Xung đột Ukraine đang giúp xe tăng 'tiến hóa'

Xung đột Ukraine đang được xem là 'địa ngục' đối với các dòng xe tăng hiện đại nhưng cũng mở ra một cơ hội mới giúp vũ khí này phát triển sau hơn 100 năm.

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác đang bị đánh giá yếu ớt, dễ bị tiêu diệt bởi các loại vũ khí tấn công thế hệ mới như UAV và súng chống tăng. Điều này đặt ra câu hỏi về vai trò của xe tăng trên chiến trường hiện đại cũng như tương lai của vũ khí này sau hơn 100 năm phát triển.

Nghĩa địa của xe tăng

Theo tờ Moskva Times, tính đến ngày 1/5, Nga đã mất 2.006 xe bọc thép chở quân (APC) và xe chiến đấu bọc thép (AFV). Những tổn thất này bao gồm các đơn vị bị phá hủy, bị bỏ lại hoặc bị bắt. Thiệt hại còn lớn hơn đối với các đơn vị xe chiến đấu bộ binh.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế lại cho biết, Nga bắt đầu xung đột ở Ukraine vào năm 2022 với 14.193 chiếc APC và xe chiến đấu bộ binh. Tính đến ngày 13/5, Nga đã mất 42,08% số phương tiện này.

Các báo cáo cho thấy Nga đã mất hơn 2.900 xe tăng trong xung đột nhưng Ukraine tuyên bố con số này là hơn 7.000.

Xe tăng M1 Abrams của Ukraine bị UAV phá hủy ở miền đông Ukraine.

Xe tăng M1 Abrams của Ukraine bị UAV phá hủy ở miền đông Ukraine.

Về phía Ukraine, nước này cũng mất số lượng lớn xe tăng. Theo một báo cáo gần đây, Nga đã phá hủy 14 trong số 31 xe tăng M1 Abrams được Mỹ viện trợ cho Kiev. Đây chỉ là con số nhỏ trong tổng số 796 xe tăng Ukraine bị loại khỏi vòng chiến kể từ đầu xung đột.

Hầu hết những chiếc xe tăng Ukraine bị phá hủy này đều có nguồn gốc từ thời Liên Xô hoặc Nga. Trong số này có đến 140 xe tăng do NATO viện trợ, chiếm nhiều nhất là dòng xe tăng Leopard do Đức chế tạo.

Sau những bỡ ngỡ ban đầu, cả Nga và Ukraine đều dần tìm ra cách để đối phó với hình thức tác chiến phi đối xứng từ UAV. Điều này mang đến những thay đổi lớn đối với xe tăng sau nhiều thập kỷ đi theo lối thiết kế cũ.

Thiết kế xe tăng thay đổi

Các chuyên gia cho rằng xe tăng trong môi trường tác chiến hiện đại gặp rủi ro cao nhất ở những khu vực có lớp giáp mỏng như bên trên tháp pháo, khối động cơ và khoảng trống giữa thân và tháp pháo.

Để khắc phục những nhược điểm này, Nga sử dụng các tấm giáp lồng bổ sung lên trên tháp pháo hoặc tấm kim loại bổ sung vào các vị trí giáp mỏng của xe tăng. Mặc dù cách làm này là tạm thời nhưng trước mắt nó làm giảm đáng kể khả năng tạo sát thương của tên lửa chống tăng và cả UAV đối với phương tiện.

Cách làm của Ukraine để bảo vệ xe tăng cũng tương tự Nga, tuy nhiên đối với các dòng do xe tăng do phương Tây viện trợ việc bổ sung thêm giáp bảo vệ sẽ phức tạp hơn.

Ngoài ra, để chống lại UAV "cảm tử" trên chiến trường, các đơn vị tăng thiết giáp còn nhận được sự hỗ trợ từ pháo binh va cả UAV nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ xa.

Ngay cả xe tăng T-90M hiện đại nhất của Nga cũng không thoát khỏi số phận bị UAV bắn cháy.

Ngay cả xe tăng T-90M hiện đại nhất của Nga cũng không thoát khỏi số phận bị UAV bắn cháy.

Tuy nhiên, xe tăng thay đổi cũng dẫn đến sự phát triển của các dòng UAV tấn công mới nguy hiểm hơn. Điển hình như UAV - góc nhìn thứ nhất (FPV), phương tiện bay này có luồn lách đánh vào những điểm yếu nhất của xe tăng kể cả khi nó được bổ sung thêm giáp.

Mỗi UAV FPV chỉ có giá khoảng 500 USD, mang theo gần một chục kg thuốc nổ, hoàn toàn đủ sức phá hủy bất cứ chiếc xe tăng nào ở Ukraine chỉ trong một đòn tấn công. Ngay cả xe tăng M1 Abrams khi đối mặt với UAV FPV của Nga cũng không có cơ hội sống sót.

