Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Bế tắc đã được khai thông?
Việc Mỹ và Trung Quốc ngày 29/6 nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột thương mại giữa hai bên báo hiệu một sự 'hòa hoãn tạm thời' trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản ngày 29/6. (Nguồn: Bloomberg)
Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản), Tổng thống Trump thông báo sẽ không áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc.
Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ sau khi cuộc đàm phán thương mại song phương kết thúc hồi tháng 5 vừa qua mà không đạt thỏa thuận nào. Cuộc gặp này được xem là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thuế quan áp lên lượng hàng hóa trị giá nhiều trăm tỷ USD giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chưa có thỏa thuận thương mại
Tổng thống Trump khẳng định, mặc dù cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang lại kết quả tốt đẹp hơn nhiều so với kỳ vọng, song ông “không vội” kết thúc bằng một thỏa thuận thương mại. Viết trên tài khoản Twitter cá nhân khi đề cập đến các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Tôi chẳng vội vàng gì, nhưng mọi việc có vẻ rất tốt đẹp. Đối với tôi, chất lượng giao dịch quan trọng hơn nhiều so với tốc độ”.
Bình luận về cuộc tranh chấp kéo dài liên quan đến hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc, Tổng thống Trump nói các công ty Mỹ sẽ có thể bán linh kiện cho hãng sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới này trong những lĩnh vực không có vấn đề về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định tương lai của Huawei sẽ không được quyết định cho đến khi kết thúc cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong một thông cáo dài về các cuộc đàm phán song phương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói với ông Trump rằng ông hy vọng Mỹ có thể đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc. Huawei bày tỏ hoan nghênh bước đi này của Mỹ. Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông tin hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ mới 5G. Tuy nhiên, Mỹ, Anh và nhiều nước khác đã cảnh báo về các nguy cơ an ninh từ công nghệ của Huawei, điều mà tập đoàn Trung Quốc này luôn bác bỏ.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài “có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ”. Nhà Trắng đã tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei tới giữa tháng 8/2019, động thái được cho là nhằm giảm thiểu những rắc rối đối với khách hàng của hãng công nghệ này trên thế giới.
Trong khoảng thời gian 90 ngày này, Bộ Thương mại Mỹ cho phép Huawei tiếp tục mua hàng của Mỹ nhằm duy trì mạng hiện tại và cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho những sản phẩm di động của Huawei hiện nay. Tuy nhiên, Huawei vẫn bị cấm mua các sản phẩm và linh kiện Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới nếu không được Chính phủ Mỹ cấp phép.
Không có kẻ thắng người thua
Có thể thấy, hai bên tiếp tục đưa ra quyết định đình chiến sau gần một năm đối đầu về thương mại. Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên hàng tỷ USD hàng nhập khẩu của nhau, gây gián đoạn nguồn cung toàn cầu, làm thị trường chao đảo và khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Liên quan đến sự kiện trên, tuần báo Pháp Courrier International nhận định xung đột Mỹ-Trung là một “trận đấu thế kỷ” de dọa kinh tế thế giới. Theo nhận định của Courrier International, hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã rõ: “Ngay cả khi căng thẳng giảm xuống, tiến trình tách rời khỏi nhau của hai nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới đã khởi động, và trong bối cảnh mới đó, một điều không thể tưởng tượng được trước đây, các nước khác có nguy cơ bị buộc phải chọn phe của mình”.
Cho đến nay, sự thịnh vượng của Trung Quốc chủ yếu vẫn dựa trên việc tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ. (Nguồn: Wall Street Journal)
Trích dẫn phân tích trên tờ South China Morning Post (Hong Kong), Courrier International ghi nhận trong “trận đấu” này “sẽ không có kẻ thắng người thua”. Lý do là vì hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc luôn phụ thuộc chặt chẽ đến mức hai bên không thể không cần đến nhau.
Cho đến nay, sự thịnh vượng của Trung Quốc chủ yếu vẫn dựa trên việc tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ. Nhưng khi xung đột thương mại nổ ra, mối quan hệ này có phần bị “kéo dãn”.
Còn tờ nhật báo Mỹ Wall Street Journal đặt câu hỏi “Phải chăng cuộc ly dị Mỹ-Trung là điều không thể tránh khỏi?”. Theo Wall Street Journal, nếu như trước đây hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vốn gắn quyện vào nhau thì giờ đây hai cường quốc thế giới này bắt đầu co cụm lại.
Đầu tự giảm sút, trong khi các doanh nghiệp xem xét lại chiến lược. Quy mô của việc tách rời giữa hai nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào loại thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán, với điều kiện là rốt cuộc hai bên đạt được một thỏa thuận nào đó.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-thuong-mai-my-trung-be-tac-da-duoc-khai-thong-96730.html