Xung quanh chính sách thuế quan của Mỹ: Kinh tế thế giới sẽ đi về đâu?

Thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên các đối tác thương mại có thể là 'cú sốc lớn nhất trong chính sách thương mại toàn cầu' trong 50 năm qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Washington, D.C - Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Washington, D.C - Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 2/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp áp thuế mới với hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Một ngày sau, hai nước có chung biên giới với Mỹ được cho thêm 30 ngày chuẩn bị, nhưng không có ngoại lệ nào dành cho Trung Quốc.

Trọng tâm của chính sách mới là bãi bỏ "de minimis" - quy định lô hàng hóa trị giá dưới 800 USD khi nhập khẩu vào Mỹ sẽ được miễn thuế - đã tồn tại từ những năm 1930. Đây là bước đi quyết liệt nhằm thay đổi cán cân thương mại và mang lại cơ hội mới cho các công ty nội địa trước sự bành trướng của sàn thương mại điện tử ngoại như Temu, Shein, Aliexpress...

Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP), đơn vị xử lý hơn 1,3 tỉ gói hàng miễn thuế giá trị thấp trong năm 2024, cao gấp 10 lần so với năm 2015. Giá trị hàng hóa cũng tăng vọt từ 5,3 tỉ USD (năm 2018) lên 66 tỉ USD (năm 2024).

Thuế nhập khẩu thách thức khả năng tăng trưởng của Trung Quốc

Ngày 4/2, thuế nhập khẩu Mỹ áp lên Trung Quốc có hiệu lực. Theo sắc lệnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ký 3 ngày trước đó, toàn bộ hàng Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế nhập khẩu thêm 10%, do nước này không chặn được hoạt động buôn lậu fentanyl sang Mỹ.

Giới phân tích cho rằng thuế này có thể là đòn giáng lớn vào nền kinh tế Trung Quốc. Việc bị áp thêm thuế buộc nước này tung thêm chính sách kích thích để thúc đẩy tăng trưởng. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế 25% với khoảng 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs dự báo thuế mới sẽ khiến GDP Trung Quốc giảm thêm 0,5% năm nay. Theo đó, tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới có thể chỉ tăng 4,5%, thấp hơn so với 5% năm ngoái. Lạm phát cũng chậm lại do nhu cầu yếu. Chỉ số giá tiêu dùng của nước này được dự báo tăng 0,4% năm nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hãng nghiên cứu Rhodium Group cũng đưa ra dự báo GDP Trung Quốc chỉ tăng quanh 4,5%. Giới chức chưa công bố mục tiêu tăng trưởng năm nay, nhưng nếu họ giữ nguyên mức năm ngoái quanh 5%, Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức hơn.

Vài ngày qua, giá nhân dân tệ (CNY) trên thị trường quốc tế liên tục yếu đi so với USD, có thời điểm xuống thấp kỷ lục 7,37 CNY một USD. Đồng tiền này mất giá 3,7% kể từ khi ông Trump thắng cử tháng 11/2024.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sáng 5/2 giảm điểm ngay khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Shanghai Composite mất 0,4%. Hang Seng Index giảm 0,9%.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu tại 7,163 CNY một USD, mạnh hơn dự báo, xóa tan lo ngại nước này dùng nhân dân tệ để đối phó thuế nhập khẩu. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhân dân tệ mất giá 5% so với USD năm 2018, khi vòng áp thuế đầu tiên được thực hiện. Năm sau đó, khi căng thẳng leo thang, đồng tiền này giảm thêm 1,5% nữa.

Nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế nhập khẩu với Trung Quốc, Goldman Sachs cho rằng PBOC sẽ ưu tiên ổn định tỷ giá hơn là nới lỏng tiền tệ. Cơ quan này có thể cho phép giá nhân dân tệ trong nước giảm dần, về 7,4-7,5 CNY một USD.

Sau khi thuế nhập khẩu của Mỹ có hiệu lực, Trung Quốc ngay lập tức tung biện pháp trả đũa. Theo đó, từ ngày 10/2, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Mỹ sẽ bị áp thuế 15%. Dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ô tô bị chịu mức 10%. Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc cũng cho biết sẽ siết xuất khẩu hàng loạt kim loại quan trọng như tungsten, tellurium, ruthenium, molybdenum "để bảo vệ an ninh quốc gia". Nước này cũng mở cuộc điều tra chống độc quyền với Google, đồng thời đưa hai công ty Mỹ vào danh sách "thực thể không đáng tin cậy", có thể bị trừng phạt.

Một cửa hàng bán rượu ở thành phố Vancouver (Canada) tuyên bố ngừng bán rượu Mỹ sau khi lượt chính sách thuế quan được công bố - Ảnh: Reuters

Một cửa hàng bán rượu ở thành phố Vancouver (Canada) tuyên bố ngừng bán rượu Mỹ sau khi lượt chính sách thuế quan được công bố - Ảnh: Reuters

Biến động thị trường

Theo Deutsche Bank, chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump có thể gây ra biến động trên thị trường tài chính thế giới. Nhà đầu tư cũng cần chú ý đến viễn cảnh về các vụ kiện tụng về thuế quan, cũng như các hành động trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ.

