Xung đột văn hóa khiến khán giả Hàn tẩy chay phim có yếu tố Trung Quốc
Việc thiếu tinh tế và nhạy cảm của các nhà sản xuất Hàn Quốc khi lấy các kịch bản hay hình ảnh có nguồn gốc Trung Quốc vào phim đã làm gia tăng làn sóng phản đối, thậm chí quay lưng của khán giả xứ sở kim chi.
Loạt phim dừng quay, cấm chiếu hoặc không được ủng hộ
Vừa qua, ekip thực hiện The Golden Hairpin của tvN và Until the Morning Comes trên jTBC đã thông báo về lịch chiếu hai phim vào cuối năm nay. Tuy nhiên, phần đông công chúng Hàn Quốc lại tỏ ra nghi ngại, dè chừng hay khó chịu nhiều hơn là hào hứng.
Theo tờ The Korea Times nhận định, nguyên nhân được cho là vì những cú “ngã ngựa” của loạt phim truyền hình trong nước lên sóng thời gian gần đây do nhiều phim đã xuất hiện yếu tố Trung Quốc một cách phản cảm, không cần thiết.
Hai phim sắp tới lại được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của Trung Quốc. Trong đó, The Golden Hairpin cũng đang được quay ở Trung Quốc với tên gọi Thanh Trâm Hành. Điều này càng giải thích rõ hơn cho thái độ không ủng hộ của người Hàn.
Sự có mặt của Park Hyung Sik trong vai nam chính của The Golden Hairpin bản Hàn không làm khán giả nước này hào hứng.
Trước đó, Joseon Exorcist của đài SBS hợp tác với ông lớn YG Entertainment đã bị ngừng phát sóng vĩnh viễn vì “xuyên tạc lịch sử sử dụng đạo cụ Trung Quốc một cách không cần thiết". Việc này đã gây tổn thất không nhỏ cho một dự án có kinh phí lớn.
Trước khi SBS hủy bỏ dự án, hơn 184.000 người đã ký vào bản kiến nghị dừng chiếu Joseon Exorcist vĩnh viễn gửi Nhà Xanh. Con số này đủ thể hiện sự tức giận của công chúng Hàn Quốc với bộ phim.
Joseon Exorcist là trường hợp cá biệt bị xử lý ở Hàn Quốc.
Tác phẩm chiếu mạng Mr. Queen cũng bị buộc phải gỡ bỏ vì được làm lại từ bộ phim Trung Quốc là "Thái tử phi thăng chức ký". Từ khi phim phát sóng, hàng loạt khán giả đã lên tiếng yêu cầu xóa bỏ dự án này và danh tiếng của biên kịch cùng diễn viên đều bị ảnh hưởng.
Thậm chí, việc quảng cáo các mặt hàng Trung Quốc trên màn ảnh cũng bị cho là không phù hợp, nhất là khi đó là những sản phẩm có nguồn gốc Hàn Quốc như trường hợp quay cận cảnh hộp bibimbap (cơm trộn) ăn liền của một thương hiệu bên Trung trên Vincenzo.
Vì sao người Hàn lại phản ứng dữ dội?
Có thể thấy, khán giả Hàn Quốc đang ngày càng nhạy cảm hơn với những yếu tố Trung Quốc xuất hiện trên những tác phẩm trong nước. Nhiều người cho rằng, bắt nguồn từ những xung đột văn hóa gần đây giữa Seoul và Bắc Kinh.
Một số đặc trưng trong nền ẩm thực hay trang phục và lễ hội của Hàn Quốc như món kim chi, bộ Hanbok đang dần bị Trung Quốc ngầm cải biến xuất xứ khiến những người không am hiểu văn hóa có thể bị nhầm lẫn.
Cụ thể cuối tháng 12/2020, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) chứng nhận cho Pao Cai (dưa chua) từ Trung Quốc và được Global Times của nước này dẫn lại rằng “tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu”.
Phim của Song Joong Ki đã phải cắt bỏ cảnh quảng cáo bibimbap.
Phát ngôn của cơ quan truyền thông xứ Trung đã khiến dư luận Hàn Quốc phẫn nộ và phản ứng gay gắt. Họ cho rằng, nước láng giềng đang cố biến kim chi trở thành món ăn Trung Quốc. Xung đột này còn lan sang cả những yếu tố khác trong văn hóa của hai quốc gia.
Trong khi đó, cả Hàn Quốc hay Trung Quốc đều có nền công nghiệp giải trí cực kỳ phát triển. Làn sóng Hallyu còn được xem là “sự xâm chiếm văn hóa mềm” mà người Hàn tạo ra trong những thập kỷ qua.
Vì vậy, việc một bộ phim, một sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc phản ánh sai lệch những giá trị lịch sử của đất nước mình là điều khó có thể chấp nhận. Đây cũng phản ánh sự thiếu trách nhiệm của đội ngũ sản xuất, làm gia tăng sự tức giận của người Hàn.
Nguyên nhân nào khiến yếu tố Trung Quốc dễ len lỏi vào phim Hàn?
Như đã nói, thị trường giải trí của Trung Quốc cũng rất lớn với rất nhiều bộ phim được làm lại từ hàng triệu tiểu thuyết đăng tải mỗi năm. Vì vậy, các nhà sản xuất Hàn Quốc muốn rút gọn quy trình khi chọn những một tác phẩm đã thành công ở đất nước tỷ dân.
Choi Min Sung, giáo sư Văn hóa Trung-Hàn tại Đại học Hanshin, nói với The Korea Times rằng công ty sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc nghĩ việc làm lại những tác phẩm này có thể giảm thiểu rủi ro và giúp họ thu được đánh giá tích cực hơn từ công chúng.
Mr. Queen bị gỡ bỏ trên nhiều nền tảng trực tuyến.
Cũng có ý kiến cho rằng, chính nguồn tiền khổng lồ từ Trung Quốc mới là yếu tố làm lệch lạc văn hóa Hàn Quốc trên các bộ phim. Các nhà đầu tư của xứ Trung đang ngày càng đòi hỏi nhiều hơn đối với những công ty sản xuất của Hàn Quốc.
Nhà phê bình phim truyền hình Yun Suk Sin, cũng là giáo sư Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Chungnam tin rằng ngành giải trí của Hàn Quốc vẫn có chất lượng cao hơn, nên chính tiền đầu tư trong thời gian dài mới là nguyên nhân.
Yun Suk Sin cũng cho rằng các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc không thể làm ngơ trước khán giả Trung Quốc. Vì việc làm lại những tác phẩm đã nổi tiếng ở nước họ sẽ đảm bảo sự thu hút người xem, đồng thời đưa thêm các yếu tố sáng tạo.
Nhìn chung những xung đột văn hóa và loạt thất bại vừa qua phần nào sẽ khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc tỉnh táo hơn trong việc nghiên cứu, tìm tòi những kịch bản tôn trọng truyền thống hơn. Sự nhạy cảm và trách nhiệm là điều cần thiết lúc này.