Xung đột và những bộn bề lo toan

Các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, cùng với khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, đang thử thách liên minh phương Tây. Bên cạnh đó là những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đang lan rộng khắp châu Âu và những thách thức bất ổn trên chính trường trước sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Trải qua kỷ nguyên hồi sinh và đổi mới

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Paris hôm 5/6 trong chuyến đi đánh dấu kỷ niệm 80 năm D-Day (ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy của Pháp trong Thế chiến II) và thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Sau Pháp, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tới Italy, nhưng dự kiến sẽ bỏ qua Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình về Ukraine được tổ chức tại Thụy Sĩ. Điều này cho thấy đương kim Tổng thống Mỹ đang tăng cường hoạt động ngoại giao trong bối cảnh cuộc cạnh tranh trong năm bầu cử trước đối thủ Donald Trump, người nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay có thể có tác động lớn đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Những tấm áp phích cổ động cho cuộc bầu cử EP trên đường phố ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AP.

Những tấm áp phích cổ động cho cuộc bầu cử EP trên đường phố ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AP.

Ông Charles A. Kupchan, Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown, nhận định: “Liên minh phương Tây đang trải qua một kỷ nguyên hồi sinh và đổi mới, và những hội nghị thượng đỉnh khác nhau này sẽ thể hiện được điều đó. Nhưng chúng ta đang kỳ vọng vào đúng thời điểm mà mọi người đều lo lắng về cuộc bầu cử Mỹ sắp tới”. Vị chuyên gia này, người từng làm việc về các vấn đề châu Âu trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, đồng thời lưu ý: “Lần đầu tiên kể từ thế chiến II, mối đe dọa bên trong đối với phương Tây nghiêm trọng hơn mối đe dọa từ bên ngoài”. Và trong khi ông Donald Trump đang vướng vào những rắc rối pháp lý, nhiều người ở châu Âu không thể thay đổi được cảm giác rằng, vị tỉ phủ này vẫn đang trên đường trở lại Nhà Trắng. Ông Kim Darroch, người từng là Đại sứ Anh tại Mỹ trong chính quyền ông Donald Trump, cho biết: “Người châu Âu đã nghĩ rằng, loạt vụ án hình sự này đang giúp ích cho ông Trump hơn là cản trở ông ấy. Đây sẽ là một phần của mọi cuộc thảo luận giữa các phái đoàn tại tất cả các hội nghị thượng đỉnh này”.

Theo nhận định của một số chuyên gia, đối với tất cả những nỗ lực ngoại giao của mình, việc Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh vào các liên minh đã gieo mầm mống cho những vấn đề trong tương lai. Nó đã khiến các đồng minh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ và đó là lý do tại sao “bóng ma” về sự trở lại của ông Donald Trump phủ bóng các cuộc họp ở Pháp, Thụy Sĩ, Italy và Mỹ. Giám đốc nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu Jeremy Shapiro nêu quan điểm: “Trọng tâm chiến lược của Tổng thống Joe Biden là các liên minh và đồng minh; họ vô cùng tự hào về điều đó. Ngược lại, ông Donald Trump về cơ bản nghĩ rằng các đồng minh là người thân đến nhà bạn, mượn tiền và sử dụng đồ dùng của bạn. Nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn bởi vì đã tạo ra sự phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ hiện tại”. Bên cạnh đó, việc ông Biden kiên quyết ủng hộ Israel trong cuộc chiến ở Gaza đã gây ra sự chia rẽ giữa Mỹ và một số nước châu Âu. Ireland, Norway và Tây Ban Nha gần đây đã công nhận nhà nước Palestine. Nhưng Anh, Pháp và Đức cho đến nay vẫn tránh được sự chia rẽ với Mỹ, bất chấp tình hình chính trị nội bộ đầy khó khăn ở các nước này và sự khó chịu ngày càng tăng đối với cách tiến hành cuộc chiến của Israel.

Nhưng sự lo lắng của phương Tây không chỉ giới hạn ở những lo ngại về Mỹ. Những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đang lan rộng khắp châu Âu - từ Italy, nơi Thủ tướng cánh hữu Giorgia Meloni, sẽ chủ trì cuộc họp G7, đến Pháp và Đức, nơi các nhà lãnh đạo đang phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng và những thách thức bất ổn trên chính trường trước sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trong cuộc bầu cử EP.

