Ý kiến cán bộ, đảng viên: Đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân

Từ ngày 15 - 17/5/2023, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII họp Hội nghị giữa nhiệm kỳ thảo luận, cho ý kiến về các nội dung quan trọng của đất nước. Cán bộ, đảng viên tại tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm các nội dung của Ban Chấp hành Trung ương bàn về việc bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Chuẩn bị cây giống phục vụ trồng rừng gỗ lớn tại huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh).

Chuẩn bị cây giống phục vụ trồng rừng gỗ lớn tại huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh).

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long Phan Thị Hải Hường đánh giá cao sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn; chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người nghèo; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn, đô thị, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Về chăm lo đời sống nhân dân, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy và các nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh đã linh hoạt triển khai, dành nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước và nhiều nguồn huy động hợp pháp để tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình. Qua đó, mang lại nhiều kết quả quan trọng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trước 3 năm theo tiêu chí của Trung ương. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 102 hộ nghèo, chiếm 0,026%; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh; không có huyện nghèo, xã nghèo.

Điển hình, huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc khó khăn Ba Chẽ đã cụ thể hóa chủ trương trên bằng việc xây dựng các đề án, dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội giúp nhân dân thoát nghèo. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Chẽ Bùi Văn Lưu cho biết, huyện đề xuất thực hiện 28 dự án, công trình với tổng mức đầu tư trên 838 tỷ đồng và 54 dự án phát triển sản xuất (trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, trà hoa vàng, ba kích tím) và tổng kinh phí trên 128 tỷ đồng nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau gần một năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt kết quả tích cực, bước đầu đáp ứng nhu cầu, sự mong đợi của đồng bào nhân dân các dân tộc trong huyện; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển chung của địa phương.

Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Hồ Quang Huy chia sẻ, thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh là "Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân", thành phố Móng Cái ưu tiên dành các nguồn vốn chủ yếu đầu tư cho hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, thông tin, nước sinh hoạt, quy hoạch dân cư.

Các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng - an ninh; triển khai hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; quốc phòng- an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Hoạt động đối ngoại có bước phát triển mới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Đến nay, thành phố Móng Cái đã sớm hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó, xã Hải Sơn đạt chuẩn nông thôn mới, xã Bắc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020. Thành phố đã hoàn thành Chương trình 135, hoàn thành mục tiêu Đề án 196.

Ông Hồ Quang Huy cho rằng, việc quan tâm, chăm lo, hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền; đồng thời, mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển của thành phố.

Từ nay đến cuối năm 2023 và những năm còn lại của nhiệm kỳ, Đảng bộ, chính quyền thành phố Móng Cái tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho người dân theo các tiêu chí của "hạnh phúc"; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với xây dựng, phát triển giàu bản sắc văn hóa; rà soát, ưu tiên quy hoạch quỹ đất phục vụ cho phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao.

Đảng bộ, chính quyền thành phố tiếp tục quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, nhất là lao động trẻ, lao động là người dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là khu vực miền núi, vùng xa, hải đảo…

Tin, ảnh: Văn Đức (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/y-kien-can-bo-dang-vien-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-khong-ngung-nang-cao-chat-luong-doi-song-cua-nhan-dan-20230522111248677.htm