Ý kiến cử tri: Nhiều thách thức về an ninh nguồn nước

Sáng 4/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề gồm Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán và Văn hóa - Thể thao - Du lịch, trong đó Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng quốc Khánh đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên về vấn đề Tài nguyên và Môi trường.

Toàn cảnh nhà máy nước sạch BOO Phú Ninh (giai đoạn 1A). Ảnh minh họa: Trần Tĩnh/TTXVN

Toàn cảnh nhà máy nước sạch BOO Phú Ninh (giai đoạn 1A). Ảnh minh họa: Trần Tĩnh/TTXVN

Cần quan tâm đến an ninh nguồn nước

Quan tâm đến vấn đề sử dụng cát biển thay thế cho cát sông trong san lấp các công trình giao thông, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng cần phải đánh giá cẩn trọng sao cho đảm bảo cuộc sống lâu dài của người dân.

Ts Nguyễn Hữu Cường cho biết, hằng năm, sóng luôn đưa một thêm một lượng cát ra xa và do vậy bờ mất thêm cát. Lượng cát này trong điều kiện tự nhiên thì sẽ được các sông đưa về bồi đắp vào. Hiện nay, vì các đập thủy điện đã chặn hết cát thượng nguồn rồi nên bờ biển Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng đang xói lở rất mạnh. Việc khai thác cát biển phải cân nhắc tránh gây hậu quả và làm gia tăng nước biển dâng. "Khai thác cát mặn ven biển sẽ có nguy cơ làm gia tăng thiếu hụt bùn cát và làm gia tăng xói lở bờ biển" - Ts Nguyễn Hữu Cường cảnh báo.

Bên cạnh đó, chuyên gia môi trường Phạm Tâm Hiếu cũng đồng tình với các đại biểu Quốc hội khi lo lắng về vấn đề sử dụng cát biển thay thế cát sông để san lấp các công trình giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm vật liệu san lấp nền đường cao tốc bởi việc này chưa có tiền lệ. Điều đó là mang mặn vào giữa những hệ sinh thái ngọt. Bởi việc cát biển được dùng cho san lấp không được rửa mặn chứa một lượng nhất định muối hòa tan như NaCl, SO4, Mg. Vì vậy, sử dụng cát biển làm nền đường, với thời gian sẽ có một số tác động đến ruộng đất, môi trường nước mặt và nước ngầm.Do vậy, theo tôi đối với đồng bằng sông Cửu Long, cần có nghiên cứu cản trọng, phù hợp.

Về các chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường cho rằng, bảo đảm an ninh nguồn cũng đã được thể hiện xuyên suốt trong Luật Tài nguyên nước 2023 nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.

Thời gian qua, công tác triển khai chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước và các quy hoạch liên quan, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này cũng được tập trung thực hiện.

Mặc dù vậy, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu rõ, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia của Việt Nam mới chỉ đạt ở mức 2/5.

Đồng quan điểm này, chuyên gia môi trường Phạm Tâm Hiếu cho rằng những thách thức về an ninh nguồn nước vẫn đang hiện hữu bởi nguồn nước của Việt Nam còn phụ thuộc từ nước ngoài và phân bố không đều theo không gian, thời gian. Cùng với đó, rừng đầu nguồn bị suy giảm, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn... đang tác động mạnh mẽ tới nguồn nước.

Các vấn đề về môi trường được đề cập sát thực tiễn

Tiến sĩ Cao Đức Danh (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng phiên chất vấn đã diễn ra khá sôi động. Đặc biệt, các câu hỏi của các Đại biểu Quốc hội đã tập trung vào các vấn đề cấp thiết như vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, khai thác đất hiếm, cát biển, hồ chứa nước ngọt, tài nguyên biển đảo, các giải pháp bảo vệ, phục hồi các dòng sông chết, ô nhiễm… Cử tri Cao Đức Danh nhận định Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã trả lời đúng và sát trọng tâm các câu hỏi mà đại biểu đưa ra.

Cử tri Cao Đức Danh kiến nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường một số nội dung như: để tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ nên có chiến lược khai thác, chế biến, sử dụng nguồn khoáng sản quý hiếm là đất hiếm, bởi Việt Nam là một trong số ít quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn; trong đó tập trung vào việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tuyển quặng, tinh chế đất hiếm; gắn với liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư khai thác và chế biến, nhằm tận dụng được công nghệ lõi của thế giới.

Đối với an ninh hồ đập thủy lợi, cử tri Cao Đức Danh đề nghị Chính phủ tập trung điều tra, rà soát mức độ đảm bảo an ninh, an toàn của hơn 1.000 hồ, đập được xây dựng từ các thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ trước, từ đó có những giải pháp để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập hiện có nhằm đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp; có kế hoạch xây dựng mới các hồ chứa nước ngọt mới đa mục đích ở các vùng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên, đảm bảo an ninh nguồn nước, chống xâm nhập mặn, thiếu nước.

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri Nguyễn Chân Sơn, Tổ trưởng Tổ dân phố 12 (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đánh giá câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đưa ra ngắn gọn, nội dung sát thực tế, cụ thể các vấn đề mà cử tri quan tâm như: việc giải quyết khó khăn trong khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm; nguyên nhân gây ngập, úng đô thị do quá trình lấp ao hồ tự nhiên…

Theo cử tri Nguyễn Chân Sơn, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trả lời thẳng thắn những việc đã làm được và đang thực hiện, đồng thời đưa ra ý kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.

Cử tri Nguyễn Chân Sơn kiến nghị, đối với tài nguyên nước ngầm, các cơ quan hữu quan cần sớm triển khai Luật Tài nguyên nước 2023 trong việc thực hiện cấp phép thăm dò, khai thác nước ngầm phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; cần có thêm nghiên cứu về các tiêu chuẩn vật liệu xây dựng; các đánh giá tác động môi trường khi sử dụng cát biển để san lấp mặt bằng xây dựng.

Pv TTXVN tại các địa phương

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/y-kien-cu-tri-nhieu-thach-thuc-ve-an-ninh-nguon-nuoc-20240604152456134.htm