Cuộc bầu cử định hình tương lai

Tại cuộc bầu cử EP, kéo dài từ ngày 6-9/6, cử tri sẽ bỏ phiếu cho các đảng quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) mà phần lớn trong đó có liên kết với một nhóm chính trị châu Âu, chẳng hạn đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR), đảng Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D), đảng Đổi mới châu Âu (RE)... Sau khi được bầu, các đại biểu sẽ chọn trở thành thành viên của các nhóm chính trị xuyên quốc gia này.

Theo kết quả các cuộc thăm dò trước thềm bỏ phiếu, cuộc bầu cử lần này được đánh dấu bằng sự suy yếu của 3 nhóm chính trị chính tạo thành phe “siêu đa số” trong EP hiện nay, gồm EPP, S&D và RE. Hiện giữ 178 ghế EP, nhóm EPP thuộc cánh hữu bảo thủ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hy vọng sẽ giữ được sự ổn định tương đối. Trong khi đó, S&D, liên minh trung tả do Ủy viên châu Âu về Việc làm và Quyền xã hội, cựu Bộ trưởng Lao động Luxembourg Nicolas Schmit dẫn dắt, hy vọng có thể duy trì được 141 ghế hiện tại mặc dù tổng số đại biểu được bầu trong EP lần này tăng thêm 15 so với kỳ trước.

Về phần mình, giữ vị trí ở “trung tâm bàn cờ”, nhóm RE theo đường lối trung dung thân châu Âu hiện giữ 101 ghế và do phe đa số ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thống trị. Theo các cuộc thăm dò, trong khi EPP và S&D có thể mất lần lượt là 5 và 10 ghế thì RE có thể bị rớt hạng từ vị trí thứ ba xuống thứ tư, thậm chí thứ năm trong EP mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nhìn lại lịch sử bầu cử EP, sự dịch chuyển cán cân sang cánh hữu được thấy qua các cuộc thăm dò dư luận lần này sẽ không làm hỏng “siêu liên minh” EPP, S&D và RE vốn luôn giữ “thế cầm trịch” trong các thể chế châu Âu. Nhưng tiếng nói của “siêu đa số” này sẽ yếu hơn đáng kể trong cơ quan lập pháp mới.

Trái ngược với tình trạng đi xuống của phe “siêu đa số” là sự lớn mạnh của hai đại diện cánh hữu cấp tiến, gồm nhóm Bảo thủ và Cải cách (ECR) và Bản sắc và Dân chủ (ID). Theo kết quả thăm dò mới nhất, nhóm ECR theo chủ nghĩa chủ quyền và hoài nghi châu Âu, gồm các đảng Anh em Italy (Fratelli d'Italia), Luật pháp và Công lý (PiS) ở Ba Lan và Vox ở Tây Ban Nha…, sẽ giành được 86 ghế, nhiều hơn 19 ghế so với hiện nay. Tương tự, nhóm ID gồm các lực lượng cực hữu như Tập hợp quốc gia (RN) ở Pháp, Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) ở Đức, Liên đoàn (La Liga) ở Italy, đảng Tự do (VVD) ở Hà Lan…, cũng có những bước tiến ngoạn mục khi được dự kiến sẽ có thêm 25 ghế, nâng tổng số ghế có được sau bầu cử lên 84. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng khó khăn, các đảng cầm quyền tại nhiều nước châu Âu không đưa ra được các quyết sách thuận lòng dân, phe cực hữu và dân túy đã tận dụng cơ hội để nhanh chóng vươn lên trở thành một lực lượng chính trị có tiếng nói trọng lượng hơn.

Có thể nói tâm trạng bất an của đông đảo cử tri sẽ chi phối các lá phiếu và mang đến những thay đổi đáng kể trong đời sống chính trị ở châu Âu sau cuộc bầu cử EP năm nay. Trong điều kiện như vậy, cơ quan lập pháp mới sẽ đóng vai trò quan trọng đối với rất nhiều dự án của EU.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/xung-dot-va-nhung-bon-be-lo-toan-i733763/