Để đối phó với UAV FPV, Ukrainr trang bị thêm cho Abrams giáp phản ứng nổ và cả giáp lồng xung quanh tháp pháo cũng như phần trên của động cơ.

Về phía Nga, ngành công nghiệp nước này đã tiêu chuẩn hóa hệ thống giáp bổ sung cho xe tăng với lớp giáp kép bao gồm giáp lồng và cả hệ thống áp chế điện tử chống UAV dành riêng cho xe tăng.

Đối với những chiếc xe tăng có nhiệm vụ tạo cửa mở cho các đợt tấn công, Nga thậm chí còn gắn cho xe lớp giáp bảo vệ toàn diện gọi là "mai rùa" bọc kín phương tiện bên trong. Cách làm này đã mang lại hiệu quả khi UAV FPV Ukraine không thể xuyên thủng lớp giáp này.

Theo truyền thông Nga, những chiếc xe tăng này được coi là sự bổ sung tuyệt vời cho kho vũ khí của Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều khi những chiếc xe tăng "mai rùa" này hoạt động rất tốt nhưng thời gian gần đây quân đội Ukraine đã tìm mọi cách để tiêu diệt chúng. Áo giáp tấm của T-72 đã được sửa đổi có những nhược điểm lớn. Lớp vỏ nặng làm chậm xe tăng, ngăn tháp pháo quay nhanh, hạn chế khả năng bắn trả và khó quan sát xung quanh.

Các chuyên gia nhận định, mặc dù những thay đổi này nhằm mục đích cải thiện khả năng sống sót trên chiến trường nhưng chúng thực sự khiến xe tăng kém linh hoạt và hiệu quả trong chiến đấu.

Nói cách khác, cuộc xung đột cho thấy cả Moskva và Kiev đang ở trong một “trò chơi mèo vờn chuột không ngừng”. Sự qua lại này có nghĩa là không bên nào sẵn sàng ngừng sử dụng xe tăng như lực lượng xung kích nòng cốt trong giao tranh. Riêng Ukraine hộ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung xe tăng từ phương Tây.

Xe tăng T-72 của Nga với hệ thống giáp bổ sung kèm hệ thống áp chế điện tử chống UAV.

Xe tăng T-72 của Nga với hệ thống giáp bổ sung kèm hệ thống áp chế điện tử chống UAV.

Xe tăng vẫn rất quan trọng

Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky, các hoạt động chiến đấu cường độ cao giữa các quốc gia có trình độ công nghệ tương đương là không thể ước đoán được trước nếu không có sự tham gia của xe tăng.

Cũng theo ông Murakhovsky, xe tăng với hỏa lực, tính cơ động, khả năng sống sót, sức bền và hiệu quả chi phí vẫn sẽ giúp chúng trở thành phương tiện chiến tranh chính trong mọi cuộc xung đột..

“Xe tăng trong tương lai có thể sử dụng máy bay không người lái để mở rộng khả năng trinh sát, cho phép chúng quan sát xung quanh các góc hoặc vượt chướng ngại vật nơi có thể phục kích”, ông Murakhovsky nói thêm.

Điều này cho thấy xe tăng vẫn rất quan trọng trên chiến trường hiện đại. Còn quá sớm để nói rằng chúng đã lỗi thời trong các cuộc xung đột ngày nay. Các quốc gia hàng đầu hiện đang phát triển xe tăng thế hệ thứ tư để giúp chúng phù hợp hơn với yêu cầu tác chiến kiểu mới.

Nga hiện đang dẫn đầu trong việc chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ tư, T-90M và T-14 Armata.

Trong khi đó, Mỹ đang nghiên cứu nguyên mẫu AbramsX và M10 Booker, bao gồm các biện pháp bảo vệ chống lại máy bay không người lái cảm tử. Quân đội Anh cũng sẽ thay thế xe tăng Challenger 2 bằng mẫu Challenger 3 nâng cấp. Đức cũng đang phát triển Leopard 3 để tiếp bước Leopard 2.

Những chiếc xe tăng thế hệ thứ tư này dự kiến sẽ an toàn hơn, có nhiều biện pháp đối phó điện tử và kỹ thuật số hơn cũng như thiết kế tàng hình hơn. Họ sẽ sử dụng 'hệ thống bảo vệ tích cực' tiên tiến sử dụng radar để phát hiện đạn đang bay tới và đánh chặn chúng trước khi chúng bắn trúng, sử dụng thiết bị đánh chặn tốc độ cao thay vì áo giáp hạng nặng.

Nhiều chuyên gia tin rằng chiến tranh điện tử là cách phòng thủ tốt nhất trước các mối đe dọa từ máy bay không người lái cỡ nhỏ.

Trà Khánh (Nguồn: Bulgarian Military)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/xung-dot-ukraine-dang-giup-xe-tang-tien-hoa-ar876181.html