Ý đồ của Iran sau vụ bắt tàu dầu kiểu 'ăn miếng trả miếng'
Vụ bắt giữ tàu Stena Impero chứng tỏ ý đồ của Iran không muốn bị coi là yếu ớt.
Một thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) hét to "Allahu akbar" (Đấng Allah vĩ đại nhất) khi các xuồng máy quây quanh con tàu chở dầu mang cờ Anh và một trực thăng thả binh lính xuống tàu.
Vụ việc tái hiện cách thức người Anh chặn bắt tàu dầu Grace 1 của Iran hồi đầu tháng ngoài khơi Gibraltar. Sau đó, Tehran tung ra hình ảnh chiến dịch khống chế tàu Stena Impero ở Eo biển Hormuz, để chứng minh nước này không đùa khi dọa trả đũa Hải quân Hoàng gia Anh.
"Nợ máu thì phải trả bằng máu là tư tưởng của chúng tôi. Một con mắt của người Mỹ hay một bàn tay châu Âu không giá trị hơn một con mắt hay một bàn tay Iran. Iran sẽ không để cán cân quyền lực bị phá vỡ trong khu vực, vì điều đó chẳng khác gì cái chết của chúng tôi. Nếu chúng tôi để Anh đối xử bất công với mình lúc này thì những nước khác sẽ làm theo", tạp chí Financial Times dẫn lời Mohammad-Sadegh Javadi-Hesar, một chính trị gia chủ trương cải cách, tuyên bố.
Clip tàu Stena Impero nằm trong tay Iran với quốc kỳ nước này bay trên tháp tàu.
Các lãnh đạo Iran khẳng định luôn tận tâm với các giải pháp ngoại giao, không muốn gây căng thẳng hay chiến tranh với Mỹ hoặc các nước phương Tây khác. Tuy vậy, họ khẳng định sẽ đáp trả bất kỳ hành động xâm lược nào.
Iran tuyên bố việc Anh bắt giữ tàu dầu Grace 1 là làm theo mệnh lệnh từ Washington, để đáp trả việc IRGC bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ. Phía Anh bác bỏ cáo buộc này, cảnh báo việc bắt tàu Stena Impero là một hành động thù địch, đặt Iran vào "con đường nguy hiểm" và nước này sẽ phản ứng "có cân nhắc nhưng mạnh mẽ". London cũng khuyến cáo các tàu của Anh hãy tránh xa khu vực kể từ giờ.
Iran phủ nhận cáo buộc của Anh rằng tàu dầu Grace 1 của nước này chuyển dầu tới Syria vi phạm lệnh cấm của EU. "Đó là lời nói dối trắng trợn của Anh. Đây có phải tàu dầu đầu tiên bị nghi ngờ chở dầu đến trong cả chục năm chiến tranh ở Syria?", Saeed Laylaz, một chuyên gia phân tích về kinh tế chính trị Iran, lập luận.
Trong khi công khai thừa nhận hành động để trả đũa, Iran cũng lý giải Stena Impero vi phạm các quy định hàng hải quốc tế khi gây ô nhiễm ở vùng biển huyết mạch, tắt thiết bị theo dõi để tránh né lực lượng Iran và đâm vào một tàu cá.
"Anh có một chiến lược Iran mới, và đến lúc này là nước duy nhất trên thực tế đã tham gia giúp Mỹ xâm lược Iran. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài phản ứng và nhắc nhở Anh rằng đây không phải là năm 1953", ông Laylaz nói thêm, nhắc đến năm Anh hợp tác với Mỹ lật đổ chính quyền Mohammad Mosaddegh.
Theo Financial Times, vụ bắt giữ tàu Stena Impero diễn ra 24 giờ sau khi Washington thông báo bắn hạ một máy bay Iran lượn quá sát một tàu chiến của Mỹ ở Eo Hormuz. Tehran khẳng định không mất máy bay nào.
Căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây tăng cao kể từ năm ngoái, khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc năm 2015, và tái áp đặt trừng phạt lên nước Cộng hòa Hồi giáo. Hành động của Mỹ làm giảm mạnh thu nhập của Iran từ dầu lửa, vốn là xương sống của nền kinh tế nước này.
Tehran vẫn duy trì thỏa thuận nhưng dần giảm bớt tuân thủ các giới hạn làm giàu uranium, gây sức ép đòi các nước tham gia ký kết, trong đó có Anh, Pháp và Đức, phải thực hiện các cam kết về kinh tế như đã hứa.
Giới phân tích nhận định, Iran sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp chính trị cho bế tắc hiện thời, có thể bao gồm đàm phán với Mỹ. Nhưng Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, trong chuyến đi mới đây tới New York dự cuộc họp của Liên Hợp Quốc, khẳng định sẽ không có đối thoại nào với Washington chừng nào cấm vận vẫn tồn tại.
Cũng theo các chuyên gia, nếu Iran tỏ ra yếu ớt về kinh tế hoặc quân sự thì sẽ càng ít khả năng Mỹ sẽ nhượng bộ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.
"Chúng tôi phải chứng tỏ mình qua những cuộc xung đột giới hạn mà chúng tôi có thể thực hiện được chính sách ngăn chặn và đáp trả bất kỳ hành động gây hấn nào, dù đó là bởi máy bay không người lái của Mỹ hay tàu dầu Anh", Financial Times dẫn lời Hamid-Reza Taraghi, một chính trị gia gần gũi với các nhóm cứng rắn của Iran. "Nhưng nếu kẻ thù cứ tiếp tục gây hấn, thì cách tiếp cận phòng thủ và trả đũa của Iran sẽ chuyển thành cách tiếp cận phủ đầu".
Iran tuyên bố sẽ không dung thứ cho bất kỳ quốc gia phương Tây hay khu vực nào giúp Mỹ tăng thêm sức ép, đặc biệt là cho sử dụng các căn cứ và năng lực quân sự của họ. Theo ông Taraghi, Iran đã thông báo với các nước trong vùng rằng nếu họ cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ để tấn công vào Iran thì họ cũng bị nước Cộng hòa Hồi giáo coi như kẻ thù, và vì thế sẽ bị trả thù.
"Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các nước trong khu vực, trong đó có Ảrập Xêút, rằng họ sẽ không dính đến bất kỳ cuộc chiến nào của Mỹ với Iran", ông Taraghi cho biết.
Tehran khẳng định có đủ năng lực để tìm ra cách phá vỡ các đòn trừng phạt. Giới phân tích chỉ ra rằng xuất khẩu dầu của Iran đang hồi phục nhẹ từ mức thấp của những tháng gần đây.
Iran cũng liên tục dọa sẽ làm cho trao đổi dầu thô trở nên bất ổn và đắt đỏ với tất cả các bên nếu dòng chảy dầu bị phá vỡ.
"Mua bán dầu lửa giờ đây đắt đỏ với Anh hơn là với Iran do bảo hiểm và chi phí cho hộ tống quân sự tăng cao", ông Taraghi lập luận. "Việc bắt giữ tàu dầu [mang cờ Anh] là một thông điệp gửi tới Mỹ và Anh: Nếu các người tấn công một, các người sẽ nhận lại 10".