Xung lực mới cho thương mại Việt Nam - Campuchia
Sau khi đạt và vượt mục tiêu kim ngạch thương mại 5 tỷ USD vào năm 2019, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Campuchia tiếp tục bứt phá và đạt trên 11 tỷ USD vào năm 2022. Với định hướng tiếp tục phát triển hợp tác toàn diện sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Manet đầu tháng 12 vừa qua, Chính phủ Việt Nam và Campuchia đã thống nhất tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, thúc đẩy hợp tác thương mại hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Tăng trưởng mạnh mẽ
Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.255km đi qua 9 tỉnh của Campuchia là Ratanakiri, Mondulkiri, Kratíe, Tbong Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takéo, Kampot và 10 tỉnh của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Giữa hai nước có 11 cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu quốc gia, 25 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế, du lịch của hai nước phát triển.
Trong thời gian qua, hợp tác thương mại, công nghiệp song phương Việt Nam - Campuchia đã có những bước tiến tích cực, tăng trưởng trung bình hơn 20% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2020. Một dấu mốc quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước là con số kim ngạch thương mại đạt 5 tỷ USD vào năm 2019. Từ sau dấu mốc này, kim ngạch thương mại hai nước tiếp tục có bước phát triển ấn tượng với con số gần 6 tỷ USD vào năm 2020. Bước sang năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia tiếp tục bứt phá mạnh, đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt gần 11 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 5,75 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 4,82 tỷ USD, tăng 2,48% so với năm 2021.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động tiêu cực, 11 tháng của năm 2023, kim ngạch thương mại của hai nước đã đạt gần 8 tỷ USD. Theo Bộ Công thương, mặc dù có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022, song thương mại hai bên có nhiều điểm tích cực, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.
Campuchia đứng thứ 2 trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, với hơn 200 dự án đầu tư còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt gần 3 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Trong 9 tháng của năm 2023, có hơn 640.000 lượt khách Việt Nam thăm Campuchia và khoảng 250.000 lượt khách Campuchia sang Việt Nam.
Hướng tới mục tiêu 20 tỷ USD
Trong năm qua, Chính phủ Việt Nam và Campuchia tích cực triển khai các hoạt động hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch... Các cuộc gặp gỡ song phương, điện đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm 2023 là những minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm và cam kết thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian tới, trong đó có nội dung đưa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên, vào đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã hội đàm với Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm trao đổi về phương hướng lớn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới. Theo đó, hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; triển khai hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác quan trọng giữa Chính phủ hai nước, trong đó có cơ chế "Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật" và "Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới"...
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường kết nối hai nền kinh tế, cả kết nối về hạ tầng cơ sở và kết nối về thể chế chính sách; đẩy mạnh thương mại song phương, đặc biệt là thương mại biên giới và hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên; phấn đấu đạt mốc kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong thời gian tới; nhất trí khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng cường kết nối giao thông, trong đó có kết nối đường cao tốc và tăng tần suất các chuyến bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước; phối hợp với Lào đẩy mạnh các gói du lịch "Một hành trình ba điểm đến". Hai bên đã ký 3 văn kiện hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Campuchia. Việt Nam và Campuchia cũng ký kết thỏa thuận về việc mở đường bay thẳng từ Hà Nội (Việt Nam) đến Siem Reap (Campuchia) - thỏa thuận quan trọng, góp phần thúc đẩy ngành du lịch qua hai nước.
Trước đó, vào tháng 11/2022, Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp định Thương mại biên giới. Lãnh đạo hai nước cũng khuyến khích doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội cùng phát triển đặc khu kinh tế Campuchia - Việt Nam ở các tỉnh Campuchia giáp biên giới Việt Nam - Campuchia. Tiếp đó, tháng 6/2023, Việt Nam và Campuchia đã ký Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương. Các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước chính là cơ sở pháp lý và tạo xung lực mới, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương Việt Nam - Campuchia. Trong đó, các hiệp định hai bên đã ký kết như Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và lao động, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần... sẽ là những cơ sở thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, xây dựng, hạ tầng, du lịch, dịch vụ thương mại, nhất là thương mại biên giới.