tiếng súng hạng nặng được nghe thấy gần trụ sở của cả quân đội và RSF.
Bất đồng không thể giải quyết
Căng thẳng giữa quân đội Sudan và RSF đã leo thang suốt nhiều tháng nay, khiến các đảng phái chính trị ở quốc gia Bắc Phi chưa thể ký kết thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước.
Những căng thẳng hiện tại giữa quân đội và RSF bắt nguồn từ bất đồng giữa hai bên về cách thức sáp nhập RSF vào quân đội và đơn vị nào sẽ đảm trách công tác giám sát quá trình này. Việc sáp nhập 2 lực lượng là điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển tiếp chính phủ chưa được ký kết tại Sudan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15/4 cho biết, tình hình ở Sudan rất "mong manh" vì một số tác nhân "có thể đang chống lại tiến trình đó", song khẳng định vẫn còn cơ hội để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang chính phủ do giới dân sự lãnh đạo ở nước này.
Reuters nhận định, cuộc đối đầu kéo dài giữa RSF và quân đội có thể khiến Sudan rơi vào xung đột lan rộng khi nước này phải vật lộn với sự suy sụp kinh tế và bạo lực bộ lạc, đồng thời cũng có thể làm gián đoạn các nỗ lực tiến tới bầu cử.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Phản ứng trước các diễn biến xung đột tại Sudan, các cường quốc và tổ chức gồm: Mỹ, Nga, Ai Cập, Arab Saudi, Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi đều kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.
Người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc tại Sudan (UNITAMS) Volker Perthes ngày 15/4 đã "lên án mạnh mẽ các cuộc giao tranh vừa nổ ra ở Sudan."
Tuyên bố của UNITAMS nêu rõ: "Ông Perthes đã liên hệ với cả hai bên yêu cầu họ ngừng giao tranh ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho người dân Sudan và tránh để Sudan rơi vào tình trạng bạo lực hơn nữa."
Trong khi đó, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Joseph Borrell kêu gọi tất cả các lực lượng chấm dứt bạo lực ở Sudan ngay lập tức và cho biết toàn bộ nhân viên EU ở Sudan đều an toàn.
Cùng ngày, Mỹ, Nga, Arab Saudi và Ai Cập đều bày tỏ sự hết sức quan ngại trước tình hình leo thang và các cuộc đụng độ ở Sudan, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế và lựa chọn đối thoại để giải quyết xung đột.