Xung đột tại dải Gaza: Ngày yên bình vẫn còn xa
Cách biệt về quan điểm giữa Israel và Hamas khiến chiến sự tại Dải Gaza chưa thể tiến đến hồi kết. Và chuyến công du thứ 5 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới các nước Đông Địa Trung Hải nhằm giải quyết vấn đề này dường như đã biến thành một 'nhiệm vụ bất khả thi'.
Quan điểm vẫn còn khác xa
Phát biểu trước báo giới ngày 17/2 (giờ địa phương), người đứng đầu phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh đã tái khẳng định yêu cầu của lực lượng này về một lệnh ngừng bắn hoàn toàn tại dải Gaza. Trong tuyên bố, ông nhấn mạnh các yêu cầu của Hamas, bao gồm: chấm dứt giao tranh, lực lượng chiếm đóng rút khỏi dải Gaza, dỡ bỏ phong tỏa, đồng thời những người phải di tản được cung cấp nơi trú ẩn an toàn. Người đứng đầu Hamas nêu rõ, những người sơ tán khỏi khu vực phía Bắc Gaza phải được trở về nhà, đồng thời các tù nhân Hamas bị phạt tù dài hạn tại Israel phải được trả tự do.
Đáp lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhấn mạnh: Một thỏa thuận ngoại giao rộng rãi hơn với người Palestine chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán trực tiếp mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Israel sẽ không nhượng bộ trước các mệnh lệnh quốc tế liên quan đến thỏa thuận thành lập nhà nước với người Palestine. Thủ tướng Israel cũng cho biết, ông đã cử các nhà đàm phán đến Cairo (Ai Cập) theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhưng đàm phán không thể diễn ra vì yêu cầu của lực lượng Hamas là ảo tưởng. Ông nêu rõ: "Đàm phán đòi hỏi phải có lập trường vững chắc. Tôi phải nhấn mạnh rằng cho đến thời điểm này, những yêu cầu của Hamas chỉ là ảo tưởng, họ muốn đánh bại Israel, tất nhiên chúng tôi sẽ không đồng ý. Chỉ khi Hamas bỏ đi những yêu cầu ảo tưởng này, các bên mới có thể tiến về phía trước".
Tuyên bố của Israel và lực lượng Hamas cho thấy, quan điểm của các bên vẫn còn khác xa nhau. Và việc hai bên có thể ngồi lại tiếp tục đàm phán cho một lệnh ngừng bắn lâu dài và khả thi sẽ đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cộng đồng quốc tế và cả từ 2 phía. Điều này đã được Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani - một trong những quốc gia thúc đẩy đàm phán giữa Israel và lực lượng Hamas nhấn mạnh tại một phiên họp của Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 (MSC 60) đang diễn ra ở Đức. Ông nói: "Thời gian vẫn chưa có lợi cho chúng tôi. Chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ tốt về đàm phán trong vài tuần qua và chúng tôi đang cố gắng đạt được thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, tình hình chưa mấy tiến triển như mong đợi và tôi tin rằng vẫn còn những khác biệt lớn giữa các bên". Cũng tại sự kiện này, lãnh đạo và quan chức cấp cao các nước đã gia tăng những lời kêu gọi yêu cầu chấm dứt xung đột tại Gaza và thúc đẩy giải pháp 2 nhà nước giữa Israel và Palestine.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng, Israel có "cơ hội đặc biệt" để hội nhập vào Trung Đông khi các nước Arab sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với nước này. Ông đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết của giải pháp 2 nước nhằm đảm bảo an ninh cho cả Israel và Palestine. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng, có một cơ hội đặc biệt cho Israel trong những tháng tới để thực sự chấm dứt chu kỳ căng thẳng hiện nay một lần và mãi mãi. Bởi một số thực tế mới chưa từng tồn tại trước đây.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, để thiết lập giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cần phải có sự đảm bảo rằng những vụ tấn công như hôm 7/10/2023 của Hamas sẽ không bao giờ xảy ra. Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh: "Giải pháp cho cuộc khủng hoảng Biển Đỏ phải giải quyết được tận gốc những căng thẳng hiện nay. Nguyên nhân sâu xa là cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza. Lập trường của Trung Quốc rất rõ ràng. Thứ nhất, ngay lập tức ngừng bắn và chấm dứt giao tranh. Thứ hai, chúng ta cần mở rộng khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo. Thứ ba, chúng ta nên triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế càng sớm càng tốt để khôi phục giải pháp hai nhà nước. Chúng ta không thể cho phép thảm họa nhân đạo này tiếp diễn".
