Ý đồ của Triều Tiên khi liên tiếp phóng tên lửa khiêu khích
Một số chuyên gia nói các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên là một phần trong kế hoạch khiêu khích để thúc ép Mỹ trở lại đàm phán, nhằm mặc cả điều kiện có lợi về kinh tế.
Báo Korea Herald của Hàn Quốc nhận định vụ Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo hôm 25/3 hướng về biển Nhật Bản là động thái khiêu khích mới nhất của Bình Nhưỡng đối với Washington. Các hành động như vậy được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga phản ứng ngay vào sáng 25/3, lên án Triều Tiên vi phạm cấm vận của Liên Hợp Quốc, nói Tokyo sẽ phối hợp chặt chẽ với Washington và Seoul để thảo luận về các hoạt động quân sự của Triều Tiên.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong, sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về vụ phóng tên lửa và kêu gọi Triều Tiên duy trì các cam kết vì hòa bình. Ngoại trưởng Lavrov cũng kêu gọi nhanh chóng nối lại đối thoại để giải quyết bế tắc với Triều Tiên.
Trước vụ việc ngày 25/3, Triều Tiên cũng phóng tên lửa tầm ngắn hôm 21/3.
Tuy nhiên, chính quyền mới của Mỹ khi đó dường như ít lo ngại hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc, theo AP. Tổng thống Joe Biden khẳng định với báo giới vào ngày 23/3 rằng vụ thử (hôm 21/3) là “hoạt động như thường lệ” của Triều Tiên. “Động thái của họ không có gì mới mẻ”, ông Biden nói.
Trong cuộc họp báo đầu tiên từ sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden hôm 25/3 (giờ địa phương) không dùng những lời lẽ quá gay gắt để nói về động thái mới nhất của Triều Tiên. "Chúng tôi đang tham vấn với các đồng minh và đối tác, sẽ có phản ứng. Nếu họ chọn leo thang, chúng tôi sẽ phản ứng phù hợp. Nhưng tôi cũng chuẩn bị cho một số hình thức ngoại giao. Chúng chỉ được tiếp tục trên cơ sở phi hạt nhân hóa", ông Biden nói, theo Reuters.
Mỹ xem nhẹ, Triều Tiên khiêu khích mạnh hơn
Triều Tiên từng nhiều lần bắn thử tên lửa và thực hiện các hành động khiêu khích khác nhằm buộc Mỹ quay lại bàn đàm phán.
Tên lửa hành trình không nằm trong lệnh cấm của Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, tên lửa đạn đạo được coi là có nhiều mối đe dọa hơn do có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Vụ phóng tên lửa hôm 25/3 là một hành động khiêu khích nghiêm trọng tương đương các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa vào năm 2017, theo nhận định của AP. Động thái này của Triều Tiên khi đó đã làm dấy lên lo ngại về chiến tranh. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng sau đó chuyển sang hướng đồng ý đối thoại ngoại giao với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2018.
Các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên diễn ra không lâu sau chuyến đi của tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Nhật Bản và Hàn Quốc hồi tuần trước.
Trong chuyến đi, ông Blinken chỉ trích chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời thúc ép Trung Quốc sử dụng sức ảnh hưởng của mình để thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Các nhà phân tích dự đoán Triều Tiên sẽ tăng dần các cuộc thử vũ khí để thúc ép chính quyền Biden quay lại các đàm phán liên quan đến vấn đề hạt nhân, nhằm đổi lấy lợi ích kinh tế.
Theo Nikkei Asia, Triều Tiên cho đến nay vẫn từ chối các kêu gọi đàm phán của ông Biden, nhưng họ cũng không hoàn toàn phớt lờ chính quyền mới của Mỹ. Bình Nhưỡng cho biết họ sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán, trừ khi Washington từ bỏ các chính sách “thù địch” của mình.
Triều Tiên sẽ tăng cường khiêu khích?
Tương lai cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn vô định, sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un với cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 2/2019. Triều Tiên yêu cầu Mỹ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, đổi lại nước này sẽ từ bỏ một phần khả năng hạt nhân của mình. Tuy nhiên, ông Trump từ chối.
Kể từ cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và ông Kim Jong Un vào năm 2018, Triều Tiên không tiến hành các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa.
Tuy nhiên, nước này vẫn tiếp tục phóng tên lửa tầm ngắn và tầm trung, mở rộng khả năng tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc và Nhật Bản, bao gồm cả các căn cứ của Mỹ ở đó.
Kim Dong Yub, nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Hàn Quốc, nói dữ liệu chuyến bay cho thấy Triều Tiên có thể đã thử nghiệm một hệ thống nhiên liệu rắn mới, được mô phỏng theo tên lửa đạn đạo di động 9K720 Iskander của Nga, theo AP.
Các tên lửa bay thấp có thể né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả hơn.
Trong giai đoạn 2019-2020, Triều Tiên được cho là đã tiến hành ít nhất 16 vụ phóng tên lửa này và các hệ thống tầm ngắn mới.
Ông Cheong Seong Chang, nhà phân tích tại Viện Sejong của Hàn Quốc, nói nếu ông Biden áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các vụ phóng tên lửa tầm ngắn, Triều Tiên có thể lấy đó làm cớ cho các vụ thử khiêu khích hơn, bao gồm cả hệ thống tên lửa phóng từ tàu ngầm.
"Triều Tiên đang làm những gì mà họ luôn làm, tức là đảm bảo các hệ thống vũ khí của họ phát triển ở mức tối đa. Triều Tiên sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự kiểu này, cho đến khi đối thoại với Washington được nối lại", ông Daniel DePetris, thành viên tại Defense Priorities - một viện chính sách có trụ sở tại Washington - nói với Nikkei Asia.
Ông Choi Kang, quyền chủ tịch của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, dự đoán Triều Tiên sẽ thực hiện vụ phóng tên lửa tiếp theo vào khoảng giữa tháng 4, khi nước này kỷ niệm ngày sinh của ông Kim Nhật Thành, theo Korea Herald.
Ông cũng lưu ý khả năng Triều Tiên sẽ tăng cường thử vũ khí để thúc ép Mỹ.