Xung đột thế hệ mẹ, con: Hóa giải bằng cách nào?
Hồi đó, tôi thực sự muốn khám phá bản thân, muốn xem mức độ giới hạn của bản thân, muốn tìm ra cái 'tôi' bản ngã của mình đến đâu vì thế, giữa tôi và bố mẹ, đặc biệt là mẹ đã xảy ra một số rắc rối.
Vào cái tuổi mà ông bà ta vẫn cho rằng “ương ương dở dở” và thời nay họ gọi đó là tuổi teen, không biết vì sao lại có những cư xử khá tồi tệ, mà trước đó tôi vẫn được mệnh danh là cô gái ngoan của cả dòng họ.
Tôi chơi thân với mấy đứa bạn học giỏi, lễ phép và thường học nhóm với nhau. Bên cạnh đó, tôi cũng thích giao du với cả nhóm bạn mà mẹ tôi cho là xấu. Nhóm bạn đó để nhuộm tóc xanh đỏ, mặc quần áo tomboy, chửi bậy, hay trốn học. Không hẳn tôi đồng tình với nhóm bạn này mọi việc nhưng tôi thích cái cách mà họ thẳng thắn bày tỏ quan điểm “thích thì làm và chịu trách nhiệm với việc mình làm”. Mẹ tôi không chấp nhận việc tôi kết bạn với họ, mẹ nói “bọn chúng thật tồi tệ. Dạng mấy đứa này thì chỉ làm xã hội tồi tệ. Cấm con chơi với lũ mất dạy ấy”.
Đáng lý ra tôi cũng chỉ định chơi xã giao với nhóm bạn này thôi nhưng vì mẹ nói “cấm con không được chơi với họ” nên tự dưng, tôi như bị kích thích, lại muốn thân với họ hơn. Tôi muốn để mẹ hiểu rằng, mẹ không thể “cấm đoán” gì ở tôi. Hơn nữa, các bạn ấy cũng có điều rất thú vị: Đó là các bạn ấy không vâng lời 100% những gì người lớn bảo. Chắc gì người lớn đã hoàn toàn đúng?
Trong số các bạn ấy có bạn cũng rất thông minh, học giỏi, chỉ có điều họ không theo khuôn phép mà nhà trường đặt ra. Tôi thấy họ thật đáng khâm phục. Tôi cũng muốn giống được như họ.
Thấy tôi càng ngày càng có vẻ thân với nhóm bạn này, mẹ tôi phản đối dữ dội hơn nữa. Mẹ đưa đón tôi ở trường học, về nhà mẹ không cho đi đâu, mẹ nghiêm khắc dẫn đến việc tôi cảm thấy ngột ngạt khi ở nhà và tức tối giận mẹ. Càng ngày mẹ càng không giữ được bình tĩnh khi tôi cố giải thích, tranh luận với mẹ về những người bạn này.
Có lúc đỉnh điểm mẹ đã tát tôi – đây là lần đầu tiên kể từ bé tới giờ mẹ làm vậy. Chưa bao giờ mẹ đánh tôi dù chỉ là một roi nhẹ. Tôi sốc sau cú tát đó và kể từ lúc đó, tôi đi đứng mạnh chân, tay xô bát đũa, bỏ bữa, khiến cả nhà có luồng không khí không vui. Mẹ thấy thế càng quản lý thời gian biểu và theo sát tôi từng ly từng tý. Trước tình hình đó, trong thâm tâm tôi chỉ chực muốn nổi loạn.
Đêm xuống, tôi tấm tức khóc và cho rằng mẹ không thương mình, mẹ chỉ biết phán xét suy nghĩ và áp đặt lên con. Giá mà mẹ nhẹ nhàng phân tích cho tôi hiểu, nói về việc đúng sai trước hành động của nhóm bạn kia và đừng quá định kiến về vẻ bề ngoài của họ thì có lẽ tôi đã không đau khổ tức tưởi đến vậy. Tôi nghĩ mình thật bất hạnh khi mẹ không hiểu mình.
