Xung quanh việc tăng giờ làm thêm...
Một trong những nội dung được người dân, nhất là người lao động (NLĐ) đặc biệt quan tâm trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra là thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi do Bộ Lao động - thương binh và xã hội soạn thảo, trong đó có phương án tăng số giờ làm thêm so với Bộ luật Lao động hiện hành, từ 200 giờ (trường hợp đặc biệt là 300 giờ) lên 400 giờ/năm. Phần lớn ý kiến của đại biểu cho rằng, cần cân nhắc lại việc tăng giờ làm thêm.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - thương binh và xã hội tại kỳ họp Quốc hội này, nhiều công nhân ủng hộ phương án tăng giờ làm thêm, nhu cầu NLĐ muốn làm thêm để tăng thu nhập... Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi cốt lõi của vấn đề vì sao NLĐ muốn làm thêm, không hẳn vì NLĐ muốn làm thêm để có thêm khoản tích lũy mà làm thêm để chỉ mong đủ trang trải cuộc sống cơ bản. Mục đích của hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau.
Khi xem truyền hình trực tiếp buổi thảo luận này, tôi rất ấn tượng với phát biểu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh). Vị đại biểu này đã khóc khi nói về thực trạng đời sống của NLĐ và cho rằng, chẳng một công nhân nào muốn làm thêm giờ, nhưng họ buộc phải làm thêm vì đồng lương hiện nay không đủ trang trải cuộc sống.
Tôi thấy ý kiến của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là sát thực tế. Bởi hiện nay, đời sống của đa phần NLĐ nói chung còn thấp, đặc biệt là NLĐ nhập cư. Tiền lương hằng tháng lãnh ra phải chi rất nhiều khoản: nhà trọ, ăn uống, gửi về quê lo cho gia đình, các chi phí sinh hoạt khác...
Để đời sống NLĐ ngày càng được cải thiện, theo tôi không phải tìm mọi cách để tăng giờ làm thêm, các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp cần tìm giải pháp từng bước nâng tiền lương tối thiểu bằng với mức sống tối thiểu cho NLĐ. Một khi có cuộc sống ổn định, NLĐ đỡ bị áp lực chuyện cơm, áo, gạo, tiền... họ sẽ yên tâm nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt nhọc, tái tạo sức lao động để hôm sau làm việc có năng suất và chất lượng hơn.
Thực tế hiện nay, tại một số doanh nghiệp vẫn còn những bữa ăn có giá trị thấp dưới 15 ngàn đồng, chưa đủ dinh dưỡng; tình trạng vệ sinh an toàn lao động chưa đảm bảo; nhiều người lao động bị bệnh nghề nghiệp chưa được khám sàng lọc kịp thời... ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thể lực của người lao động. Nếu tăng giờ làm thêm chắc chắn về lâu về dài sức khỏe của NLĐ sẽ không đảm bảo, nhất là lao động nữ, kéo theo những hệ lụy xấu, đó là sự gia tăng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Chắc chắn những tổn thất từ việc chữa trị cho các ca tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn lớn hơn cả lợi nhuận do làm thêm giờ mang lại. Do đó, việc tăng giờ làm thêm cần được Quốc hội, các bộ, ngành cân nhắc kỹ lưỡng.
Vũ Thị Ánh Ngọc (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa)