Ý kiến chuyên gia: Thế nào là 'tên quá dài'?
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Thông tư của Bộ Tư pháp không hướng dẫn thế nào là họ tên 'quá dài'. Do đó cần thiết phải có quy định giới hạn là bao nhiêu ký tự một cách cụ thể.
Thông tư số 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 16/7 tới quy định họ, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật, giữ gìn bản sắc dân tộc, không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Về vấn đề này, báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng tại VPLS Tinh Thông Việt.
Thưa ông, từ ngày 16/7/2020, Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, trong đó có điểm đáng chú ý việc đặt tên cho trẻ em không được quá dài, khó sử dụng. Ông bình luận gì về nội dung này?
- Cá nhân khi sinh ra đã có những quyền cơ bản mà pháp luật công nhận ngay từ khi chào đời, một trong các quyền đó là quyền đối với họ, tên. Pháp luật Việt Nam đã cụ thể hóa: “Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”.
Như vậy, pháp luật đã công nhận rằng cá nhân khi sinh ra đều phải có họ, tên, mọi cá nhân đều bình đẳng như nhau đối với quyền này.
Ngoài ra, điều luật này cũng chỉ ra rằng, họ, tên của một cá nhân được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Thực tế, một đứa trẻ sinh ra có thể có rất nhiều tên gọi: tên khai sinh, tên gọi ở nhà, tên thường dùng… Trong đó, họ và tên được ghi nhận trong giấy khai sinh được xác định là họ và tên có giá trị pháp lý.
Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Có thể thấy trước đây trong dự thảo BLDS 2015 cũng từng đưa ra đề xuất việc đặt tên không dài quá 25 ký tự. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó không được đưa vào BLDS. Do vậy, với những quy định hiện hành lại không giới hạn độ dài của tên hay cấm việc đặt tên xấu…
Tên quá dài gây ảnh hưởng đến việc sử dụng các dịch vụ xã hội, chẳng hạn như không thể làm thẻ ngân hàng... ? Ông bình luận gì về vấn đề này?
- Thực tế việc đặt họ tên quá dài có nhiều trường hợp gây khó khăn trong đời sống thực tiễn hoặc cho cơ quan đăng ký hộ tịch và ngay cả người được đặt tên.
Ví dụ như có trường hợp làm thẻ ngân hàng do có họ tên quá dài nên đã bị ngân hàng từ chối mở thẻ ATM, bởi theo quy định khi mở thẻ, độ dài của tên tối đa 26 ký tự (kể cả khoảng trắng). Trong khi với những tên quá dài ngân hàng không thể thực hiện được.
Hoặc những trường hợp trên CMND, bằng lái xe hay các giấy tờ tùy thân khác vì quá dài nên chỉ viết tắt... Do đó việc hướng dẫn theo Thông tư này là phù hợp.
Thế nhưng Thông tư lại không hướng dẫn thế nào là “quá dài” sẽ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện của các cán bộ khi thực thi, gây khó khăn cho người dân. Do đó cần thiết phải có quy định giới hạn là bao nhiêu ký tự một cách cụ thể.
Vậy hướng khắc phục như thế nào, thưa ông?
- Gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng một số cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhưng lại bị dư luận phản ứng vì nội dung không phù hợp. Các cơ quan tiếp thu nhưng sửa đổi bằng cách… ra văn bản đính chính. Tuy nhiên, việc này là không phù hợp.
Vì thế trong trường hợp này nếu như có những nội dung nêu không phù hợp thì Bộ phải ra văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều…
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/y-kien-chuyen-gia-the-nao-la-ten-qua-dai-490242.html