Ý đảm bảo an ninh tối đa cho Hội nghị thượng đỉnh G7
Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất đang được triển khai tại Ý trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ diễn ra tại vùng Apulia, phía Nam nước này từ ngày 13-15/6.
Theo Tân Hoa xã, Ý đã triển khai thêm khoảng 1.500 binh sĩ trên khắp đất nước để bảo vệ hội nghị trên, bổ sung vào con số 6.800 binh sĩ đã được triển khai trước đó, đồng thời tăng cường tạm thời các hoạt động kiểm soát biên giới tại tất cả các điểm nhập cảnh bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển, bao gồm cả các điểm nhập cảnh dành cho các quốc gia trong khu vực Schengen.
Ngoài ra, nước này cũng sẽ thực hiện các cuộc kiểm tra bổ sung xung quanh các khu vực nhạy cảm ở các tỉnh Bari và Brindisi cho đến 0 giờ (GMT) ngày 18/6.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này sẽ được tổ chức tại Borgo Egnazia, một khu nghỉ dưỡng gần thị trấn Fasano của Ý và sẽ có sự tham dự của lãnh đạo các nước như Canada, Mỹ, Anh, Ý, Pháp, Đức, Nhật Bản cũng như các nhà lãnh đạo của Hội đồng và Ủy ban châu Âu.
Chương trình nghị sự của hội nghị trên bao gồm 6 phiên họp về phát triển châu Phi và biến đổi khí hậu, tình hình ở khu vực Trung Đông, xung đột ở Ukraine, di cư, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và một phiên họp đặc biệt tập trung vào trí tuệ nhân tạo và năng lượng. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni sẽ chủ trì hội nghị.
Do các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua chứng kiến phe cực hữu gia tăng ảnh hưởng trên khắp châu Âu và tình hình bạo lực liên quan đến chính trị trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây, an ninh đang trở thành mối quan ngại lớn đối với Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Ý.
Theo báo tài chính Ý Il Sole 24 Ore, khoảng 20.000 người dự kiến sẽ tham dự hội nghị này cùng với 1.300 nhà báo. Bên cạnh đó, đại diện từ 10 quốc gia khác gồm Algeria, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Jordan, Kenya, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng đã được mời tham dự hội nghị.
Trong diễn biến liên quan, ngày 12/6, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỉ USD vào cuối năm nay.
Một quan chức tại Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ thỏa thuận đạt được trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 - diễn ra tại Ý từ ngày 13-15/6 với trọng tâm là vấn đề hỗ trợ Ukraine. Lãnh đạo các nước G7 nhất trí sử dụng tiền lãi từ tài sản bị phong tỏa của ngân hàng trung ương Nga ước tính 300 tỉ euro (325 tỉ USD) để hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp cho nước này khoản vay 50 tỉ USD.
Tuy nhiên, nguồn tin trên cho biết thêm nếu vì lý do nào đó mà tài sản của Nga được giải tỏa hoặc tiền lãi thu được từ những tài sản này không đủ để cấp khoản vay nói trên cho Ukraine, các nước sẽ phải cân nhắc cách thức chia sẻ trách nhiệm. Theo quan chức trên, ban đầu đây là sáng kiến của Mỹ và sau đó được các nước thảo luận.
Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 13/6 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Ý. Trong khi đó, Nga tuyên bố bất kỳ động thái nào chuyển hướng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của nước này đều là “hành vi chiếm đoạt tài sản,” vi phạm các quy tắc và chuẩn mực của hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế.
Báo chí Nga ngày 26/5 vừa qua dẫn lời Bộ trưởng Tài chính nước này Anton Siluanov tuyên bố Moscow sẽ đáp trả nếu các nước phương Tây “sử dụng bất hợp pháp" các tài sản của Nga.
Liên quan việc áp đặt trừng phạt Nga, ngày 12/6, Mỹ cho biết nước này đã mở rộng các biện pháp trừng phạt, trong đó nhắm vào cả các công ty có trụ sở tại Trung Quốc bán chất bán dẫn cho Nga.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, bộ này đang nhắm mục tiêu vào các công ty ở Hongkong (Trung Quốc) bán chất bán dẫn cho Nga, biện pháp có thể ảnh hưởng đến các mặt hàng ưu tiên cao của Moscow trị giá gần 100 triệu USD, trong đó có chip nhớ.
Một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ cho biết thêm bộ này cũng sẽ mở rộng danh sách các mặt hàng mà Nga không thể nhập khẩu từ các quốc gia khác, không chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ mà còn cả hàng hóa mang nhãn hiệu Mỹ, nghĩa là những sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ của nước này.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết đã áp đặt trừng phạt nhằm vào các tổ chức quan trọng của hệ thống tài chính Nga, trong đó có Sàn giao dịch chứng khoán Moscow (MOEX).
Theo một quan chức cấp cao của bộ này, MOEX và các công ty con liên quan đã tạo điều kiện cho khách hàng trốn tránh các biện pháp trừng phạt bằng cách che giấu danh tính của họ. Sau khi Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, MOEX đã buộc phải đình chỉ ngay lập tức các giao dịch bằng đồng USD và euro.
Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo các tổ chức tài chính nước ngoài có thể mất quyền truy cập hệ thống tài chính nước này nếu giao dịch với nền kinh tế Nga. Bộ này cũng đang tiến tới hạn chế ngành kỹ thuật quân sự Nga khai thác một số dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm của Mỹ, đồng thời cùng với Bộ Ngoại giao trừng phạt hơn 300 cá nhân và thực thể tại Nga và nước ngoài, trong đó có châu Á, châu Âu và châu Phi.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)