Xung quanh đề xuất cho thuê vỉa hè ở Hà Nội: Cần bảo đảm không gian cho người đi bộ

Dự thảo 'Đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè' đang được trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, quyết định. Trong đó, phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để kinh doanh và trông xe nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

 Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh tại một con phố trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh tại một con phố trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)

Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Hoàn Kiếm hiện là quận duy nhất của Hà Nội cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố. Các địa điểm cho thuê giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại số 30, số 94 phố Lý Thường Kiệt, số 11 phố Lê Phụng Hiểu và số 15 phố Ngô Quyền. Mức phí cho thuê là 45.000 đồng/m2/tháng. Thời gian cấp phép sử dụng tạm thời hè phố mỗi lần là 6 tháng.

Ghi nhận của phóng viên Báo PNVN tại phố Lý Thường Kiệt cho thấy, diện tích vỉa hè đang được cho thuê để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh trong khoảng thời gian từ 6h sáng ngày hôm trước đến 2h sáng ngày hôm sau.

Chưa rõ diện tích thực tế được cho thuê là như thế nào nhưng ngoài phần diện tích kê bàn ghế, một phần diện tích của vỉa hè trên tuyến phố này được sử dụng làm điểm đỗ phương tiện. Điều này khiến diện tích dành cho người đi bộ bị thu hẹp.

Điều đáng nói, tuyến phố này cũng như các tuyến phố khác đang được cho thuê trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đều có vỉa hè rộng nên dù được sử dụng để kinh doanh, vẫn có không gian cho người đi bộ. Câu hỏi đặt ra là, với những tuyến phố có vỉa hè hẹp, nếu được cho thuê để kinh doanh thì không gian dành cho người đi bộ sẽ thế nào?

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Ảnh: Quang Vinh

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Ảnh: Quang Vinh

Thực tế, nhu cầu thuê vỉa hè để kinh doanh là có thực. Theo một số cơ sở kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực đồ uống, đồ ăn, việc bố trí bàn ở khu vực vỉa hè giúp thu hút được một tệp khách ưa thích không gian thoáng đãng.

"Mặc dù quán có điều hòa nhưng vào những ngày thời tiết mát dịu, đa số khách đều lựa chọn vị trí ngồi bên ngoài, để cảm nhận sự náo nhiệt của phố phường. Chính vì thế, việc cho thuê diện tích vỉa hè là một đề xuất hay", anh Võ Đăng Trình, chủ một quán cà phê trên phố Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy), chia sẻ.

Tuy nhiên, anh Trình cho rằng, thay vì phương án thu phí thuê vỉa hè theo diện tích, chính quyền thành phố nên tính đến phương án tính tiền thuê theo tháng, theo quý. "Với cách tính được đề xuất theo m2 như hiện tại thì những cơ sở kinh doanh có mặt tiền rộng sẽ phải tốn một số tiền lớn cho việc thuê mặt bằng kinh doanh", anh Trình nói thêm.

Cũng đồng ý với đề xuất cho thuê vỉa hè của thành phố Hà Nội, anh Nguyễn Đức Mậu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho rằng, hiện nay, nhiều diện tích vỉa hè, không gian đi bộ đang bị các hộ kinh doanh chiếm dụng làm nơi gửi xe, buôn bán.

Anh Mậu hy vọng, việc cho thuê vỉa hè sẽ phần nào kiểm soát được vấn đề trên. "Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tiến hành kẻ vạch cụ thể vị trí được các hàng quán thuê, giữ một phần diện tích cho người đi bộ và thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm bên ngoài diện tích cho thuê", anh Mậu cho hay.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - Ảnh: Hữu Chánh

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - Ảnh: Hữu Chánh

Cần khảo sát, đánh giá xem vỉa hè nào có thể cho thuê

Gần 10 năm qua, TP Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch "giành lại vỉa hè cho người đi bộ" nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, hoạt động lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại đâu vào đấy. Do đó, việc cho thuê vỉa hè được cho là một giải pháp để quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để phương án này đạt hiệu quả khi đi vào thực tiễn, còn nhiều việc phải làm.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, vỉa hè thường gắn liền với kiến trúc không gian đặc thù của từng tuyến phố, từng đô thị nên việc thu phí vỉa hè cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, quản lý chặt chẽ để đảm bảo hài hòa các lợi ích của những gia đình tiếp cận vỉa hè và người đến thuê vỉa hè.

Trong khi đó, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho rằng, để việc thu phí vỉa hè khả thi và nhận được sự được đồng thuận, trước tiên, Hà Nội cần quy hoạch những tuyến phố phù hợp với việc kinh doanh trên vỉa hè, đồng thời bảo đảm chức năng của vỉa hè phải dành cho người đi bộ.

TS. Khương Kim Tạo chia sẻ thêm, chính quyền địa phương cần phải tiến hành khảo sát tỉ mỉ, có tiêu chí cụ thể đánh giá xem vỉa hè nào có thể cho thuê. Đặc biệt, cần phải chú ý để "chừa không gian cho người đi bộ".

Để việc thực hiện phương án được đồng bộ, TS. Khương Kim Tạo cho rằng, cần có những quy định thống nhất trong toàn thành phố, tránh tình trạng mỗi quận làm một kiểu; phường, quận ở sát nhau nhưng lại có chính sách khác nhau.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xung-quanh-de-xuat-cho-thue-via-he-o-ha-noi-can-bao-dam-khong-gian-cho-nguoi-di-bo-20240715163812711.htm