Xuyên suốt một mạch nguồn thương dân

Hơn 20 năm trước, khi nghe tin có một đàn cò hàng vạn con cứ đêm đêm lại về trú ngụ trong vườn nhà của một lão nông ở thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, chúng tôi vội lên đường tìm gặp chủ nhân của vườn cò ấy. Hóa ra khi đến nơi, người chủ vườn cò không phải ai xa lạ. Ông là một người được phong tặng danh hiệu anh hùng của lực lượng Công an vũ trang (sau này là Bộ đội biên phòng) từ năm 1973. Chúng tôi may mắn gặp ông vài lần trước đó khi ông trở lại Đồn Biên phòng Cù Bai (nay là Đồn Biên phòng Hướng Lập) để gặp gỡ anh em, đồng đội trong những dịp kỷ niệm quan trọng. Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Đào Xuân Hướng.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Đào Xuân Hướng -Ảnh: A.D

Anh hùng Lực lượng vũ trang Đào Xuân Hướng -Ảnh: A.D

Từ cây lúa nước đến vị thuốc nam

Chúng tôi chợt nhớ lại hình ảnh Anh hùng Đào Xuân Hướng khi chứng kiến chương trình tết Trung thu cho thiếu nhi các bản giáp biên của -hai nước Việt Lào khu vực Hướng Việt, Hướng Lập do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập tổ chức. Khi người lính công an vũ trang Đào Xuân Hướng lên đây là thập niên 50 của thế kỷ trước, sau hiệp định Giơ - ne - vơ. Và 70 năm trôi qua, dường như dọc theo biên ải miền Tây Quảng Trị, câu chuyện về lòng dân hai bên biên giới vẫn chảy miệt mài như một mạch nguồn hữu nghị chưa bao giờ vơi cạn.

Hơn 70 năm trước, Đồn Biên phòng Cù Bai thực sự là cánh cửa thép chốt chặn ở vùng này. Đây là một tiền đồn của miền Bắc, bởi phía bên kia vĩ tuyến 17 là miền Nam đang thuộc về chế độ Sài Gòn. Cùng với đó là những bản làng của bạn Lào bên kia biên giới giáp ranh với tuyến biên thuộc đồn quản lý vẫn còn chìm trong đói nghèo, lạc hậu và vô vàn hủ tục. Họ chỉ biết trông cậy vào những người lính của Đồn Biên phòng Cù Bai. Giữa những gian nan ấy, cán bộ Hướng thật sự là ngọn đèn giữa heo hút rừng xanh.

Còn nhớ sau khi lập lại tỉnh Quảng Trị, có một cuộc gặp gỡ ở Đồn Biên phòng Cù Bai. Anh hùng Đào Xuân Hướng về thăm lại đồn xưa. Trong cuộc gặp đó tôi nhớ có mẹ Hồ Thị Oi, người mà từ những năm 60 của thế kỷ trước đã dám bước qua lời nguyền, theo cán bộ Hướng đi trồng cây lúa nước, không sợ cái ma rừng nó bắt.

Chiếc móc khóa tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả rất lớn cho công tác an ninh biên giới -Ảnh: A.D

Chiếc móc khóa tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả rất lớn cho công tác an ninh biên giới -Ảnh: A.D

Chuyện động viên, hướng dẫn cho bà con Vân Kiều vùng Hướng Lập trồng lúa nước của cán bộ Hướng nay đã thành một truyền kỳ trong biên niên sử của vùng đất này. Nhưng hơn nửa thế kỷ trước, điều đó còn hơn cả một cuộc cách mạng. Từ ngàn đời, người dân nơi đây coi cây lúa là cây thiêng của Giàng, không thể ngâm dưới nước, càng không thể bón phân chuồng cho lúa, sợ làm ô uế cây thiêng.

