Y học hạt nhân và điện quang đã có những bước tiến vượt bật trong chẩn đoán, điều trị bệnh

Ngày 23-8, Hội nghị Khoa học thường niên lần thứ 25 do Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Ariyana Đà Nẵng. Hội nghị lần này có nhiều bài giảng cập nhật những kiến thức về Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân của các giáo sư, bác sĩ (GS, BS) đến từ các bệnh viện trên toàn quốc cùng các bài giảng, ca ghi hình, ca lâm sàng của các GS, BS sĩ đến từ các quốc gia Pháp, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore,... tương tác trực tiếp tại các phòng hội thảo.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại buổi khai mạc.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại buổi khai mạc.

Điện quang và Y học hạt nhân là chuyên ngành chẩn đoán cận lâm sàng không thể thiếu, có vai trò quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh. Hiện nay, chuyên ngành Điện quang và Y học hạt nhân không chỉ phục vụ chẩn đoán đơn thuần mà đã triển khai rất nhiều kỹ thuật cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao trong chẩn đoán sớm, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình hội nghị, Đà Nẵng sẽ phối hợp với Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam tổ chức phiên chuyên đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là bước tiến lớn trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp y tế thế giới vượt qua những thách thức, không ngừng cải thiện chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh. Ngoài ra, liên quan đến trí tuệ nhân tạo còn có một số bài báo cáo như: Ứng dụng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo tại Bệnh viện 199 của TS.Quách Hữu Trung; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Y học hạt nhân tại Bệnh viện 108: Hiện trạng và xu hướng phát triển của TS. Mai Hồng Sơn; Đánh giá vai trò hỗ trợ của AI trong sàng lọc và chẩn đoán ung thư vú trên X quang tuyến vú của TS. Lê Duy Chung; Tương lai trí tuệ nhân tạo trong Điện quang của GS. Curtis Langlotzt (Mỹ); Nâng tầm quản lý dữ liệu y tế với trí tuệ nhân tạo của Trương Quốc Hùng v.v.

Bên cạnh đó, các bác sĩ, nhà khoa học còn được nghe các bài khoa học liên quan đến các chủ đề về siêu âm, nhi khoa, điện quang can thiệp thần kinh, điện quang can thiệp ngoại biên, điện quang thần kinh…

Tham quan các điểm trưng bày các máy móc phục vụ trong công tác y học.

Tham quan các điểm trưng bày các máy móc phục vụ trong công tác y học.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: Thời gian qua, hệ thống y tế của thành phố không ngừng được đầu tư, đổi mới, hoàn thiện đồng bộ và hiện đại, khẳng định năng lực là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung- Tây Nguyên, hướng đến mục tiêu phát triển thành phố trở thành trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, kết nối cao với các trung tâm y tế quốc tế trong khu vực Asean và thế giới. Bên cạnh hệ thống y tế cơ sở, dự phòng ngày càng hoàn thiện, mạng lưới điều trị của ngành y tế Đà Nẵng không ngừng phát triển theo hướng “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu”, hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh không chỉ cho người dân địa phương mà cả trong nước và quốc tế. Hiện nay, nhiều kỹ thuật điện quang và y học hạt nhân tiên tiến nhất đã được các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố ứng dụng thành công trong chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, thần kinh… Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực thành phố kỳ vọng hội nghị lần này không chỉ là cơ hội để các đại biểu cập nhật các kiến thức mới nhất, mà còn là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, kết nối và hợp tác trong các nghiên cứu, ứng dụng y học. “Tôi tin tưởng rằng, các bài báo cáo, thảo luận và các hoạt động tại hội nghị sẽ mang lại những thông tin quý báu, thúc đẩy sự phát triển của ngành y học Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, mở ra những cơ hội hợp tác phát triển mới cho các nhà khoa học, các bệnh viện, các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước” - ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

L.A.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/y-hoc-hat-nhan-va-dien-quang-da-co-nhung-buoc-tien-vuot-bat-trong-chan-doan-dieu-tri-benh-post300248.html