Ý đồ của ông Kim Jong Un
Ngày 17/1 đánh dấu lần phóng tên lửa thứ tư của Triều Tiên trong tháng 1, đặt thêm thách thức cho Mỹ và các đồng minh ở châu Á.
Trong diễn biến mới nhất, Triều Tiên cho biết họ đã phóng hai tên lửa dẫn đường chiến thuật vào ngày 18/1. Theo hãng tin KCNA, lần thử này "để đánh giá các tên lửa dẫn đường chiến thuật đang có, và tính chính xác của hệ thống vũ khí".
Đây cũng là lần phóng tên lửa thứ tư của Triều Tiên chỉ trong hơn hai tuần. Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trực tiếp giám sát vụ phóng ngày 11/1. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 mà ông Kim chính thức thị sát một cuộc thử nghiệm tên lửa.
Bà Soo Kim, cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết những cuộc thử nghiệm nhằm chứng tỏ năng lực tấn công các đồng minh của Mỹ, gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, qua đó gây áp lực lên chính quyền ông Biden phải có những đối sách mới về vấn đề Triều Tiên, theo Bloomberg.
Tái khẳng định lập trường
Trong tháng này, Triều Tiên phóng hai tên lửa siêu vượt âm, được thiết kế để bay với tốc độ cao và khả năng cơ động nhằm né tránh sự đánh chặn của Mỹ.
Dù chưa có cuộc gặp chính thức, các buổi thảo luận giữa Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn diễn ra liên tục.
Theo Diplomat, mỗi vụ thử tên lửa của Triều Tiên đều có hai động lực cơ bản.
Thứ nhất, Bình Nhưỡng muốn tái khẳng định những điều kiện tiên quyết cần phải được đáp ứng trước bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Đồng thời, ông Kim muốn kiểm tra phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc với những vụ phóng tên lửa, để xem hai nước sẽ chấp nhận Triều Tiên có nguyện vọng quân sự chính đáng hay không.
Bên cạnh đó, Triều Tiên thường canh thời điểm phóng tên lửa trước các sự kiện chính trị.
Hồi đầu tháng, Bình Nhưỡng phóng tên lửa siêu thanh vài giờ trước khi Tổng thống Moon Jae In dự lễ động thổ tuyến đường sắt gần biên giới. Vụ phóng tên lửa là lời đáp trả nỗ lực kêu gọi hòa giải của ông Moon trong những tháng cuối nhiệm kỳ.
Sức ép lên chính quyền ông Biden
Chính quyền Tổng thống Biden nhiều lần kêu gọi ông Kim ngồi vào bàn đàm phán và cho biết Washington có thể đưa ra những ưu đãi kinh tế để đổi lấy giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Triều Tiên cho biết chỉ đàm phán nếu Washington chủ động dỡ bỏ những lệnh trừng phạt trước.
Bình Nhưỡng cũng chỉ trích Hàn Quốc về những lần phóng tên lửa, cáo buộc Seoul và Washington mang “tiêu chuẩn kép”.
Dù đồng ý tiến tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên sau cuộc hội đàm năm 2018, ông Kim Jong Un hiện không cho thấy động thái sẽ chịu đàm phán với chính quyền Biden.
Thay vào đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân, thử nghiệm những hệ thống tên lửa mới có thể triển khai nhanh và cơ động, nhằm né máy bay đánh chặn của Mỹ trong khu vực.
Trong những vụ phóng tên lửa gần đây, Triều Tiên tung ra loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, được thiết kế để đánh bại những hệ thống phòng thủ trong khu vực.
Các quan chức Bình Nhưỡng ủng hộ tăng cường các cuộc thử nghiệm để gây áp lực lên chính quyền ông Biden, buộc tổng thống Mỹ phải thay đổi lập trường.
"Với Bình Nhưỡng, các hành động khiêu khích là cách duy nhất thu hút sự chú ý của Washington", chuyên gia Nam Sung Wook của Đại Học Hàn Quốc tại Seoul, cho biết, theo AP.
Triều Tiên cảnh báo sẽ có "phản ứng mạnh mẽ và chắc chắn" sau khi Mỹ trừng phạt các cá nhân liên quan đến chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Phía Triều Tiên cho rằng các vụ thử tên lửa siêu vượt âm là “quyền hợp pháp” nhằm tăng khả năng tự vệ.
“Ông Kim Jong Un có lẽ muốn biết xem đến thời điểm nào Mỹ sẽ nhượng bộ? Với mỗi lần thử tên lửa thành công, ông Kim nhận thấy mình đang tiến gần hơn tới thời điểm đó”, bà Soo Kim nói.
Những vụ phóng tên lửa là động thái nhắc nhở chính quyền ông Biden rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn là một trong những thách thức đối ngoại với Washington.
Theo Hill, Nhà Trắng đã không đưa ra những điều kiện tiên quyết, trước khi lôi kéo ông Kim ngồi vào bàn đàm phán.