Cán bộ Hướng đã cùng chiến sĩ của đồn tìm nơi có nguồn nước để quây thành từng mảnh ruộng nhỏ, rồi ngâm ủ mạ, cấy thành ruộng. Ngày thu hoạch họ mời bà con đến chứng kiến, rồi làm lễ cúng cơm mới theo phong tục. Không gì thuyết phục bà con hơn là thấy tận mắt, sờ tận tay. Từ những mảnh ruộng nước đó, bây giờ cả vùng biên này có tới hàng trăm hecta lúa nước. Cán bộ Hướng thành “cha đẻ cây lúa nước” trong huyền thoại của dân bản.

Không chỉ đối với dân mình, khi đơn vị được lệnh giúp đỡ cách mạng Lào, hỗ trợ Nhân dân Lào các khu vực giáp biên, cán bộ, chiến sĩ đồn Cù Bai đã tận tụy lo cho bạn không khác gì lo cho dân mình. Sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào vô cùng ác liệt, hàng trăm hộ dân nước bạn bỏ bản chạy vào ẩn nấp trong các hang đá. Cán bộ, chiến sĩ đồn nhận nhiệm vụ vận động dân bạn rời hang tiếp tục canh tác, sản xuất.

Anh em vẫn kể về vụ ngô được mùa chưa từng thấy ở huyện Sê Pôn năm 1971 nhờ vào nguồn ngô giống của những người lính Công an vũ trang Cù Bai cung cấp. Không những thế, thời điểm ấy, nhiều người dân đau ốm do thiếu thuốc men chữa chạy, chỉ tính từng ngày sống, anh em đồn, đặc biệt là cán bộ Hướng đã tìm thuốc nam theo kinh nghiệm dân gian, cứu sống được nhiều người dân bạn Lào.

Những ân tình ấy thật sự thuyết phục và mang lại niềm tin cho dân. Năm 1973, khi ông Đào Xuân Hướng được phong Anh hùng LLVTND, người dân cả hai bên biên giới đều tổ chức ăn mừng, gọi ông là anh hùng của Nhân dân Việt - Lào.

Dòng hồi ức về anh hùng Đào Xuân Hướng và tấm lòng tận tụy cho dân từ nửa thế kỷ trước nay như thức dậy trong tôi khi thấy người dân và học sinh các bản biên giới quần tụ về đây vui chung ngày hội tuổi thơ. Tình quân dân keo sơn gắn bó ở biên giới này luôn được cụ thể hóa bằng từng câu chuyện, từng sự việc chứ không phải là câu chuyện chung chung.

Tận tụy vì dân” trước hết là thiết thực hiệu quả

Còn nhớ dịp Quốc khánh 2/9 năm 2023, một sáng kiến nhỏ của Đồn Biên phòng Hướng Lập về sau đã được nhân rộng ra hàng trăm bản vùng biên khác. Dịp lễ ấy, những người dân ở hai xã biên giới Hướng Lập, Hướng Việt được nhận quà để ăn “Tết Độc lập” của Đồn Biên phòng Hướng Lập trao tặng.

Ngoài những nhu yếu phẩm để chung vui dịp lễ, bà con còn được nhận lá cờ Tổ quốc để treo. Điều khiến tôi bất ngờ và xúc động đó là cái móc khóa. Một cái móc rất bình thường để móc chìa khóa xe máy, chìa khóa nhà, chìa khóa cổng...

Nhưng điều rất bất ngờ là trên cái móc khóa hình tròn ấy, một bên là biểu trưng của bộ đội biên phòng với người chiến sĩ tay cầm súng trên lưng ngựa đang phi nước đại, mặt kia là số điện thoại đường dây nóng của Đồn Biên phòng Hướng Lập. Một dòng chữ số điện thoại nhỏ nhoi trên chiếc móc khóa ấy thôi nhưng đã giúp bà con và cán bộ, chiến sĩ đồn giải quyết được bao nhiêu việc lớn.

Đại tá Nguyễn Nam Trung, Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy biên phòng Quảng Trị cho tôi biết đấy là sáng kiến của Đại úy Phan Văn Vĩnh, sĩ quan Đồn Biên phòng Hướng Lập. Hóa ra khởi đầu câu chuyện của món quà tặng này lại vô cùng giản dị, nhưng có ý nghĩa lớn.

