Ý chí khởi nghiệp của những thanh niên người Mông Yên Bái

Sinh ra ở vùng núi nghèo, lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, những thanh niên dân tộc Mông đang tìm cho mình những lối đi riêng để khởi nghiệp trên mảnh đất quê nhà dẫu nhiều gian khó.

Anh Sùng A Dâu ở thôn Làng Ca, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn tỷ mỉ bọc từng trái ổi trước khi đưa đi tiêu thụ.

Anh Sùng A Dâu ở thôn Làng Ca, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn tỷ mỉ bọc từng trái ổi trước khi đưa đi tiêu thụ.

>> Xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”

Sùng A Dâu, 27 tuổi là thanh niên người Mông sinh ra và lớn lên ở thôn Làng Ca, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Đây là thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì xã, đường bê tông, điện đều không có. Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến người Mông nơi đây cứ mãi nghèo. Mong muốn thoát khỏi cảnh này, A Dâu nghĩ mình cần phải tìm ra một con đường khởi nghiệp, tạo được thu nhập, không thể chỉ trồng lúa, ngô để đủ ăn như hiện tại.

Nghĩ là làm, A Dâu tìm hiểu về các cây lâm nghiệp vì đất đồi cha mẹ còn trống. Quế, bồ đề, trẩu được A Dâu lựa chọn. Mỗi năm, tiền từ bán con lợn, đàn gà hoặc thu hoạch vụ măng sặt được A Dâu dành dụm mua cây giống rồi lại cần mẫn trồng và chăm sóc. Cứ tích cóp từng chút một, giờ đây, gia đình A Dâu đã có 5 ha đồi cây; trong đó, cây quế là 3 ha còn lại là trẩu, bồ đề. Để tạo thu nhập lấy ngắn nuôi dài, từ năm 2020, A Dâu đã mạnh dạn đưa cây ổi Đài Loan vào trồng trên đất Làng Ca.

A Dâu chia sẻ: "Đất này tơi xốp, ẩm nhiều nên trồng ngô thì bắp nhanh nảy mầm, cam thì dễ mắc bệnh, nhãn cũng không ưa khí hậu nên các mô hình thử nghiệm trước đây đều thất bại. Nhưng tôi không từ bỏ, tiếp tục tìm các giống cây khác đưa vào chuyển đổi. Tình cờ biết đến giống ổi Đài Loan, em nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc trên mạng Internet và thấy có tiềm năng nên tôi trồng thử nghiệm 90 gốc ổi. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm mít thái, cây sa nhân”.

Không phụ công người, sau 6 tháng cây đã cho quả, dù nhỏ nhưng vị ngọt, thơm. Đến nay, sự kiên trì, chịu khó đã bước đầu được đền đáp. A Dâu đã có đồi quế gần 10 năm tuổi, đồi trẩu, bồ đề 4 năm tuổi và vườn ổi 3 năm tuổi đang đều đặn ra trái mỗi ngày.

Quyết tâm khởi nghiệp trên mảnh đất quê nhà, chàng thanh niên 24 tuổi Giàng A Thành ở bản Dào Xa, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải lại lựa chọn loài địa lan trần mộng làm hướng đi. Trồng lan, điều tiên quyết cũng là khó khăn nhất là để lan nở đúng mùa tiêu thụ, đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm từ người trồng. Nhận thức rõ điều đó, A Thành đã tự nghiên cứu rất lâu và cũng mất nhiều thời gian thử nghiệm dù thất bại nhiều lần.

>> Chàng trai Mông và Dự án Ước mơ triệu cây xanh

A Thành chia sẻ: "Để hoa lan nở đúng vụ, cây phát triển khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, tôi rất cẩn thận từ khâu chuẩn bị đất, cây giống cho đến quá trình trồng, chăm sóc cây. Sau nhiều lần thất bại, tôi cũng đã rút ra cho mình kinh nghiệm về thời điểm tưới nước, phun thuốc, kích hoa, hãm hoa để hoa nở đúng dịp tết Nguyên đán khi mà thị trường chơi hoa có nhu cầu cao nhất”.

Cũng nắm được nhu cầu tiêu thụ trong huyện không lớn, nên A Thành còn chủ động giới thiệu, mời chào bán hàng trên mạng xã hội. Nhờ sự chia sẻ của cộng đồng, nhất là trang fanpage của tổ chức Đoàn, vườn địa lan của A Thành ngày càng được nhiều người biết đến.

Dịp tết 2023, A Thành bán ra thị trường gần 200 chậu, chủ yếu qua kênh online này, thu về 60 triệu đồng. Hiện tại, Thành còn hơn 400 chậu địa lan trong vườn và đang tiếp tục mở rộng quy mô, hứa hẹn vụ tết năm nay sẽ thành công hơn nữa.

Cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vượt lên khó khăn chính là đặc điểm chung của nhiều thanh niên dân tộc thiểu số nói chung và thanh niên người Mông nói riêng. Khởi nghiệp ở lĩnh vực nào cũng có những khó khăn, thách thức, nhưng với người Mông càng khó khăn hơn bởi địa hình sinh sống ở núi cao, khí hậu khắc nghiệt, tư tưởng tự cung, tự cấp đã trở thành lối mòn, cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều thiếu thốn.

Song, vượt lên tất cả, những thanh niên người Mông đã chứng minh nhiệt huyết, quyết tâm tạo thành công; có thể kể đến những cái tên đã thành công đầy ấn tượng như: Giám đốc trẻ Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải Giàng A Dê với mô hình du lịch cộng đồng cho thu nhập ổn định 30 triệu đồng/tháng. Giám đốc Công ty TNHH Hmông 4S Việt Nam Lảo A Củ đưa trang phục người Mông trở thành mặt hàng kinh doanh…

Và còn rất nhiều những thanh niên người Mông đang từng bước đặt những nền móng vững chắc trên con đường khởi nghiệp dù đơn giản chỉ là làm nông. Mỗi ý tưởng, mỗi bước đi trên hành trình phía trước còn nhiều chông gai, thử thách nhưng họ đã dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu để từng bước khẳng định mình và truyền cảm hứng cho đồng bào, cộng đồng xã hội.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/298701/y-chi-khoi-nghiep-cua-nhung-thanh-nien-nguoi-mong-yen-bai.aspx