Bất kể mục đích áp thuế của ông chủ Nhà Trắng là gì, thì việc tăng thuế chống lại hai nước láng giềng và đối tác thương mại quan trọng của Mỹ gần như chắc chắn sẽ tạo ra tác động tức thời, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước liên quan, thậm chí là cả nền kinh tế Mỹ và rộng hơn là kinh tế toàn cầu.

Các nhà phân tích cảnh báo các mức thuế mới nhất của ông Trump đối với Trung Quốc, Mexico và Canada có thể là phát súng đầu tiên trong một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn.

Các chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cảnh báo rằng các chính sách thuế quan của Mỹ có thể kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu trong dài hạn. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại cũng có thể làm suy yếu các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các nhà phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, căng thẳng thương mại có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng quốc tế. Một số nhà nghiên cứu kinh tế nhận định, nếu không có một lối thoát hợp lý, thế giới có thể phải đối mặt với một thời kỳ bảo hộ thương mại kéo dài, tác động tiêu cực đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Trong bối cảnh những biến động mạnh mẽ từ chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ, một điều rõ ràng là các quốc gia trên toàn cầu sẽ cần thích nghi nhanh chóng với thực tế mới này. Đối mặt với những thách thức về thương mại, các nước sẽ cần có những chiến lược khôn ngoan để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình và tối ưu hóa hợp tác quốc tế. Nhiều chuyên gia dự báo xu hướng các quốc gia sẽ tìm kiếm sự liên kết mạnh mẽ hơn để đối phó với những đòn bẩy kinh tế này, trong khi những chính sách bảo hộ có thể dẫn tới việc hình thành các khối thương mại mới.

Thời gian tới sẽ là thời điểm quan trọng để theo dõi không chỉ những quyết định chính trị và kinh tế của Mỹ mà còn cả phản ứng từ các nước khác trong cộng đồng quốc tế. Rõ ràng, tương lai của thương mại toàn cầu đang bị phủ bóng bởi những yếu tố bất định và các nhà lãnh đạo chính trị cần hành động thông qua đối thoại và hợp tác để tránh những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế thế giới.

WTO mắc kẹt giữa tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

Trung Quốc tuyên bố ngày 4/2 rằng họ sẽ đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các mức thuế mà họ cho là bất hợp lý của Mỹ.

Tuy nhiên, động thái này khó có thể mang lại kết quả, trừ khi cả Trung Quốc và Mỹ tìm được tiếng nói chung để tự giải quyết tranh chấp khi hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, vốn được thiết kế để xử lý những tình huống này, lại đang tê liệt trong nhiều năm.

Quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO trải qua nhiều giai đoạn. Khi một bên đưa ra khiếu nại, các cuộc tham vấn giữa các thành viên liên quan sẽ được tiến hành. Nếu không đạt được thỏa thuận, bên khiếu nại có thể yêu cầu thành lập một ban hội thẩm đặc biệt, bao gồm từ ba đến năm chuyên gia. Các quốc gia có quyền kháng cáo phán quyết của ban hội thẩm.

Tuy nhiên, Cơ quan Phúc thẩm của WTO, bao gồm 7 chuyên gia về luật thương mại và quốc tế, đã không thể xử lý bất kỳ vụ việc mới nào kể từ tháng 12/2019, do Mỹ liên tục chặn các đề cử thành viên, khiến các ghế trống vẫn bị bỏ ngỏ.

Thực tế trên bắt đầu từ thời Tổng thống Barack Obama, tiếp diễn dưới thời Tổng thống Donald Trump và kéo dài đến nhiệm kỳ của người kế nhiệm Joe Biden.

Mỹ cáo buộc Cơ quan Phúc thẩm của WTO đã diễn giải quá mức các quy tắc thương mại quốc tế và không tuân thủ thời hạn hoàn thành các vụ việc theo quy định của WTO. Phía Mỹ cũng nhấn mạnh rằng các quyết định của cơ quan này không được xâm phạm đến các vấn đề an ninh quốc gia.

Năm 2022, các thành viên của WTO đã quyết định tiến hành các cuộc thảo luận nhằm khôi phục một hệ thống giải quyết tranh chấp hoạt động đầy đủ vào năm 2024. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được.

Trong thời gian chờ đợi, một số thành viên của WTO, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, đã phát triển một quy trình phúc thẩm thay thế, cho phép một số vụ việc tiếp tục được xử lý. Tuy nhiên, Mỹ đã không tham gia vào hệ thống này.

Do đó, mặc dù hệ thống tạm thời này có hiệu quả đối với các quốc gia tham gia, song lại không ngăn cản các thành viên WTO khác tiếp tục kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm vốn đã tê liệt, khiến các vụ việc rơi vào tình trạng lấp lửng và không thể giải quyết.

Theo WTO, hiện có tới 32 phán quyết của các ban hội thẩm tranh chấp đã bị kháng cáo và không thể thực thi.

Theo Baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xung-quanh-chinh-sach-thue-quan-cua-my-kinh-te-the-gioi-se-di-ve-dau-5037089.html