Ý chí thoát nghèo

Lần đầu tiên, tại huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, gần 100 hộ dân ở hai xã Quang Chiểu và Mường Chanh viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Đây là một việc bình thường với các địa phương khác nhưng lại được xem là “kỳ tích” đối với Mường Lát, bởi tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”, “quen chịu khổ, chưa chịu khó”, không muốn thoát nghèo đã bám sâu trong tâm trí nhiều người, trở thành rào cản rất khó tháo gỡ trong hành trình xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Mường Lát là huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong 74 huyện nghèo của cả nước. Thực hiện chính sách giảm nghèo, các hộ nghèo không có nhà sẽ được hỗ trợ xây nhà, thiếu ăn được cấp gạo, đau ốm có bảo hiểm y tế, không phải nộp tiền điện, con em đi học được miễn, giảm học phí... “Sức hấp dẫn” của các chính sách giảm nghèo dẫn đến nhiều hộ dân từng không muốn thoát nghèo mà trông chờ các nguồn lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ảnh minh họa / TTXVN

Ảnh minh họa / TTXVN

Giờ đây, gần 100 hộ dân ở Mường Lát viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, đồng nghĩa với việc họ sẽ không còn được thụ hưởng những lợi ích từ chính sách ưu đãi mà phải tự lực, tự cường vươn lên. Thực tế cho thấy những hộ dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo ở Mường Lát không hẳn họ đã thực sự hết khó khăn, thiếu thốn mà vì họ nhận thức được trách nhiệm tự vươn lên trong cuộc sống, cao hơn nữa đó là ý thức trong việc sẻ chia, hỗ trợ những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình.

Kinh nghiệm trong công tác xóa đói, giảm nghèo đối với hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Lát nói riêng và cả nước nói chung đó là, cấp ủy, chính quyền các cấp phải nắm tình hình, am hiểu tâm lý, đặc tính, phong tục, tập quán của các dân tộc và các vùng miền để từ đó tổ chức tuyên truyền, vận động, gắn kết, tạo sự đồng thuận trong đồng bào các dân tộc thiểu số nỗ lực, tự tin vươn lên thoát nghèo.

Đồng thời, thường xuyên rà soát các chính sách đã ban hành, đánh giá những mặt được, mặt hạn chế, kịp thời khắc phục và điều chỉnh những bất cập trong thực hiện chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp thực tiễn, phù hợp đối tượng. Mục đích cuối cùng là tạo động lực, khuyến khích, cổ vũ đồng bào tự tin, tự lực, tự cường; chính sách là cho “cần câu” để đồng bào vươn lên, không phải cho “con cá” dẫn đến tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chờ chính sách.

Trên thực tế có một số địa phương, cá nhân không những không muốn thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo mà ngược lại, còn muốn được công nhận là hộ nghèo để được hưởng những chính sách ưu tiên, ưu đãi đầy “hấp dẫn”. Do vậy, việc gần 100 hộ dân huyện Mường Lát vừa tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, thoát khỏi “sức hấp dẫn” nói trên, thật đáng ghi nhận. Họ thực sự có quyết tâm và ý chí rất cao.

HOÀNG KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/y-chi-thoat-ngheo-789519