Xung quanh việc vua Thái 'đóng đô' điều hành đất nước ở Đức
Việc Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn cư trú lâu dài ở bang Bavaria của Đức đang là một vấn đề đau đầu đối với Berlin.
Theo tờ South China Morning Post ngày 29-10, trong khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Thái Lan đang là thách thức lớn đối với chế độ quân chủ, thì việc Quốc vương cư trú lâu dài ở bang Bavaria của Đức cũng đang trở thành vấn đề đau đầu không kém đối với Berlin.
Trong tuần này, những người biểu tình đã kêu gọi sự trợ giúp của Berlin, làm dấy lên tranh luận về việc liệu nhà vua Thái Lan điều hành đất nước khi ở Đức có vi phạm thị thực và do đó có căn cứ để trục xuất ông hay không.
Họ hỏi liệu nhà vua, người lần đầu tiên đến Đức vào năm 2007 khi vẫn còn là thái tử và lên ngôi sau khi cha ông - ông Bhumibol Adulyadej mất năm 2016 có cần phải trả thuế thừa kế khi ở Đức lâu dài hay không. Họ cũng kêu gọi một cuộc điều tra về hồ sơ nhân quyền của quốc vương.
Những gì Đức có thể làm là "có giới hạn"
Trong tuần này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết ông đang xem xét vấn đề và cảnh báo về "hậu quả ngay lập tức" nếu quốc vương tham gia vào các hoạt động trái pháp luật. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho biết những gì chính phủ Đức có thể làm là có giới hạn.
Ông Stefan Talmon - Giám đốc Công pháp Quốc tế Công tại Đại học Bonn, cho biết: "Sẽ rất khó để chứng minh rằng nhà vua đang vi phạm bất kỳ luật nào. Ông ấy sẽ có thể tiến hành các công việc của nhà nước ở Thái Lan từ Đức mà không vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Đức".
Mặt khác, ông Talmon nói: "Mặc dù Đức không thể ngăn cản nhà vua điều hành Thái Lan, nhưng cũng không có nghĩa vụ phải chấp nhận việc ông tiếp tục hiện diện ở đây".
Ông cũng lưu ý rằng các cựu và đương kiêm thủ tướng Đức gồm ông Konrad Adenauer, ông Helmut Kohl và bà Angela Merkel đã có thời gian dài ở Ý hoặc Áo và gần như chắc chắn rằng họ đã điều hành đất nước ở đây.
"Ông Adenauer rất thích ở Ý và chúng tôi không biết ông ấy đã tiến hành bao nhiêu công việc quản lý đất nước ở đây, và điều này hoàn toàn bình thường. Điều khiến trường hợp của nhà vua Thái Lan trở nên bất thường là ông ấy đã gia hạn thời gian lưu trú ở Đức trong một khoảng thời gian dài" - ông Talmon cho biết thêm.
Theo ông, có một giới hạn đối với các mệnh lệnh mà vua Thái Lan có thể ban hành từ Đức. Ví dụ như ban các án tử hình hoặc đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa.
"Việc một nguyên thủ nước ngoài tuyên án tử hình ở một quốc gia khác có thể bị coi là không phù hợp nếu nước sở tại bãi bỏ và phản đối điều này" - ông lưu ý.
Vi phạm luật pháp
Nghị sĩ đảng Greens Frithjof Schmidt nói rằng nhà vua rất có thể đã vi phạm các điều khoản thị thực và do đó đã vi phạm luật pháp của Đức.
Quốc vương hiện đang ở Bavaria và thuê trọn một khách sạn trên núi cao cùng với tùy tùng hoàng gia của mình và duy trì một biệt thự trên Hồ Starnberg. Đảng Greens cũng đã hỏi về thuế thừa kế nhưng những thông tin này phải tuân theo luật bảo mật nghiêm ngặt.
"Các điều kiện trong thị thực đã quy định rằng các chính sách ảnh hưởng đến Thái Lan không được tiến hành trên lãnh thổ Đức. Một số thị thực có thể có những yêu cầu kèm theo. Ví dụ như khi tôi đến Mỹ với tư cách là một thành viên quốc hội, tôi cũng cần một thị thực bổ sung có chứa một số điều kiện như vậy"- ông Schmidt nói.
Ngoài ra, ông Schmidt cũng thúc giục chính phủ Đức "chủ động đóng băng tất cả các cuộc đàm phán thương mại với Thái Lan, nếu chính quyền Bangkok dùng biện pháp quân sự để đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ".