Xuống thấp kỷ lục, giá vàng vẫn giảm tiếp gần 1 triệu đồng/lượng
Sau khi lao dốc, xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua, phiên giao dịch ngày 20/7, giá vàng miếng SJC tiếp tục giảm tới 900.000 đồng/lượng. Giá vàng mua vào quanh mức 62,5 triệu đồng/lượng, thổi bay toàn bộ lợi nhuận của nhà đầu tư từ đầu năm tới nay.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 20/7, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 62,5 – 64,5 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm 900.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với đầu giờ sáng của phiên giao dịch.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng miếng ở mức 63,3 – 65,3 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với hôm qua. Nhẫn tròn trơn niêm yết ở mức 52,1 – 52,9 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với phiên giao dịch trước đó.
Trên thị trường quốc tế, sáng ngày 20/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.711 USD/ounce, tăng nhẹ 3 USD/ounce so với phiên giao dịch hôm qua. Theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới khoảng 49 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Giá vàng trong nước liên tiếp lao dốc đã giúp kéo mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước về mức 12 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế, phí).
Nhà phân tích cấp cao Jeffrey Halley của trung tâm OANDA cho biết, giá vàng không thể duy trì mức tăng cao hơn 1.720 USD/ounce và khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết, lượng vàng nắm giữ đã giảm 0,5% xuống 1.009,06 tấn vào ngày 19/7, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2022.
Trên thị trường tiền tệ trong nước, ngày 20/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.214 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 22.550 - 23.400 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tỷ giá USD được Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) niêm yết ở mức 23.260 - 23.570 đồng/USD (mua vào - bán ra). Mức giá này giảm 30 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó.