'Xung lực' để nền kinh tế bứt phá

TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Trong hơn 4 năm qua, tổng giá trị gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng đã giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng ấn tượng.

+ Thưa ông, trước “cú sốc” lớn là đại dịch COVID-19, để có bước tăng trưởng như hiện nay có một phần công sức không nhỏ của các giải pháp hỗ trợ tài khóa. Theo ông, những chính sách tài khóa nào đã được thông qua nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng?

- Có thể khẳng định, trong thời gian qua, các chính sách tài khóa (CSTK) được ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, không chỉ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

 TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Trong giai đoạn 2020 - 2023, các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đã được ban hành với tổng trị giá của các giải pháp đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng và dự kiến những giải pháp đã ban hành, thực hiện từ đầu năm 2024 đến nay (tháng 5/2024) là khoảng 68 nghìn tỷ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành theo dõi sát tình hình thực tế, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội để nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các CSTK phù hợp cho năm 2024.

Trong đó, ngày 28/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 81/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT theo đề nghị của Bộ Tài chính về việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng cuối năm 2024. Dự kiến việc áp dụng chính sách này sẽ giảm thu ngân sách khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

 Các chính sách tài khóa không chỉ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: VV

Các chính sách tài khóa không chỉ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: VV

+ Theo ông, chính sách tài khóa nào mang lại hiệu quả cao nhất?

- Các CSTK trong thời gian qua đã được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai quyết liệt, đồng bộ để có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Không một chính sách đơn lẻ nào có thể mang lại hiệu quả toàn diện đối với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, có thể thấy nhóm giải pháp tài khóa nổi bật mà Việt Nam đã và đang tiếp tục thực hiện đó là CSTK mở rộng và linh hoạt; trong đó, các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Đặc biệt, để triển khai hiệu quả CSTK, Bộ Tài chính cũng tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chi NSNN và nợ công hiệu quả, chặt chẽ, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ tài chính - ngân sách Quốc hội và Chính phủ giao.

+ Và theo ông, những chính sách tài khóa nào chưa phát huy được hiệu quả?

- Nhờ chủ động và bám sát thực tiễn trong quá trình xây dựng, các CSTK đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Nhìn chung công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện; trong khi tình hình thế giới, trong nước giai đoạn vừa qua biển đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới không thể dự báo.

Bên cạnh đó, việc thực hiện và giải ngân một số chính sách đã được ban hành còn thấp, chưa được như kỳ vọng và so với quy mô nguồn lực được giao.

Cụ thể như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp còn nhiều bất cập và chưa đạt kỳ vọng do việc xây dựng nhu cầu hỗ trợ người lao động chưa sát với thực tế, trong khi đó tình hình thực tế chuyển biến nhanh, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, dẫn đến có thay đổi trong nhu cầu hỗ trợ của người lao động so với thời điểm xây dựng chính sách...

 Trong hơn 4 năm qua, tổng giá trị gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng. Ảnh: VV

Trong hơn 4 năm qua, tổng giá trị gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng. Ảnh: VV

+ Việc đưa ra “ồ ạt” các chính sách tài khóa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Việt Nam đã làm cách nào để cân bằng thu - chi ngân sách, tạo ra dư địa cho các chính sách tài khóa phát huy hiệu quả, thưa ông?

- Vào thời điểm dịch COVID-19 xảy đến bất ngờ, cũng như hiện nay khi nền kinh tế còn đang khó khăn bởi ảnh hưởng “hậu COVID-19” và ảnh hưởng của biến động kinh tế - chính trị thế giới, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc với hàng loạt các giải pháp về CSTK, chính sách tiền tệ và các chính sách khác, với quy mô và phạm vi lớn chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Để tạo dư địa cho các CSTK phát huy hiệu quả, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý thu với các giải pháp như đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bên cạnh đó, việc điều hành NSNN được thực hiện chặt chẽ, triệt để tiết kiệm để đảm bảo nguồn lực cho các giải pháp tài khóa.

Theo đó, trong năm 2022 - 2023, thu NSNN thực hiện vượt dự toán ở mức lần lượt là 28,8% và 8,12%; trong 5 tháng đầu năm 2024, thu NSNN ước đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài ra, để huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, chúng ta đã thực hiện vay hỗ trợ phát triển chính thức, vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách và phát hành trái phiếu Chính phủ cho các nhiệm vụ chi của Chương trình.

+ Từ nay đến hết năm 2025 - giai đoạn kết thúc chặng đường 5 năm còn 1 năm rưỡi nữa, Kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành các mục tiêu được Quốc hội đề ra, theo ông, Việt Nam có nên xem xét có thêm các chính sách tài khóa khác?

- Trong những tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu...

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5% theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước, một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với quan điểm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là trụ cột chính trong chiến lược phục hồi tăng trưởng, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế GTGT từ 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 và đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Việc tiếp tục thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế trong ngắn hạn dự kiến sẽ làm giảm thu NSNN; đồng thời, các giải pháp nêu trên đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó tạo dư địa tăng thu NSNN.

Thực tế cũng cho thấy, các gói hỗ trợ tài khóa thực hiện trong giai đoạn vừa qua đã hỗ trợ mạnh mẽ cho kinh tế phục hồi và phát triển, từ đó cũng góp phần tăng thu NSNN, đảm bảo đạt và vượt dự toán Quốc hội đề ra.

Ngoài ra, để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính đã, đang và tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện có hiệu quả các Luật thuế, thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đồng thời tiếp tục rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết của cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để đảm bảo cân đối chi ngân sách. Những kết quả này khẳng định tính hợp lý, đúng đắn và khoa học của công tác điều hành CSTK thời gian qua.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việt Vũ (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xung-luc-de-nen-kinh-te-but-pha-post299915.html