Nhiệm vụ bất khả thi
Chuyến công du thứ 5 của Ngoại trưởng Mỹ tới các nước ở Đông Địa Trung Hải dường như đã diễn ra tương tự như các chuyến đi trước trong bốn tháng qua. Vấn đề cốt yếu ở đây là ông Antony Blinken đã được giao một nhiệm vụ chính trị "bất khả thi". Chính quyền Mỹ bị ảnh hưởng bởi một số xu hướng khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc gây áp lực đối với Chính phủ Israel theo cách cần thiết, tức là bằng cách cảnh báo cắt viện trợ quân sự và/hoặc kinh tế, hoặc thậm chí thực hiện các bước để làm như vậy.
Đầu tiên là tâm lý và bầu không khí chính trị ủng hộ Israel nói chung ở Mỹ, được hầu hết cử tri đảng Dân chủ cũng như cử tri đảng Cộng hòa thừa nhận mạnh mẽ. Sự ủng hộ lâu dài và kiên quyết của Tổng thống Joe Biden dành cho Israel phản ánh thực tế đó. Việc cắt viện trợ cho Israel dường như là một bước đi mà Nhà Trắng từ chối tính đến.
Tiếp đó, Mỹ đang trong năm bầu cử nên người đứng đầu Nhà Trắng không thể đưa ra bất kỳ quyết định chính trị gây tranh cãi nào. Hầu hết người Mỹ sẽ bị sốc hoặc thậm chí tức giận trước động thái cắt viện trợ cho Israel, điều này có thể đồng nghĩa với việc mất một số lượng lớn phiếu bầu. Cựu Tổng thống Donald Trump, người có nhiều khả năng trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa càng ngày càng tuyên bố lập trường thậm chí còn ủng hộ Israel quyết liệt hơn.
Yếu tố quan trọng cuối cùng là tình hình trong Quốc hội Mỹ, vốn kiên quyết ủng hộ Israel, đặc biệt là những người sắp tái tranh cử vào mùa thu này. Một ví dụ rõ ràng là trong khi Tổng thống Joe Biden đang đe dọa phủ quyết bất kỳ dự luật viện trợ nào cho Israel chứ không phải cho Ukraine, thì Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát lại ủng hộ viện trợ cho Israel chứ không phải cho Ukraine.
Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhận thấy rõ các yếu tố được liệt kê ở trên và đó là lý do tại sao ông phớt lờ những nỗ lực gây áp lực của Ngoại trưởng Antony Blinken. Ngay cả khi người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tỏ ra cứng rắn trong các cuộc họp kín, hoặc ông chủ Nhà Trắng gây áp lực qua các cuộc điện đàm, ông Benjamin Netanyahu biết rằng Nhà Trắng đang không có nhiều không gian để hành động. Nhà lãnh đạo này không cảm thấy bất kỳ áp lực nào để hành động mềm mỏng hơn ở Gaza. Như vậy, nếu không có ý chí chính trị cắt viện trợ cho Israel, Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken không thể làm gì nhiều để gây áp lực với Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Mặc dù đã có sự đồng thuận quốc tế về một nhà nước Palestine và ngay cả Tổng thống Mỹ cũng công khai ủng hộ mục tiêu đó, nhưng Thủ tướng Israel vẫn phản đối.
Tóm lại, nếu các cuộc đàm phán ngừng bắn hiện tại có kết quả thì đó chỉ là do Hamas đã chiến đấu hiệu quả với Israel. Cuối cùng, rất có thể chính Hamas sẽ buộc Israel phải đồng ý ngừng bắn chứ không phải do chính quyền Mỹ cứng rắn với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.