Xương cá mắc kẹt trong phổi bé trai 13 tháng tuổi

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa gắp thành công mảnh xương cá nằm trong gốc nhánh phế quản phổi phải của bé trai 13 tháng tuổi.

TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bé trai P.Đ.K., 13 tháng tuổi, ngụ ở Bình Chánh, nhập viện trong tình trạng thở khò khè, mệt mỏi, ho sặc.

Theo thông tin từ gia đình, trước khi nhập viện khoảng 6 ngày, bé trai bị sặc miếng ổi, sau đó ho sặc sụa trong lúc ăn, bé bị thở gấp, không tím môi. Vài ngày sau, tình trạng không thuyên giảm, trẻ thở khò khè, không sốt, không sổ mũi, ho ít.

 Mảnh xương cá được nội soi lấy ra từ phổi bệnh nhi 13 tháng tuổi. Ảnh: BVCC.

Mảnh xương cá được nội soi lấy ra từ phổi bệnh nhi 13 tháng tuổi. Ảnh: BVCC.

Gia đình có đưa bé đi khám và điều trị tại phòng khám tư nhưng bệnh tình không đỡ. Nhận thấy tình trạng không tiến triển, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tuy nhiên, với tiền sử hóc sặc và hội chứng xâm nhập, các bác sĩ vẫn không rõ dị vật dù kiểm tra kỹ phim X-quang. Các bác sĩ khoa Hô hấp nghi ngờ tình trạng dị vật bỏ quên trong đường thở, nên quyết định tư vấn người nhà nội soi kiểm tra.

Qua nội soi phế quản, bác sĩ quan sát thấy mảnh xương mềm, bờ sắc gai góc ở ngay lỗ phế quản trung gian phổi phải. Ngay sau đó, bác sĩ gắp nhẹ nhàng, dị vật lấy ra là một mảnh xương cá.

Sau khi gắp dị vật, bệnh nhi đã thở dễ, sinh hoạt, ăn bú không còn trở ngại. Bác sĩ cho biết bé sẽ sớm được xuất viện.

BSCKI Võ Thành Nhân, khoa Hô hấp, chia sẻ sau Tết, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp dị vật đường thở mới cũng như bỏ quên như các loại hạt bí, hạt điều... Tuy nhiên, trường hợp xương cá nằm trong phổi như bé K. nhưng người nhà chỉ nhớ hóc sặc ổi là rất hy hữu.

Các bác sĩ khuyến cáo với các bé nhỏ, phụ huynh cần tránh cho bé chơi đồ vật có kích thước quá nhỏ, dễ ngậm và sặc vào đường thở. Đồng thời, tránh cho trẻ ăn những thức ăn dễ bị hóc như đậu phộng, hạt dưa, hạt hướng dương...

Đối với trẻ có xảy ra hội chứng xâm nhập, đột ngột ho sặc, hóc thức ăn, đồ chơi, khò khè kéo dài, phụ huynh cần đưa bé đến khám tại các bệnh viện uy tín, có chuyên khoa sâu và nội soi về hô hấp nhi để phát hiện, xử trí kịp thời.

Bé 2 tuổi bị ho vì hóc hạt óc chó, mẹ tưởng cảm lạnh Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Tây An, Trung Quốc, đã lấy ra dị vật là hạt óc chó ra khỏi khí quản của bé trai 2 tuổi.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/xuong-ca-mac-ket-trong-phoi-be-trai-13-thang-tuoi-post1056079.html