Tình quân dân trên biên giới được nuôi dưỡng, vun đắp bằng nhiều hoạt động thiết thực -Ảnh: A.D

Tình quân dân trên biên giới được nuôi dưỡng, vun đắp bằng nhiều hoạt động thiết thực -Ảnh: A.D

Đại úy Vĩnh kể, một lần có người dân hớt hải chạy bộ về báo đi làm nương, để xe máy trên đường nhưng khi ra không còn xe nữa. Mà từ chỗ làm về đồn cách gần chục cây số. Hỏi: Sao không gọi điện thoại cho bộ đội biên phòng? Người dân thật thà: “Không biết số của đồn”. “Anh em địa bàn về bản đều để số điện thoại cho bà con lưu trong máy mà”. “Có lưu mà không biết tìm”.

Vậy đó, với người dân vùng cao, có khi tìm cái số điện thoại lưu trong máy còn khó hơn chạy bộ cả chục cây số đường núi. Vậy là cái móc khóa có số đường dây nóng của đồn ra đời. Giờ, nửa đêm vợ trở dạ mà trạm xá xã quá xa, dân bản liền a lô cho cán bộ biên phòng. Nhà trong bản có chuyện tranh chấp ranh giới rẫy, nhấc máy gọi đến đồn.

Phát hiện đối tượng lạ tuyên truyền bậy bạ, tất nhiên cũng a lô để cán bộ, chiến sĩ kịp thời nắm bắt vụ việc. Từ sáng kiến của Đại úy Phan Văn Vĩnh, câu chuyện cái móc khóa in số điện thoại đường dây nóng này đã được nhân rộng ra nhiều đồn biên phòng khác trong tỉnh, cả vùng núi và vùng biển.

Ngày 3/3, ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng năm ngoái, cũng tại bản Tà Păng, địa bàn Đồn Biên phòng Hướng Lập, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Năng lượng xanh, Công ty TNHH CEA PROJECTS tổ chức khánh thành công trình “Ánh sáng vùng biên”.

Gần một cây số đường qua bản được chiếu sáng bằng 30 bóng đèn năng lượng mặt trời với tổng số tiền hỗ trợ từ hai công ty là 150 triệu đồng. Một quãng đường không dài, kinh phí đầu tư không lớn nhưng ý nghĩa của nó với biên ải lại không hề nhỏ. Và câu chuyện về doanh nghiệp góp phần thắp sáng một góc bản biên giới chỉ là một ví dụ sinh động về câu chuyện “biên phòng toàn dân”, nghĩa là không chỉ người dân biên ải mà biên phòng toàn dân còn là câu chuyện của bất cứ người dân nào vẫn nặng lòng với chủ quyền Tổ quốc.

Không chỉ góp phần thay đổi diện mạo vùng biên giới, giúp bà con, Nhân dân và học sinh đi lại, vui chơi an toàn, đảm bảo an ninh trật tự, giảm thiểu tệ nạn xã hội, ánh sáng nơi biên ải như là niềm nhắc nhở về chủ quyền và nối kết câu chuyện “biên phòng toàn dân” mà những gì Đồn Biên phòng Hướng Lập làm cho dân là một điển hình.

Dài theo cung đường tuần tra biên giới, bằng cách này hay cách khác, lòng dân vẫn hướng về biên cương qua những cột đèn năng lượng thắp sáng rẻo cao, qua những tấm áo ấm hay ngôi trường mới cho con trẻ.

Người dân biên giới ngàn đời nay tự nguyện làm “những cột mốc sống” cho biên cương Tổ quốc, cùng các chiến sĩ biên phòng chung tay thắp sáng thêm niềm tin yêu vào cuộc sống, vào sự đổi mới, phát triển của bản làng.

An Du

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xuyen-suot-mot-mach-nguon-thuong-dan-190398.htm