Ý Đảng, lòng dân nơi biên cương (bài 3)

Việc Ban Bí thư ban hành Kết luận 68 đã góp phần quan trọng tăng thêm sức mạnh cho tổ chức đảng ở khu vực biên giới; đồng thời, phát huy tốt vai trò tham mưu của BĐBP đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo xây dựng nền biên phòng toàn dân của các cấp ủy đảng ở khu vực biên giới.

Bài 3: Nâng cao năng lực lãnh đạo xây dựng nền biên phòng toàn dân của các cấp ủy đảng ở khu vực biên giới

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm” và từ thực tế tình hình hệ thống chính trị cũng như yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nền biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới, Đảng ủy BĐBP đã phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ninh cử cán bộ đồn Biên phòng tham gia huyện ủy các huyện biên giới. Sau khi tổng kết, rút kinh nghiệm, Đảng ủy BĐBP đã thống nhất với Tỉnh ủy Quảng Ninh đề xuất Ban Bí thư ban hành Kết luận số 68-KL/TW ngày 5/2/2020 (gọi tắt là Kết luận 68) về việc tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng vào cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới để triển khai trên phạm vi toàn quốc, được các tỉnh, thành ủy biên giới đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Đồng thời, chủ trương giới thiệu đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ các xóm, bản cũng tiếp tục được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, bài bản, rõ yêu cầu, nhiệm vụ, phương pháp công tác.

Cán bộ BĐBP Lai Châu hướng dẫn đồng bào dân tộc Mảng ở xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu trồng lúa nước. Ảnh: Nguyễn Kiên

Cán bộ BĐBP Lai Châu hướng dẫn đồng bào dân tộc Mảng ở xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu trồng lúa nước. Ảnh: Nguyễn Kiên

Việc Ban Bí thư ban hành Kết luận 68 đã góp phần quan trọng tăng thêm sức mạnh cho tổ chức đảng ở khu vực biên giới; đồng thời, phát huy tốt vai trò tham mưu của BĐBP đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo xây dựng nền biên phòng toàn dân của các cấp ủy đảng ở khu vực biên giới.

Với thực hiện Kết luận 68 của Ban Bí thư, quy chế phối hợp với 44 Tỉnh ủy, Thành ủy biên giới và Chỉ thị 681, BĐBP đã có một đội ngũ cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy các địa phương, cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ xóm, bản biên giới và đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới với gần 13 nghìn đồng chí. Đây thực sự là những nhân tố quan trọng làm công tác tham mưu và tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, Quân đội và BĐBP; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tạo sự đồng bộ, liên hoàn trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh

Nhằm tăng cường sự phối hợp, thống nhất trong lãnh đạo của cấp ủy địa phương với Đảng ủy BĐBP tỉnh, thành phố đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Đảng ủy BĐBP đã chỉ đạo Đảng ủy BĐBP Quảng Ninh tham mưu cho Tỉnh ủy Quảng Ninh xây dựng Đề án số 174-ĐA/TU về "Thí điểm chỉ định, bổ sung đồn trưởng, chính trị viên đồn Biên phòng tham gia cấp ủy các huyện, thành phố biên giới, biển, đảo của tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020".

Sau khi Đề án được Ban Bí thư đồng ý chủ trương (tại Công văn số 3389-CV/VPTW ngày 1/3/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo Đảng ủy BĐBP tỉnh phối hợp với 5 huyện, thành ủy biên giới, hải đảo (Bình Liêu, Hải Hà, Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái) quán triệt, triển khai thực hiện Đề án, lựa chọn những đồng chí cán bộ chủ trì đồn Biên phòng có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, có tinh thần trách nhiệm cao tham gia cấp ủy các huyện: Bình Liêu, Hải Hà, Cô Tô, Vân Đồn và thành phố Móng Cái.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Quy định số 11-QĐ/TU quy định về chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cán bộ BĐBP tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thành phố biên giới, biển đảo. Các huyện ủy, thành ủy nơi có cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy đã bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, giao nhiệm vụ cụ thể cho đồng chí cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng phù hợp với chức trách, nhiệm vụ...

Sau 2 năm triển khai, các đồng chí cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện ở tỉnh Quảng Ninh đã giúp cấp ủy cấp huyện nắm chắc tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh biên giới, biển đảo, tình hình dân tộc, tôn giáo và những vấn đề bức xúc nổi lên trong nhân dân... nhanh và sát với tình hình thực tế. Đồng thời, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP tỉnh với các huyện ủy, thành ủy được thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả hơn...

Và sau 2 năm thực hiện chủ trương thí điểm tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện biên giới, hải đảo ở tỉnh Quảng Ninh, ngày 5/2/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 68, đồng ý chủ trương thực hiện tăng thêm cấp ủy viên cấp huyện, xã (không tính vào số lượng cấp ủy theo quy định) là cán bộ đồn Biên phòng tại các huyện biên giới, hải đảo trong cả nước.

