Ý kiến trái chiều về điểm check-in di tích cầu ngói Thanh Toàn
Hình ảnh một số điểm check-in vừa được đặt ở di tích cầu ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế) sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Mới đây, tài khoản Facebook C.N.T.T. đăng tải một số hình ảnh khu vực di tích cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) được đặt thêm một số địa điểm để người dân, du khách check-in. Ở phần bình luận, có rất nhiều người vào bày tỏ quan điểm.
Một số người khen việc làm này thể hiện sự sáng tạo, có điểm nhấn, số còn lại cho rằng đó là điều nên làm nhưng phải đảm bảo hài hòa cũng như giữ được nét cổ kính của cây cầu quý hàng trăm năm tuổi.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết, việc lắp đặt các điểm check-in nhằm tạo thêm điểm nhấn, cảnh quan cho di tích.
"Thay vì đơn điệu chỉ có cầu ngói, các địa điểm này giúp các bạn trẻ có thêm những bức ảnh đẹp đăng tải lên các trang mạng xã hội từ đó lan tỏa thêm hình ảnh của cầu ngói Thanh Toàn và thu hút thêm nhiều người đến với di tích này", ông Việt nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Thủy Thanh, 5 điểm check-in được làm bằng sắt, sơn giả gỗ, được trang trí hệ thống đèn, giá thành hơn 80 triệu đồng. Trong khi trước đây, các cổng chào vào khu vực cầu ngói được làm bằng tre giá thành cao, qua một mùa mưa lũ bị hư hỏng, tốn kém, thì những địa điểm này có ưu điểm là giá thành hợp lý, tuổi thọ cao từ 4-5 năm và có thể tháo rời khi đến mùa mưa lũ.
Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh khẳng định, những địa điểm check-in này đều nằm ở vòng ngoài, dọc theo sông chứ không nằm trong vùng lõi của cầu ngói, do đó không phá vỡ cảnh quan.
Cầu ngói Thanh Toàn là cây cầu cổ có nhiều giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và văn hóa, được xem là công trình làng quê đẹp nhất ở xứ Huế.
Cầu dài 17,8m, rộng 5,3m, chia làm 7 gian với cách bố trí giống như 7 gian trong một ngôi nhà lớn. Đây cũng là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Năm 1990, cây cầu này được Bộ VHTTDL công nhận là di tích cấp quốc gia.
Sau gần 250 năm, cây cầu được chính quyền địa phương hạ giải để tiến hành bảo tồn, tu bổ và tôn tạo lại, hiện nay đã hoàn thành.