Xung đột vũ trang Nga-Ukraine: Căng thẳng không ngừng leo thang
Cuộc xung đột tại Ukraine leo thang những ngày qua khi Nga cảnh báo cân nhắc mọi lựa chọn an ninh, bao gồm vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với tham vọng mở rộng của NATO. Trong khi đó, Mỹ cũng lần đầu tiên cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
“Bộ Quốc phòng đã nhận được lệnh của Tổng thống sẵn sàng đưa ra các đề xuất nhằm củng cố sườn phía Tây nếu NATO tiếp tục tăng cường quân sự gần biên giới của chúng tôi. Một khi kế hoạch tăng cường biên giới phía Tây được đưa ra, tất cả các lựa chọn an ninh sẽ được xem xét”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Tuyên bố của ông Peskov đưa ra giữa lúc 2 nước láng giềng của Nga là Thụy Điển và Phần Lan đang cân nhắc khả năng gia nhập NATO, liên minh quân sự lớn nhất thế giới, với quyết định chính thức sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Trong khi đó, với lý do căng thẳng ở miền Đông và Nam Ukraine, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần này đã lần đầu tiên hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine bất chấp việc Nga đã nhiều lần cảnh báo về việc các nước phương Tây chuyển giao thêm vũ khí. Động thái của các bên dường như đang đẩy mức độ căng thẳng của cuộc chiến lên một nấc thang mới.
Từ lâu Nga luôn coi việc NATO mở rộng sang phía Đông, cũng như cung cấp vũ khí cho Ukraine là một “lằn ranh đỏ”. Theo chuyên gia phân tích Takakaga Fujita của Nhật Bản, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đang đi vào bế tắc, các bên cần kiềm chế những bước đi có thể thổi bùng hơn nữa ngọn lửa căng thẳng tại châu Âu.
“Việc NATO liên tục mở rộng về phía Đông đang làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực. Tôi cho rằng điều này là hoàn toàn sai lầm và có thể dẫn đến chiến tranh. Đối với các nước châu Âu , không có căn cứ nào để ủng hộ những lập luận cho rằng NATO phải mở rộng về phía Đông”, ông Fujita nói.
Hồi giữa tháng 3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov từng cảnh báo Mỹ về những hậu quả tiềm tàng của việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, nói rằng các đoàn xe chở vũ khí nước ngoài sẽ là “mục tiêu hợp pháp” của Nga.
Trong khi đó, việc tuần dương hạm Moskva của Nga bị chìm trên Biển Đen mới đây được dự báo sẽ có những tác động không nhỏ tới cuộc xung đột. Trong khi Ukraine tuyên bố đã tấn công soái hạm của hạm đội Biển Đen Nga bằng hai quả tên lửa hành trình Neptune sản xuất trong nước, Nga khẳng định nguyên nhân sự cố tàu là do hỏa hoạn.
Tuần dương hạm Moskva đi vào hoạt động năm 1983, được trang bị 16 tên lửa hành trình chống hạm Vulcan với tầm bắn ít nhất 700 km. Dù chủ yếu mang giá trị biểu tượng, song việc tàu Moscow bị chìm đã một lần nữa cho thấy vòng xoáy căng thẳng không hồi kết giữa Nga, Ukraine, Liên minh châu Âu và NATO.
Việc gia tăng đối đầu ở một khu vực quan trọng đối với kinh tế, chính trị toàn cầu có thể làm trầm trọng hơn nữa những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và những mối đe dọa an ninh chung./.