Thực hiện Kết luận 68 của Ban Bí thư và tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ tăng cường xã, hiện nay, BĐBP đang triển khai 165 đồng chí (gồm 122 đồn trưởng, 42 chính trị viên, 1 cán bộ tăng cường xã) tham gia cấp ủy cấp huyện; 517 đồng chí (71 cấp đồn, 193 cấp đội, 253 cán bộ tăng cường xã) tham gia cấp ủy cấp xã. Bên cạnh đó, BĐBP có 2.388 đồng chí đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản biên giới; 9.402 đồng chí đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới.

Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo xây dựng nền biên phòng toàn dân của các cấp ủy, tổ chức đảng khu vực biên giới

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Kết luận 68 của Ban Bí thư cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn, mang tính cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản, chiến lược lâu dài góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đồng thời, đội ngũ cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy địa phương đã cùng với đội ngũ cán bộ tăng cường xã, đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản biên giới, đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tham mưu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân khu vực biên giới trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Qua đó, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến thôn, bản không ngừng được củng cố, kiện toàn; tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực thông qua các mô hình của đồn Biên phòng giúp đỡ.

Kết quả, đội ngũ cán bộ BĐBP này đã cùng với các đồn Biên phòng tham gia củng cố 2.528 tổ chức đảng, 2.282 tổ chức chính trị xã hội, giúp dân 61.472 ngày công; thăm hỏi, tặng quà nhân dân 26,9 tỷ đồng; mở 35 lớp xóa mù chữ, lớp học tình thương cho 591 học viên; giúp dân xóa đói, giảm nghèo 3.643 hộ; khám, chữa bệnh cho 116.234 người, cấp thuốc miễn phí trị giá 7,575 tỷ đồng; tham mưu tổ chức kết nghĩa 207 cặp cụm dân cư hai bên biên giới...

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, đội ngũ này đã cùng với cán bộ, chiến sĩ BĐBP tham mưu, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới; tổ chức cho bà con ký cam kết không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động đưa dẫn người xuất, nhập cảnh trái phép để ngăn chặn dịch bệnh lan truyền qua biên giới.

Chia sẻ về kết quả thực hiện Kết luận 68 của Ban Bí thư, Chỉ thị 681 của Thường vụ Đảng ủy BĐBP trong BĐBP Nghệ An, Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Hiện tại, đơn vị có 6 đồng chí tham gia cấp ủy 6 huyện biên giới đất liền của tỉnh và đều có trình độ chuyên môn đại học, trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên. 26/27 cán bộ tăng cường xã giữ chức danh Phó Bí thư. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ tham gia cấp ủy xã, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực đối với 27 cán bộ tăng cường xã và 16 cán bộ dự nguồn cán bộ tăng cường xã.

Do đó, đội ngũ cán bộ BĐBP Nghệ An tham gia cấp ủy địa phương đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các huyện, xã biên giới lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tham mưu chỉ đạo, phối hợp giải quyết có hiệu quả các vụ việc liên quan đến tình hình an ninh, trật tự, không để xảy ra "điểm nóng" trên địa bàn biên giới và tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 27/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và vùng biển của tỉnh Nghệ An trong tình hình mới; phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới.

Đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền huyện, xã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 88 tổ, 916 hộ gia đình, 2.102 cá nhân tự quản đường biên; 69 tổ, 864 hộ gia đình, 2.322 cá nhân tự quản mốc quốc giới; 293 tổ/2.771 người tự quản an ninh trật tự thôn, bản. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tham gia cấp ủy cấp huyện, xã đã tích cực tham mưu triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn biên giới gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn như: Đề án “Nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tuyến biên giới phía Tây Nghệ An, giai đoạn 2012 - 2015 và những năm tiếp theo”; Đề án “Xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản, cung cấp con giống cho nông dân khu vực biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015 - 2018 và những năm tiếp theo"...

Có thể khẳng định, việc đưa hơn 13 nghìn đồng chí cán bộ, đảng viên tăng cường thực hiện nhiệm vụ theo Kết luận 68 của Ban Bí thư; Chỉ thị 681 và Quy chế phối hợp với các Tỉnh ủy, Thành ủy là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP để cùng với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương xây dựng tiềm lực kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội cho vùng biên giới và việc chăm lo đời sống nhân dân cũng là biện pháp quan trọng để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên Biên phòng đã trở thành cầu nối để chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến với đồng bào các dân tộc nơi biên giới; góp phần tạo được sự đồng thuận thống nhất cao, gắn bó, phối hợp chặt chẽ giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, trên các cương vị công tác, đội ngũ cán bộ tăng cường xã, đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản biên giới, đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới của BĐBP, những người lính “một đôi vai gánh hai trọng trách” đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, rào cản bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán để bám làng, bám bản, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm được giao, cùng cấp ủy các chi bộ, thôn, bản, xã, phường, thị trấn biên giới đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên; đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các xã biên giới.

Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền ở các xã, phường biên giới, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, Quân đội và BĐBP. Đồng thời, huy động được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân ở khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững chắc, phục vụ sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/y-dang-long-dan-noi-bien-cuong-bai-3-post465390.html