Ý kiến khác về tội danh vụ nữ trưởng đoàn thanh tra

'Dấu hiệu của tội nhận hối lộ đã thỏa mãn khi giữa bốn bị can và những người đưa tiền đã có sự thỏa thuận trước về số tiền phải đưa cùng việc làm có lợi cho người đưa tiền'- nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế.

LTS: Liên quan đến việc nữ trưởng đoàn thanh tra được đổi tội danh từ nhận hối lộ sang lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, trên hai số báo trước Pháp Luật TP.HCM đã đăng hai ý kiến cho rằng việc đổi tội danh của cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc là đúng.

Để góp phần soi rọi thêm khía cạnh pháp lý của vụ việc, số báo này chúng tôi giới thiệu thêm hai ý kiến ngược lại và xin tạm khép diễn đàn, cùng chờ kết quả từ TAND tỉnh Vĩnh Phúc.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra cáo trạng truy tố bà Nguyễn Thị Kim Anh, cựu thanh tra Bộ Xây dựng, cùng đồng phạm về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố các bị can về tội nhận hối lộ (có mức hình phạt cao nhất đến tử hình) nhưng sau đó chuyển sang tội như cáo trạng truy tố (khung hình phạt cao nhất tù chung thân).

Điểm giống và khác nhau giữa hai tội

Trước hết, về lý luận cần phải xác định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 Bộ luật Hình sự (BLHS) là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã có hành vi vượt quá quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Trong khi đó, tội nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người mình hoặc cho người hoặc tổ chức khác mà mình quan tâm để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Giữa hai tội này có dấu hiệu giống nhau là: Đều do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện; đều nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của người khác. Nhưng giữa hai tội này lại có dấu hiệu đặc trưng để phân biệt, đó là:

- Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã có hành vi “vượt quá quyền hạn”.

Ví dụ: A chỉ là điều tra viên nhưng đã tự xưng hoặc có những hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ của điều tra viên; B chỉ là kiểm sát viên nhưng tự xưng mình là viện trưởng hoặc có hành vi ký các quyết định mà theo quy định của pháp luật phải do viện trưởng viện kiểm sát thực hiện; C chỉ là thẩm phán nhưng tự xưng hoặc có những hành vi ký các quyết định của chánh án hoặc của phó chánh án; không phải là trưởng đoàn thanh tra nhưng tự xưng là trưởng đoàn, không phải là thanh tra viên nhưng tự xưng mình là thanh tra viên.

- Còn đối với tội nhận hối lộ thì người phạm tội không phải mạo danh chức vụ, quyền hạn của mình, họ nói rõ cho người đưa hối lộ hoặc người khác biết mình là ai hoặc ký các quyết định nhân danh mình, không úp mở, không vượt quá quyền hạn.

Tuy cùng là hành vi lấy tiền, tài sản của người khác nhưng đối với tội nhận hối lộ thì người đưa hoàn toàn tự nguyện để người nhận tiền làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa. Còn đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì người đưa tiền hoàn toàn do miễn cưỡng hoặc vì sợ, thậm chí vì bị lừa mà đưa cho người có chức vụ, quyền hạn, nếu không đưa thì sẽ gánh hậu quả không có lợi cho mình.

Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như hành vi của tội cưỡng đoạt tài sản nhưng trường hợp lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là do người có chức vụ, quyền hạn đã có hành vi vượt quyền. Dấu hiệu vượt quá quyền hạn là đặc trưng nổi bật của tội phạm này.

Hành vi hội đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ

Trở lại vụ án nữ trưởng đoàn thanh tra mà VKSND tỉnh Vĩnh Phúc vừa truy tố, các bị can không hề úp mở chức vụ của mình mà “lật bài ngửa” với doanh nghiệp rằng họ là ai, với các chức danh rõ ràng để “mặc cả” với các doanh nghiệp “muốn bỏ qua vi phạm thì phải nộp tiền”.

Các chức danh của nữ trưởng đoàn thanh tra cùng đồng phạm mọi người đều biết. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không ai trong đoàn thanh tra có hành vi vượt quyền cả.

Tuy khi thực hiện hành vi vòi tiền có cảnh báo, hăm dọa nhưng là của người có chức vụ, quyền hạn chứ không hề có hành vi vượt quyền. Việc đưa tiền của các doanh nghiệp là hoàn toàn tự nguyện. Họ nhận thức được rằng nếu không đưa tiền cho đoàn thanh tra thì những sai phạm của mình sẽ bị đoàn thanh tra phanh phui hoặc sẽ bị gây khó, dễ…

Đưa tiền cho người có chức vụ, quyền hạn đang thi hành nhiệm vụ để họ bỏ qua những sai phạm của mình phải coi là hành vi đưa hối lộ thuộc trường hợp bị ép buộc, quy định tại khoản 7 Điều 364 BLHS. Nếu các doanh nghiệp chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Bản cáo trạng của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc không hề nói nữ trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đã vượt quyền như thế nào mà vẫn khẳng định những người này lợi dụng chức vụ, quyền hạn. BLHS không có tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ngay đối với tội cưỡng đoạt tài sản nhà làm luật cũng không coi hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là dấu hiệu định khung hình phạt.

Bản cáo trạng cho rằng đối tượng thanh tra là các dự án do UBND huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư từ 7 tỉ đồng trở lên nhưng các bị can đã tiến hành kiểm tra hơn 160 dự án, trong đó nhiều dự án do UBND cấp xã làm chủ đầu tư, có mức đầu tư dưới 7 tỉ đồng. Có lẽ đây là căn cứ duy nhất để VKS cho rằng những người trong đoàn thanh tra đã vượt quá quyền hạn để chuyển tội danh sang tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Vượt quá quyền hạn với vượt quá đối tượng thanh tra là hoàn toàn khác nhau.

Khi đã xác định các bị can lợi dụng chức vụ, quyền hạn, không có hành vi vượt quá quyền hạn thì xét ở khía cạnh nào, hành vi cũng hội tụ đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ. Việc chuyển tội danh từ tội nhận hối lộ sang tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản không chỉ không đúng tội mà còn không đúng các tình tiết của vụ án.

Quan điểm của VKS tỉnh Vĩnh Phúc

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Anh là trưởng đoàn thanh tra, dù biết rõ đối tượng thanh tra là UBND huyện Vĩnh Tường, không được thanh tra các dự án công trình do UBND cấp xã làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, bị can đã tổ chức kiểm tra hơn 160 dự án xây dựng, trong đó rất nhiều dự án vượt ra ngoài phạm vi thanh tra với mục đích các đơn vị phải nộp tiền để được giảm nhẹ vi phạm.

Các bị can đã sử dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện ép buộc để chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân. Số tiền 2,1 tỉ đồng mà các bị can chiếm đoạt đều liên quan đến việc kiểm tra các dự án không đúng đối tượng thanh tra, không có đơn vị nào đưa tiền liên quan đến các dự án do UBND huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư.

Cơ quan công tố cho rằng bà Anh cùng đồng phạm đã sử dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện ép buộc để chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền đặc biệt lớn. Từ những căn cứ này, VKS truy tố các bị can về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

ĐINH VĂN QUẾ

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/y-kien-khac-ve-toi-danh-vu-nu-truong-doan-thanh-tra-927534.html