Ý đồ của ông Trump đằng sau đòn thuế đối ứng

Thuế đối ứng của Tổng thống Trump mở ra chương mới đầy tham vọng cho thương mại Mỹ nhưng không kém phần tranh cãi.

Chiều 2/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.

Việc áp thuế đối ứng này là một phần trong cam kết tranh cử quan trọng của ông Trump, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thuế suất của Mỹ và mức thuế mà ông cho rằng các quốc gia khác đang áp đặt không công bằng lên hàng hóa Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế không hoàn toàn đồng tình với vị Tổng thống Mỹ, bởi thuế quan thực chất là một loại thuế đánh vào nhà nhập khẩu, và thường bị đẩy sang người tiêu dùng.

Dẫu vậy, động thái này có thể tạo áp lực buộc các nước khác phải đàm phán và giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ.

Lập luận của ông Trump

Theo thông tin từ Nhà Trắng, chính sách thuế đối ứng là nỗ lực nhằm đối phó với sự chênh lệch thuế quan và các rào cản phi thuế quan mà Mỹ phải chịu từ các đối tác thương mại.

Nhà Trắng cho biết rằng thâm hụt thương mại kéo dài - vượt mốc 1.200 tỷ USD trong năm 2024 - đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Sản xuất bị dịch chuyển ra nước ngoài, tầng lớp trung lưu suy yếu, các thị trấn nhỏ của Mỹ dần mất đi sức sống, trong khi các nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc lại trỗi dậy.

Đặc biệt, các chính sách kinh tế bất lợi từ đối tác thương mại đang đe dọa khả năng sản xuất hàng hóa thiết yếu của Mỹ, từ nhu cầu dân sự như đồ gia dụng đến quân sự như vũ khí, gây nguy cơ cho an ninh quốc gia.

 Ông Trump khẳng định thuế đối ứng là cách để bảo vệ doanh nghiệp, người lao động Mỹ và khắc phục những bất công trong thương mại toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Ông Trump khẳng định thuế đối ứng là cách để bảo vệ doanh nghiệp, người lao động Mỹ và khắc phục những bất công trong thương mại toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Một điểm đáng chú ý khác là gánh nặng thuế giá trị gia tăng (VAT) mà các công ty Mỹ phải chịu khi xuất khẩu. Theo ước tính nội bộ, các công ty Mỹ phải trả hơn 200 tỷ USD mỗi năm cho thuế giá trị gia tăng (VAT) tại các nước khác - một gánh nặng “kép” khi hàng hóa Mỹ bị đánh thuế ở biên giới châu Âu, trong khi hàng châu Âu vào Mỹ lại được miễn thuế tương tự.

“Tiếp cận thị trường Mỹ là đặc quyền, không phải quyền lợi đương nhiên”, ông Trump tuyên bố, khẳng định đây là “tình trạng khẩn cấp” đòi hỏi hành động quyết liệt.

Mục tiêu của chính sách này, theo Nhà Trắng, còn hướng đến việc mang lại việc làm lương cao cho người Mỹ, sản xuất những chiếc xe hơi, đồ gia dụng và sản phẩm tuyệt vời “Made in USA”.

Theo những lập luận đến của Nhà Trắng và ông Trump, thuế quan đối ứng là chính lời hứa then chốt giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, và giờ đây, ông đang thực hiện lời hứa ấy để đưa nước Mỹ bước vào một thời kỳ vàng son mới.

Người giàu hưởng lợi

Thuế quan là một khoản thuế đánh vào hàng nhập khẩu, được thu tại biên giới Mỹ bởi Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới. Toàn bộ số tiền này - ước tính khoảng 80 tỷ USD trong năm ngoái - được chuyển vào ngân khố liên bang để trang trải chi tiêu chính phủ. Tuy nhiên, quyền quyết định chi tiêu số tiền này thuộc về Quốc hội.

Tổng thống Donald Trump, với sự hậu thuẫn của các nghị sĩ Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện và Hạ viện, muốn sử dụng khoản thu này để bù đắp cho kế hoạch giảm thuế mà theo các nhà phân tích, chủ yếu mang lại lợi ích cho giới nhà giàu, AP cho biết.

Cụ thể, ông muốn gia hạn các chính sách cắt giảm thuế đã được thông qua trong nhiệm kỳ đầu và dự kiến hết hạn vào cuối năm 2025. Theo nghiên cứu của Tax Foundation - một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái tại Washington - nếu gia hạn các chính sách thuế này, chính phủ Mỹ có thể thất thu tới 4.500 tỷ USD từ 2025-2034.

Ông Trump hy vọng nguồn thu từ thuế nhập khẩu sẽ giúp bù đắp phần hụt thu này. Một tổ chức nghiên cứu khác, Trung tâm Chính sách Thuế (Tax Policy Center) cho rằng dù người dân ở mọi mức thu nhập đều được hưởng lợi, nhưng những hộ gia đình có thu nhập cao sẽ được hưởng nhiều hơn cả.

