Ý kiến cử tri
Tạo dựng, củng cố niềm tin vững chắc trong nhân dân
Tạo dựng, củng cố niềm tin vững chắc trong nhân dân
Theo dõi, đọc và nghiên cứu Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi và nhiều cử tri thống nhất cao: Trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã hoàn thành trọng trách mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Là Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng và gần ba năm đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện đầy đủ và có hiệu quả cao nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Ðảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.
Chủ tịch nước đã rất quan tâm công tác xây dựng pháp luật, công bố nhiều luật, pháp lệnh quan trọng, vừa tạo hiệu quả đồng bộ cho công tác quản lý, điều hành từ bộ, ngành Trung ương đến chính quyền địa phương; vừa giúp điều chỉnh kịp thời các yếu kém, bất cập, vướng mắc của hệ thống luật pháp, qua đó tạo ra nhiều tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp trong đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ sự chỉ đạo sát sao, sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch nước đối với lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an nhân dân, cho nên tình hình an ninh, trật tự trên cả nước được giữ vững, tạo niềm tin cao độ trong nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh, tinh nhuệ và chính quy. Chủ tịch nước đã ban hành nhiều Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự Nhà nước cao quý..., thể hiện sự quan tâm kịp thời đến những cá nhân ưu tú, xuất sắc, người có công..., qua đó ghi nhận xứng đáng công lao của những người có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Họ là tấm gương sáng, góp phần lan tỏa để nhân lên các phong trào thi đua yêu nước thời gian qua.
Ðặc biệt, Trung ương Ðảng, Chủ tịch nước cùng với Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 rất quyết liệt, bài bản, sáng tạo và nhận được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân cả nước. Kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 được người dân Việt Nam và các nước trên thế giới khâm phục, ủng hộ và đánh giá cao, xem làm mô hình hay để nhiều nước học hỏi.
Với cương vị là người đứng đầu, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn làm việc và cống hiến hết mình, giữ gìn danh dự và cái tâm của người lãnh đạo. Chính điều này đã góp phần rất quan trọng để tạo dựng, củng cố niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Văn Ðức Giao
(Số 53, Ðặng Lộ, phường 7, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh)
Làm tốt trọng trách người lãnh đạo, đại biểu nhân dân
Với trọng trách là Chủ tịch Quốc hội (QH), đại biểu QH đơn vị TP Cần Thơ, tôi nhận thấy, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình.
Chủ tịch QH cùng với các đại biểu QH làm tốt việc xây dựng pháp luật, ban hành các nghị quyết, chương trình giám sát, quyết định những vấn đề lớn của đất nước... đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống, sự mong đợi của cử tri, đồng bào cả nước. Vai trò của Chủ tịch QH thể hiện rõ qua những kỳ họp Quốc hội, nhất là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn do Chủ tịch QH điều hành thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm bao quát các vấn đề đặt ra của cử tri, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.
Quốc hội khóa XIV lần đầu tiên họp trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn bảo đảm nội dung, chất lượng các cuộc họp cho thấy QH có sự đổi mới, thích ứng nhanh với điều kiện khách quan. Các kỳ họp QH cũng ít sử dụng văn bản như trước mà sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để chuyển tải thông tin đến các đại biểu, hạn chế sử dụng văn bản giấy tờ, nhưng vẫn bảo đảm nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí các cuộc họp. Ðiều này có sự đóng góp của QH, Chủ tịch QH, sự đồng thuận của các đại biểu, được cử tri rất hoan nghênh.
Với vai trò đại biểu QH đơn vị TP Cần Thơ, tại các buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch QH thông tin, giải đáp tất cả những vấn đề cử tri đặt ra, không né tránh những vấn đề gai góc như các đại án tham nhũng lớn, xử lý cán bộ sai phạm, tham nhũng, xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, tới các chính sách đối với người nghèo, người có công, bảo hiểm y tế... đều được Chủ tịch QH thông tin, giải đáp cặn kẽ. Những kiến nghị, đề xuất của cử tri TP Cần Thơ được chủ tịch QH ghi nhận, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của TP Cần Thơ, Chủ tịch QH yêu cầu lãnh đạo thành phố giải quyết. Những gì đã hứa với cử tri, Chủ tịch QH quan tâm thực hiện để không phụ niềm tin của cử tri. Thí dụ như cầu Vàm Xáng bắc qua sông Cần Thơ ở huyện Phong Ðiền khởi công cuối năm 2020, từ kiến nghị của cử tri mà Chủ tịch QH đã hứa hỗ trợ xây dựng và thực hiện được, đáp ứng mong đợi của cử tri.
Ngoài tiếp xúc cử tri ở ba đơn vị ứng cử là quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và huyện Phong Ðiền, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dành thời gian tiếp xúc cử tri ở các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố nhằm tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để làm tốt vai trò, trọng trách của đại biểu dân cử.
Nguyễn Kim Hai
(Phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ)
Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm sát, bảo vệ công lý
Qua theo dõi, tôi vui mừng, tin tưởng khi trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Viện KSND tối cao tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV nêu rõ: Các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn đã được xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật. Trong lĩnh vực này, ngành kiểm sát đã phối hợp các cơ quan tố tụng tăng cường biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt với kết quả tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng. Thông qua hoạt động điều tra tội phạm trong hoạt động tư pháp, ngành đã ban hành gần 500 kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm, tội phạm (tăng 60%). Viện KSND tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ.
