Xung đột và khủng hoảng phủ bóng kinh tế toàn cầu

Các cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và Trung Đông chưa nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' cùng với những khủng hoảng khác như biến đổi khí hậu tiếp tục phủ bóng u ám, đe dọa sự phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 này.

Xung đột ở Trung Đông lan ra Biển Đỏ là một mối đe dọa làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu - tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới

Xung đột ở Trung Đông lan ra Biển Đỏ là một mối đe dọa làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu - tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới

Nhiều đầu tàu kinh tế “hụt hơi”

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 28-2 đã bắt đầu nhóm họp trong 2 ngày tại thành phố Sao Paulo của Brazil để cùng tìm cách củng cố nền kinh tế toàn cầu, khi đà phục hồi mới manh nha đang bị các cuộc xung đột và khủng hoảng đe dọa. Trong cuộc họp đầu tiên trong năm 2024, những người đứng đầu về tài chính và ngân hàng của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tập trung thảo luận về những thách thức lớn đối mà kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, đồng thời chia sẻ về cách thức để ứng phó.

Được thành lập vào năm 1999, G20 hiện chiếm 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 75% thương mại thế giới và 2/3 dân số thế giới. Thế nên, những vấn đề được đưa ra bàn thảo cùng thỏa thuận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương G20 được cả thế giới quan tâm cũng như tác động tới kinh tế toàn cầu. Cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương G20 tại Brazil diễn ra trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, xung đột tại Ukraine và Trung Đông tiếp tục kéo dài. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng kinh tế thế giới trong năm nay, cho dù có những tín hiệu cho thấy một sự hồi phục mong manh, nhất là với nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới và các nền kinh tế mới nổi.

Những thách thức và bất ổn trên thế giới đã tác động khác nhau tới kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế hàng đầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong dự báo đưa ra đầu tháng 2-2024 cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong những năm tới, do phải vật lộn với năng suất giảm và dân số già hóa nhanh chóng. Theo IMF, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chứng kiến mức tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ vào năm 2023, khi cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu thế giới suy yếu. Định chế tài chính này dự báo, đến năm 2028, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 3,5% trong bối cảnh nước này đang đối mặt với những thách thức từ năng suất yếu và dân số già hóa, trong khi rủi ro đối với triển vọng là rất cao.

Theo Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu - EU), dù đã thoát nguy cơ suy thoái trong nửa sau năm 2023 nhưng triển vọng kinh tế EU trong quý đầu 2024 vẫn yếu. Cùng với đó, EC đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từ mức 1,2% đưa ra trước đó xuống còn 0,8%.

Tăng trưởng của Eurozone năm 2024 giảm mạnh chủ yếu do EC hạ sâu dự báo nền kinh tế đầu tàu là Đức. Trong báo cáo mới nhất, EC cho rằng kinh tế Đức chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,3% trong năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức 0,8% được dự báo trước đó. Dù vậy, cơ quan này kỳ vọng kinh tế Đức sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 1,2% trong năm 2025. Kinh tế Pháp dù đang vận hành tốt hơn so với Đức nhưng cũng bị EC hạ dự báo tăng trưởng từ mức 1,2% xuống còn 0,9% năm 2024 và từ mức 1,4% xuống còn 1,3% năm 2025.

Số liệu thống kê công bố gần đây cho thấy, GDP của các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Anh… đều giảm từ 0,1-0,3%. Chính phủ Nhật Bản ngày 21-2 tỏ ra kém lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong tháng do những lo ngại về chi tiêu tiêu dùng và sản xuất. Theo đó, lần đầu tiên trong 2 năm, Chính phủ Nhật Bản đã hạ mức đánh giá về chi tiêu tiêu dùng, lưu ý rằng xu hướng tăng tiêu dùng gần đây "có vẻ chững lại”. Chi tiêu tiêu dùng thường tương đương hơn một nửa GDP của Nhật. Kinh tế Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý cuối năm 2023 do nhu cầu nội địa yếu, khiến Nhật Bản mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức.

Nguy cơ suy thoái vẫn hiện hữu

Dù nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới được dự báo suy giảm, song kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn có những điểm sáng đáng chú ý. Trong đó, nổi bật nhất là nền kinh tế Mỹ cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trong suốt năm 2023, không chỉ tránh được suy thoái mà còn duy trì đà tăng trưởng tích cực, bất chấp tác động của lãi suất cao, nên được điều chỉnh dự báo tăng trưởng trong quý 1-2024 lên 1,5%.

Những nhân tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ là tác động giảm bớt của chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường lao động mạnh mẽ và chi tiêu tiêu dùng được cải thiện trong năm 2024. Động lực tăng trưởng dự kiến sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và lãi suất cũng được cắt giảm khiến kinh tế Mỹ có khả năng tăng trưởng 1,7% trong năm tới. Ngoài kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng ổn định, vượt trội so với các nền kinh tế các nước công nghiệp phát triển. Theo dự báo, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khả năng tăng trưởng GDP tới 3,9% năm nay và 4% năm 2025, sau khi tăng 4,2% năm ngoái.

Những tín hiệu tích cực trên đã khiến IMF tỏ ra “rất tự tin” vào khả năng kinh tế toàn cầu sẽ “hạ cánh mềm” và lãi suất sẽ bắt đầu hạ nhiệt từ khoảng giữa năm nay. Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới cập nhật hồi cuối tháng 1 vừa qua, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 3,1% nhờ khả năng phục hồi bất ngờ của các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên khắp thế giới. Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas đánh giá kinh tế toàn cầu tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý, nhờ lạm phát giảm đều và tăng trưởng ổn định. Tuy cho rằng kinh tế thế giới có nhiều khả năng “hạ cánh mềm” trong năm nay, song IMF vẫn cảnh báo, tốc độ tăng trưởng vẫn chậm và rủi ro vẫn còn. Tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới diễn ra ngày 12-2 vừa qua ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế của khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Nếu xung đột càng kéo dài thì càng gây ra thêm nhiều hệ lụy lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế thế giới. Người đứng đầu IMF nêu rõ, hệ quả trước mắt là hoạt động vận tải hàng hải qua kênh đào Suez đã sụt giảm trong bối cảnh lực lượng Houthi ở Yemen liên tiếp tấn công tàu thương mại đi qua Biển Đỏ dẫn đến tuyến hàng hải quan trọng này. Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Ajay Banga cho rằng, những gì đang diễn ra ở Dải Gaza và Biển Đỏ đặt ra thách thức to lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới. Ông Ajay Banga cho rằng cần kiểm soát những vấn đề địa chính trị thế giới gây bất ổn để đảm bảo phục hồi tăng trưởng kinh tế mà ông cho rằng có thể đang ở mức thấp nhất trong vòng 55 năm qua.

Chia sẻ quan điểm với 2 định chế tài chính lớn nhất thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng nhấn mạnh, căng thẳng địa chính trị như xung đột ở Ukraine hay Trung Đông tăng cao gây rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với hoạt động kinh tế và lạm phát, đặc biệt nếu xung đột tại Trung Đông gây gián đoạn thị trường năng lượng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xung-dot-va-khung-hoang-phu-bong-kinh-te-toan-cau-post568520.antd