Xung đột tại Syria: Một thập kỷ đau thương
Syria là nước cuối cùng chịu ảnh hưởng bởi làn sóng chính biến mang tên 'Mùa xuân Arab' làm rung chuyển Bắc Phi và Trung Đông từ cách đây 10 năm. Mặc dù chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad không phải chịu kết cục bị lật đổ như những gì xảy ra tại Tunisia, Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen, song đất nước này phải chịu cuộc nội chiến kéo dài 1 thập kỷ cùng nhiều mất mát đau thương chưa biết đến bao giờ mới tìm thấy 'hồi kết'.
Nhiều thành phố của Syria bị tàn phá sau một thập kỷ xung đột.
Trong báo cáo của Liên hợp quốc, ước tính số người dân thường thiệt mạng tại Syria từ ngày 15-3-2011 đến nay là 117.000-226.000 người, khoảng 12 triệu người đối mặt với tình trạng thiếu lương thực; hơn 50% người dân đã mất nhà cửa. Khoảng 6,6 triệu người hiện sống lưu vong ở nước ngoài. Trong khi đó, nền kinh tế gặp khó khăn khi nhiều thành phố bị tàn phá và xung đột xảy ra triền miên. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, những gì mà người dân Syria phải trải qua đã vượt quá sức chịu đựng của con người, có thể gây sốc “lương tâm của nhân loại”. Nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, 60% người dân Syria có nguy cơ đối mặt với nạn đói trong năm nay.
Từ cuộc chính biến ảnh hưởng bởi làn sóng “Mùa xuân Arab”, xung đột tại Syria hiện nay được cho là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Nhờ sự hỗ trợ quân sự của Nga, Iran và lực lượng Hezbollah (Lebanon), chính phủ Tổng thống B.Assad đã tái kiểm soát hơn 70% diện tích lãnh thổ. Dù Mỹ tuyên bố rút quân hồi năm ngoái, song đến nay vẫn duy trì binh sĩ đồn trú tại khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát ở phía Đông Bắc Syria. Hiện, mục tiêu chính của Mỹ đã chuyển sang kiềm chế Iran tăng cường sức ảnh hưởng ở Syria và trong khu vực.
Còn Israel, đồng minh của Mỹ, thường xuyên tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các căn cứ quân sự của quân đội chính phủ Syria, Iran, lực lượng Hezbollah tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là một quốc gia hậu thuẫn phe nổi dậy chống chính quyền Tổng thống B.Assad, đã triển khai lực lượng quân sự đến biên giới với Syria, lập các chốt quân sự ở tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy. Mục tiêu chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là nhằm ngăn chặn làn sóng người tị nạn tràn sang, đồng thời chống lại lực lượng người Kurd. Lâu nay, Ankara cáo buộc người Kurd hậu thuẫn những nhóm nổi dậy bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy hòa bình ở Syria trên cơ sở tiến trình chính trị đề ra theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã diễn ra, song vẫn chưa đạt được kết quả mang tính đột phá. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen cho biết, việc thành lập Ủy ban Hiến pháp vào năm 2018 là bước đi đầu tiên rất quan trọng để tiến tới hòa hợp chính trị ở Syria. Tuy nhiên, quan điểm của các bên vẫn còn quá nhiều khác biệt. Vì thế, con đường phía trước sẽ không dễ dàng.
Trong khi đó, tình hình an ninh tại Syria đang xuất hiện những diễn biến đáng lo ngại. Nhiều chuyên gia an ninh cho rằng, mặc dù các liên minh quốc tế đã góp sức đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng tàn quân của chúng vẫn đang âm thầm xây dựng lại lực lượng. Lợi dụng tình hình dịch Covid-19, quân đội Syria và các nước đóng quân tại đây giảm hoạt động, IS có thể sẽ đẩy mạnh nỗ lực “hồi sinh” và mở rộng địa bàn.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, một thập niên chiến tranh xung đột không mang lại điều gì tốt đẹp ngoài sự hủy hoại và nỗi khốn khổ của người dân Syria. Để tạo điều kiện thúc đẩy giải pháp hòa bình, các nhân tố đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chính trị của Syria nên gạt bỏ những toan tính lợi ích riêng, cùng ngồi vào bàn đàm phán trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp Syria vì một mục tiêu chung nhằm tiến đến “hồi kết” cho những xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Nếu không, hòa bình tại Syria sẽ mãi chỉ là một “giấc mơ” xa vời.