Phải khẳng định rằng, trong nhiệm kỳ qua, Viện KSND tối cao đã rất tích cực trong công tác kiểm sát, điều tra, truy tố các loại tội phạm. Ðặc biệt là án chống tham nhũng, bám sát tình hình thực tế và kiên quyết truy tố các vụ án lớn, trong đó đã khởi tố nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xảy ra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngành kiểm sát tiếp tục làm tốt công tác phối hợp các ngành tư pháp, có quan điểm rõ ràng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cán cân công lý. Qua đó, được dư luận đồng tình, ủng hộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành kiểm sát và đặc biệt đem lại lòng tin của nhân dân. Ðiều này đáp ứng mong muốn bấy lâu nay của người dân, không chỉ riêng đối với các vụ án chống tham nhũng, mà còn liên quan rất nhiều vấn đề an sinh, trật tự an toàn xã hội.
Bằng những nỗ lực của ngành kiểm sát, người dân mong muốn ngành kiểm sát tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa. Tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đơn thư khiếu nại, tố cáo, tích cực tham gia xây dựng thể chế; công tác xây dựng và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, bảo vệ cán cân công lý, góp phần mang lại cuộc sống yên bình cho người dân.
Hoàng Văn Ðiền
Tổ trưởng Tổ dân phố 60, phường Nại Hiên Ðông, quận Sơn Trà, TP Ðà Nẵng
Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng kinh tế
Nhiệm kỳ 2016 - 2021 đánh dấu những bước đột phá trong công tác điều hành, quản lý của Chính phủ, nhất là trong ổn định và phát triển kinh tế. Ðến năm 2020, GDP của nước ta tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015, đạt 340 tỷ USD. Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong hợp tác kinh tế, nhất là các Hiệp định thương mại tự do với các khối kinh tế, cũng như tự do thương mại song phương. Những thành tựu này còn có ý nghĩa hơn khi trong suốt năm 2020, cả nước phải triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Khi dịch bệnh xảy ra, Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt, nhưng phù hợp tình hình, khi ban hành các mức độ giãn cách xã hội khác nhau, áp dụng trong những trường hợp cụ thể. Việc triển khai các biện pháp áp dụng giãn cách, nới lỏng giãn cách và chấm dứt giãn cách đều được thực hiện đúng thời điểm. Ðiều này đã khiến Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế thế giới, khi duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020.
Những thành tựu này tạo đà cho Việt Nam phục hồi kinh tế trong năm 2021, khi vắc-xin đang dần trở nên phổ biến ở hầu hết các nước. Việc vắc-xin được triển khai giúp từng bước đẩy lùi dịch bệnh, thế giới dần dần mở cửa, thúc đẩy giao thương quốc tế. Khi đó, "thương hiệu" Việt Nam-điểm đến an toàn sẽ là điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho hoạt động du lịch.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 không thể chấm dứt một sớm, một chiều. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn do không tiêu thụ được hàng hóa, do thiếu vốn, hoặc thiếu nguồn cung. Ðể tạo "sức bật" cho hoạt động kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng, Chính phủ cần có giải pháp khuyến khích phát triển, nhất là sớm có những nghiên cứu đầy đủ về các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, từ đó, đưa ra những giải pháp hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về vốn, về mặt bằng, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại… phù hợp. Khi doanh nghiệp "khỏe" thì chúng ta mới có thể có nền kinh tế mạnh. Vì doanh nghiệp vừa sản xuất ra của cải vật chất, vừa giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kế thừa được thành tựu của giai đoạn trước, đồng thời có những chiến lược, giải pháp điều hành mới để đưa đất nước phát triển giàu mạnh.
Nguyễn Thúy Vân
(Phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội)
Xét xử kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm
Theo dõi báo cáo công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày trước kỳ họp của Quốc hội, tôi thấy ngành Tòa án đã có cải cách, đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng. Trong bối cảnh số lượng các vụ án tòa án thụ lý mỗi năm tăng trên 10% nhưng phải tinh giản biên chế theo yêu cầu chung, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra 14 giải pháp đột phá và tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện, nhờ vậy tỷ lệ giải quyết án đạt cao (gần 90%), chất lượng ngày càng được nâng lên, hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội. Trong quá trình xét xử, các tòa án đã đề cao nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử, suy đoán vô tội và các nguyên tắc tố tụng khác. Các vụ án lớn, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (như các vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại tình dục trẻ em, các vụ án ma túy lớn, vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương...) đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tòa án các cấp đã tập trung đột phá vào năm khâu trọng yếu, đó là: Nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử; xây dựng thể chế, tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; kiện toàn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, trình độ, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Tòa án các cấp đã đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cụ thể là, nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng và được dư luận xã hội quan tâm như: Vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG; vụ án Phan Văn Anh Vũ về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" xảy ra tại Ðà Nẵng và một số địa phương;... đã được đưa ra xét xử kịp thời, không có vùng cấm, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ðặc biệt, đã áp dụng đồng bộ các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình xét xử, như vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG là một thí dụ, góp phần củng cố lòng tin trong nhân dân vào công cuộc chống tham nhũng của Ðảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, hoạt động của các tòa án thời gian qua cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, như: Một số tòa án chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và giải quyết các vụ án hành chính tại các Tòa án nhân dân các cấp chưa đạt chỉ tiêu đề ra; việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời còn nhiều sai sót, hạn chế. Ðể khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động, Tòa án các cấp, các địa phương cần tiếp tục cải cách, đổi mới, thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn, để nâng cao chất lượng công tác xét xử và thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Nguyễn Xuân Tiến
Cán bộ hưu trí, tổ 16, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/y-kien-cu-tri-639764/