Những vụ phóng tên lửa gần đây đang thách thức lập trường của ông Biden. Tổng thống Mỹ có lẽ sẽ sớm phải đưa ra những hành động cụ thể trong bối cảnh mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng tăng.
"Mong muốn Triều Tiên chịu nối lại đàm phán mà không đưa trước những điều kiện cho Bình Nhưỡng dường như là điều bất khả thi", Jacob Stokes, chuyên gia tại Indo-Pacific Security Program, nói.
Các chuyên gia cho rằng Chính quyền ông Biden đã không còn đặt Triều Tiên nằm hàng đầu trong danh sách ưu tiên cho đối ngoại, khi so sánh với thách thức từ phía Nga ở biên giới Ukraine, thỏa thuận hạt nhân Iran, và khủng hoảng ở Afghanistan.
Năm ngoái, Bình Nhưỡng cáo buộc chính quyền ông Biden “mải mê đối đầu bất chấp tuyên bố sẽ đối thoại”.
Khi đàm phán Mỹ - Triều được thực hiện dưới nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump, phía Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải bãi bỏ vũ khí hạt nhân đặt trong khu vực, trước khi Bình Nhưỡng giải trừ vũ khí.
Dù Washington dỡ bỏ vũ khí hạt nhân trên đất liền đặt tại Hàn Quốc năm 1991, nền kinh tế số một thế giới vẫn duy trì máy bay ném bom mang đầu đạn hạt nhân đặt tại căn cứ ở Guam - nơi quân đội Mỹ có thể tiếp cận Triều Tiên - cũng như trang bị tên lửa hạt nhân cho tàu ngầm.
Những thách thức trong nước
“Triều Tiên thường phóng tên lửa để phát triển khả năng của vũ khí và duy trì thế sẵn sàng hoạt động. Lần phóng gần nhất dường như khẳng định điều này”, ông Ankit Panda, chuyên gia của Carnegie Endowment for International Peace, nói với BBC.
Tuy nhiên, tần suất phóng tên lửa liên tục trong tháng một dường như phản ánh việc nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng muốn đạt thỏa thuận để thoát khỏi tình trạng kinh tế suy thoái và bị quốc tế cô lập.
Đây dường như là thời điểm khó khăn nhất của ông Kim trong một thập kỷ lãnh đạo.
Ông Kim thừa nhận đất nước đang phải đối mặt với “cuộc đấu tranh sinh tử vĩ đại”. AP dẫn lời nhà phân tích Du Hyeogn Cha cho rằng các vụ thử tên lửa gần đây như tín hiệu về sức ép ông Kim Jong Un phải được thỏa thuận với Mỹ trong năm này.
Trong cuộc họp bàn chính sách của đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim nói rằng đất nước nên tập trung giảm tình trạng thiếu lương thực và ngăn chặn Covid-19.
Việc quốc gia này tự phong tỏa để đối phó với đại dịch đã cắt đứt tuyến thương mại với Trung Quốc, đồng minh kinh tế quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.
Theo ước tính từ Hàn Quốc, thương mại Triều Tiên - Trung Quốc đã giảm 80% trong năm 2020. Đây là mức sụt giảm lớn kể từ năm 1997, nguyên nhân phần lớn đến từ sản lượng ngũ cốc giảm kỷ lục.
Các báo cáo gần đây cho biết thương mại hai nước sẽ sớm được khôi phục. Hãng Yonhap dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết chuyến tàu từ Triều Tiên đến Trung Quốc đã quay trở lại vào ngày 17/1. Dù không rõ trên tàu có gì, nguồn tin nói rằng đó có thể là nhu yếu phẩm, vật tư y tế, và các vật phẩm cứu trợ.
Thời điểm nhạy cảm
Chad O'Carroll, nhà phân tích về Triều Tiên viết trên Twitter rằng Trung Quốc có thể không vui khi những cuộc thử nghiệm diễn ra trước thềm khai mạc Olympics Bắc Kinh, sẽ được tổ chức vào tháng hai, theo BBC.
"Nếu điều này tiếp diễn, chúng ta không nên loại trừ khả năng Triều Tiên đang không hài lòng với Trung Quốc về điều gì đó", ông Chad O'Carroll cho biết.
Theo ông Panda, Bắc Kinh có thể không vui, nhưng họ có thể bỏ qua vì không có thử nghiệm vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa - những thứ Bắc Kinh coi là “lằn ranh đỏ”.
Tuy nhiên, ông Du Hyeogn Cha cho rằng Bình Nhưỡng có thể quay trở lại thử nghiệm những vụ nổ hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, sau khi Olympics Bắc Kinh kết thúc.
Phía Triều Tiên sẽ canh thời điểm để tiến hành các cuộc thử nghiệm, nhằm tối đa hóa các động cơ chính trị. Điều này dấy lên lo ngại về những cuộc thử nghiệm quy mô lớn trước thềm bầu cử tổng thống Hàn Quốc, hay cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/y-do-cua-ong-kim-jong-un-post1290375.html