Sau này, không biết vì vô tình hay hữu ý, nhà tôi chuyển đến quận mới, trường mới và từ đó tôi ít có dịp ngao du với nhóm bạn kia. Từ đó mâu thuẫn giữa tôi và mẹ bớt đi nhưng lại xuất hiện mâu thuẫn khác. Đó là cách ăn mặc, đầu tóc quần áo của tôi, mẹ không tán thành. Tôi thích để tóc dài nhưng muốn nhuộm màu ở phía trước. Thích mặc đồ bụi, rách vá kiểu nghệ sỹ, thích đeo phụ kiện thời trang bằng gỗ sơn màu sặc sỡ.
Còn mẹ thì muốn tôi ăn mặc kiểu dịu dàng, kín cổng cao tường, bánh bèo kiểu tiểu thư. Mẹ ghét kiểu ăn mặc của tôi đến nỗi phải giấu đi món đồ mới mua dẫu đó là tiền tôi tự dành dụm bằng cách làm gia sư hàng tuần. Có lần mẹ ghét cái quần tua rua có dòng chữ “Love me, Kiss me” mà tôi mới mua, mẹ cắt vụn ra khi tôi nói sẽ diện vào dịp Giáng sinh cùng chúng bạn. Mẹ bảo “trông như dở hơi. Kiểu rách rưới, tã tợi như cái bang” chả xứng là con của mẹ.
Lần đó, tôi giận mẹ ghê gớm. Tôi nhất quyết không ăn cùng mâm, nấu cơm xong tôi bỏ lên nhà, chờ mẹ ăn xong mới xuống. Tình hình đó kéo dài cả tháng trời, cho đến khi bố tôi bị ốm thì hai mẹ con cùng bận bịu chăm bố ở bệnh viện, quá lo lắng nên xung đột có phần giảm đi và tôi cũng không còn tâm trạng để mặc bộ quần áo ấy nữa.
Sau này khi có con, tôi mới thấm thía làm sao câu nói “nước mắt chảy xuôi”. Vì mẹ quá yêu tôi, thương tôi, lo sợ cho tôi, xót xa cho tôi nên mẹ mới làm như vậy. Mẹ muốn bảo vệ, muốn che chở cho con khỏi những tiêu cực xã hội, khỏi những điều xấu xa tiềm ẩn, khỏi những bất cập tương lai khi mà mẹ ngày một già đi, không thể còn bên cạnh con cái, để dạy dỗ vỗ về hàng ngày.
Sau này tôi đã hiểu, lòng mẹ càng thương xót con bao nhiêu, thậm chí hành động của mẹ lại còn có phần khắt khe có phần tiêu cực trong mắt con trẻ lúc bấy giờ. Cả một đời mẹ lúc nào cũng chỉ chăm chút cho các con, lo lắng và cố gắng tạo cho các con môi trường sống tốt nhất có thể trong khả năng kiến thức mà mẹ có. Sau này tôi đã hiểu, đâu đó có lúc mẹ phản ứng thái quá như lúc mẹ cắt nát chiếc quần tua rua của tôi ngày nào, là lúc mẹ thắt tim lo lắng cho con nhất. Mẹ chỉ muốn làm sao đó cho con ngộ ra rằng, điều ấy không tốt cho con mà thôi.
Lòng mẹ thì bao la, chỉ có điều mẹ chưa biết cách thể hiện hết tấm lòng ấy và tôi khi đó thì quá hiếu thắng và dở hơi đúng nghĩa của lứa tuổi nổi loạn. Giá mà mẹ tìm cách gần gũi, trò chuyện với tôi một cách tế nhị hơn thì tốt biết bao. Khi đó, tôi đã không có những phản ứng đáng tiếc như xưa. Mong sao các ông bố bà mẹ hiểu được tấm lòng của con trẻ để có ứng xử phù hợp hơn, tránh nỗi buồn không đáng có.
Vũ Tùng