Xung quanh việc dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS: 'Sao Bộ không ban hành văn bản sớm hơn?'
Đó là câu hỏi thể hiện tâm trạng tiếc nuối của nhiều phụ huynh, học sinh khi mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản yêu cầu các tỉnh, thành dừng việc tuyển thẳng hoặc ưu tiên đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS vào lớp 10. Bởi lẽ, để có được 'giấy thông hành' vào lớp 10 này, nhiều gia đình đã phải đầu tư công sức, số tiền không nhỏ cho con.
Trao đổi với Báo PNVN, chị N.T.V. (40 tuổi, trú tại phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, gia đình chị đã đầu tư hàng chục triệu đồng trong hơn một năm để cho con ôn thi và đạt được chứng chỉ IELTS 6.0.
Với "tờ giấy thông hành" này, nếu theo Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 đã được UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành ngày 29/1/2024, con trai chị V. chắc chắn có suất vào thẳng một trường THPT không chuyên trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Tuy nhiên, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản dừng tuyển thẳng hoặc ưu tiên đối với học sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10 khiến chị V. không khỏi phiền lòng.
"Để có được chứng chỉ IELTS, việc học và thi không phải chuyện dễ dàng vì phải tốn nhiều công sức, tiền bạc của phụ huynh và học sinh. Bản thân tôi không phản đối chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng Bộ cần ban hành sớm hơn để phụ huynh và học sinh có định hướng phù hợp", chị V. chia sẻ.
Sau công văn của Bộ, các địa phương thay đổi thế nào?
Thực tế, trước khi có văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều tỉnh đã phê duyệt kế hoạch, phương án tuyển sinh vào lớp 10 chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên. Đơn cử, theo Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm nay được UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành ngày 29/1/2024, tỉnh này sẽ tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS đạt 5.0 vào các trường THPT công lập không chuyên.
Với Trường Phổ thông dân tộc nội trú, mức điểm IELTS cần đạt để được tuyển thẳng là 6.0. Đối với lớp chuyên Anh của Trường THPT Chuyên, nếu đạt IELTS 7.0 trở lên, thí sinh sẽ được tuyển thẳng. Nếu có chứng chỉ IELTS đạt 5.0, thí sinh sẽ được cộng 1- 2 điểm tùy từng trường. Tỉnh Lào Cai cũng đã đưa ra phương án tuyển sinh vào lớp 10.
Theo đó, thí sinh sẽ được miễn thi môn tiếng Anh và tính điểm tối đa vào lớp 10 THPT công lập nếu có IELTS từ 4.0 trở lên. Đối với tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lào Cai, tỉnh này sẽ miễn thi và quy đổi điểm bài thi môn tiếng Anh nếu thí sinh có IELTS đạt 5.5 - 6.5, điểm quy đổi bài thi môn chuyên 7/10 điểm. Nếu đạt từ 7.0 IELTS, thí sinh được quy đổi bài thi môn chuyên là 10 điểm.
Điều đáng nói hơn, những năm trước, một số địa phương đã thực hiện xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên, quy đổi cho những thí sinh thi vào lớp 10 có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS. Đơn cử, từ năm 2021, Nghệ An đã tuyển thẳng học sinh có điểm IELTS đạt 6.0 vào trường THPT công lập có lớp tiếng Anh tăng cường và 7.0 trở lên đối với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Tại tỉnh Phú Thọ, theo thống kê, trong năm học 2023 - 2024, có 316 học sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng vào lớp 10 THPT công lập, trong đó, có 2 thí sinh được tuyển thẳng do có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.5 trở lên.
Sau công văn "siết" việc tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 của Bộ, một số tỉnh đang rà soát, thay đổi phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm nay.
"Chứng chỉ IELTS không phản ánh đầy đủ năng lực của học sinh"
Nhận định về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản yêu cầu dừng việc tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS vào lớp 10, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. Chứng chỉ ngoại ngữ IELTS không phản ánh đầy đủ năng lực học tập của học sinh.
"Thực tế ở Việt Nam, nếu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ IELTS để tuyển thẳng có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử với những học sinh không có điều kiện kinh tế để học và thi chứng chỉ này. Nó cũng có thể dẫn đến việc các em học sinh và gia đình chạy theo chứng chỉ ngoại ngữ IELTS để được tuyển thẳng mà bỏ bê các môn học khác, làm suy giảm năng lực chung của cá nhân", ông Trần Thành Nam nêu quan điểm.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cũng đặt ra vấn đề quản lý chất lượng chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, làm thế nào để không tạo ra một thị trường mua bán chứng chỉ, gây áp lực cho học sinh và tạo gánh nặng tài chính cho các gia đình.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương thanh tra, kiểm tra các địa phương tổ chức tuyển sinh mang tính "vượt rào" quy định để kịp thời chấn chỉnh. Nếu các địa phương đã ban hành kế hoạch tuyển sinh chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên thì cần điều chỉnh lại.
Trường hợp nếu vi phạm nghiêm trọng trong việc lợi dụng chứng chỉ ngoại ngữ IELTS để hưởng lợi chính sách cộng điểm, tuyển thẳng cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Điều 6 Quy chế tuyển sinh THCS,THPT ban hành kèm Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, chỉ tuyển thẳng vào trung học phổ thông các đối tượng thuộc 4 nhóm là: Học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú; học sinh là người dân tộc rất ít người; học sinh khuyết tật; học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.