Cụ thể, 10% người giàu nhất có thể thấy thu nhập sau thuế tăng thêm 5%, trong khi 80% dân số còn lại chỉ nhận được mức tăng dưới 1%. Điều này dấy lên lo ngại rằng thuế quan - vốn được quảng bá là bảo vệ người lao động Mỹ - cuối cùng lại chủ yếu phục vụ tầng lớp thượng lưu.

"Đánh trước, đàm sau"

Ngoài ra, nhìn rộng hơn sang cả nhiệm kỳ đầu của ông Trump, có thể thấy chiến lược áp thuế đối ứng thể hiện rõ sự linh hoạt và “hiểu luật” của ông trong trò chơi quyền lực, cả trong nước lẫn quốc tế.

Thuế đối ứng không phải là một ý tưởng mới nảy ra. Một bài báo của tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin tiết lộ rằng trong nhiệm kỳ cầm quyền trước của ông Trump, ông Peter Navarro, người giữ vai trò cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất, đã hậu thuẫn ý tưởng này.

Ông Navarro kêu gọi các nghị sĩ dành sự ủng hộ cho một dự luật thuế quan có đi có lại được khởi xướng bởi nghị sĩ Cộng hòa Sean Duffy - người hiện là Bộ trưởng Bộ Giao thông trong chính quyền Trump 2.0.

 Khẩu hiệu “mắt đối mắt, thuế quan đối thuế quan, bằng chính mức thuế đó” trở thành biểu tượng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ảnh: Reuters.

Khẩu hiệu “mắt đối mắt, thuế quan đối thuế quan, bằng chính mức thuế đó” trở thành biểu tượng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ảnh: Reuters.

Đến tháng 6/2023, ông Trump cam kết nếu tái đắc cử, ông sẽ thuyết phục Quốc hội thông qua đạo luật cho phép áp thuế tương xứng với mức thuế mà các quốc gia khác áp lên hàng hóa Mỹ.

Khẩu hiệu “mắt đối mắt, thuế quan đối thuế quan, bằng chính mức thuế đó” đã trở thành biểu tượng trong chiến dịch tranh cử của ông. Điểm khác là kế hoạch mà ông Trump đưa ra sau khi lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai thậm chí còn rộng hơn ý tưởng ban đầu.

Bên cạnh đó, việc áp thuế có thể thấy được sự nhuần nhuyễn trong việc tận dụng quyền lực Tổng thống và nhánh hành pháp.

Thực tế, Hiến pháp Mỹ trao quyền quyết định thuế quan cho Quốc hội. Tuy nhiên, theo thời gian, Quốc hội đã ủy quyền này cho Tổng thống thông qua nhiều đạo luật khác nhau, trong đó quy định những trường hợp cụ thể mà Tổng thống có thể áp thuế - thường là khi hàng nhập khẩu đe dọa an ninh quốc gia hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến một ngành công nghiệp nào đó.

Với động thái lần này, việc áp thuế dựa trên quyền hạn từ Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA).

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump tuân thủ các quy trình truyền thống, bao gồm tổ chức các phiên điều trần công khai trước khi áp thuế. Nhưng trong nhiệm kỳ thứ hai, ông đã tận dụng quyền hạn khẩn cấp theo đạo luật năm 1977 để hành động một cách linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, kế hoạch này có nguy cơ phá vỡ nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn yêu cầu các thành viên đối xử bình đẳng với nhau trong thương mại.

Dù Mỹ từ lâu đã không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định WTO, việc áp thuế đối ứng lần này đánh dấu một bước ngoặt lớn, thể hiện tham vọng định hình lại trật tự thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho nước Mỹ.

Nhà báo Alan Beattie của Financial Times đã chỉ ra rằng bằng cách này, chính quyền ông Trump đang tạo ra một công cụ mới “để áp bất kỳ thuế quan nào mà họ muốn, vì bất kỳ lý do nào mà họ có thể đưa ra trên một cơ sở hợp pháp và có mức độ linh hoạt cao”.

Các chuyên gia nhận định, kế hoạch áp thuế đối ứng của Trump thực chất là chiến thuật “đánh trước, đàm phán sau” - một đòn bẩy để các quốc gia khác nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán, từ đó giảm thuế nhập khẩu với Mỹ.

Mặt khác, một số chuyên gia cho rằng thuế quan có thể là “liều thuốc đắng” cần thiết để buộc các quốc gia khác thay đổi chính sách thương mại. Nếu thành công, Mỹ có thể đạt được các thỏa thuận song phương có lợi hơn, giảm thâm hụt thương mại và đưa sản xuất trở lại nội địa.

Tuy nhiên, nếu thất bại, căng thẳng thương mại leo thang có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào vòng xoáy bất ổn, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch vẫn còn mong manh.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/y-do-cua-ong-trump-dang-sau-don-thue-doi-ung-post1542983.html