Y Miếu - Khách đến mộng không thành
Nếu đi theo bảng chỉ dẫn từ ngoài phố Nguyễn Khuyến tìm đến Y Miếu-Thăng Long (Y Miếu) thì rối mù phương hướng. Y Miếu nằm trong con phố cùng tên. Nhưng giờ bảng tên phố mờ mịt khó nhận ra nét chữ sơn. Đầu phố Y Miếu cắt ngang đường Nguyễn Như Đổ. Cuối phố giao cụt với ngõ chợ Ngô Sĩ Liên. Giữa hai dẫy số nhà là ngôi chợ kéo dài hết con phố, diện tích gần ngàn mét vuông. Y Miếu là đường phố chật chội nhất thế giới. Thật vậy!
Chốn tĩnh lặng giữa cồn cào phố chợ
Nếu Y Miếu được coi là chốn linh thiêng thờ Tổ ngành Y nước nhà thì nay vây chung quanh là những quán hàng luôn ồn ã bán mua. Xưa nghe các cụ tả Y Miếu được xây trên một diện tích thênh thang cả mẫu đất. Viễn cảnh thời gian đã trôi đi hàng trăm năm bỗng hiện về trong tôi: "Xanh xanh dẫy liễu ngàn thông/ Cỏ hoang lối mục rêu phong dấu tiều/ Một vùng non nước đìu hiu/ Phất phơ gió trúc dập dìu mưa hoa". (Bích Câu kỳ ngộ). Còn đâu hồn đất thơm thảo của phường Bích Câu ngày nào.
Một tấm bia ở chùa Phổ Giác tại phố Ngô Sĩ Liên còn ghi Y Miếu được xây dựng từ năm 1774. Vậy mà đã gần 250 năm. Khu đất có sông nước bao quanh tạo nên quần thể Văn Miếu, Võ Miếu và Y Miếu không còn vẹn nguyên. Tất cả đã là dĩ vãng với hình ảnh: "Thềm phủ dấu rêu biếc/ Sân u, màu cỏ xanh/ Chim kêu hoa tự rụng/ Khách đến mộng không thành" (Thơ Nguyễn Như Đổ).
Khám thờ hai vị danh y trong Y Miếu.
Quả vậy giờ đây khách thập phương kéo đến với "mộng không thành" bởi lẽ Y Miếu lọt thỏm trong sự xô bồ chợ búa rộn rã ngày đêm. Tứ phía Y Miếu là những quầy hàng chen chúc. Đường đi vào bên số chẵn phố để vào miếu chỉ rộng chừng mét rưỡi. Những ki ốt bán thịt, bán bún ồn ã chào hàng.
Đường ngõ Ngô Sĩ Liên nằm phía bắc sau chợ nhộn nhịp hơn cả. Số nhà 26 cuối phố Y Miếu là cả một dãy hàng bán thực phẩm. Cách đấy không xa còn có hàng bán bún bung chân giò nổi tiếng. Họ lấy bún ở cuối phố Y Miếu về bán.
Hàng bún bung này nổi tiếng cả Hà Nội với danh xưng là "Bún chửi". Hai chị em chủ nhà hàng chăm chỉ và nấu bún bung kèm móng giò và lưỡi lợn thơm có vị riêng biệt đậm đà. Khách đến nườm nượp để xe chật cả đường ngõ chợ Ngô Sĩ Liên. Cô chị đanh đá và hay cáu gắt với người đến ăn. Đôi khi chị ta còn hay văng tục và mắng khách hàng đến ngọt mồm nên quán mang hỗn danh "Bún chửi" là thế.
Nhưng phải nói chị này có năng khiếu hài hước. Đôi khi còn nói mát khách hàng kèm theo những danh từ ngụ ý như "bướm, cò, chim, chuột" làm khối anh đỏ mặt vì ngượng ngùng. Nay cửa hàng này dọn về đầu chợ thuộc phố Ngô Sĩ Liên cách xa Y Miếu hơn chút. Nhưng đường vào Y Miếu vẫn y nguyên. Tiếng dao thớt cành cạch vang dội át cả tiếng chuông nhà chùa Quang Minh, bên cạnh Y Miếu.
Ấy là còn chưa kể đến đất của Y Miếu và chùa Minh Quang còn bị lấn chiếm và lô nhô nhà cửa xung quanh. Chùa Minh Quang quây tường từ trước còn dành đất lại phần nào. Riêng đất Y Miếu thì thôi rồi. Giờ còn chừng hơn 150 mét vuông. Những nhà xây lấn chiếm đã chuyển qua mấy đời chủ lại có giấy sổ hồng nên Y Miếu trở nên nhỏ nhoi côi cút giữa cồn cào phố chợ. Đến mảnh sân chừng hơn chục mét vuông cũng bị mọi người để xe máy chật hết nẻo vào. Cổng Y Miếu trở thành cổng chung cho miếu và những ngôi nhà đã ở từ xưa.
Chút chạnh lòng buồn bã cho tôi mỗi khi đến đây. Bởi đâu còn xứng với nơi: "Miếu thờ tiên thánh/ Để tiếng lâu dài/ Từ trước hiếm có/ Việc này sáng ngời/ Xin khắc bia đá/ Để nhớ công người". Thị trường thật khắc nghiệt. Con người thường vô tâm. Đất lành thì có hạn. Giữa phố chợ chật ních Y Miếu trở nên lẻ loi trống vắng và bị lãng quên. Nhất là vào những ngày mưa nước ngập đường ngõ. Đâu đó lời của người xưa lại vọng lên theo tiếng chuông ngân: "Công danh trước mắt trôi như nước/ Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương" (Hải Thượng Lãn Ông)
Cõi lòng xưa vang vọng
Trông coi miếu giờ là bà Hoàng Thị Thảo (pháp danh Viên Minh) ở ngay phố chợ cách đó không xa. Bà nói một thời miếu bỏ hoang nên xin phường vào trông nom hương khói. Lễ hội đông nhất vào dịp tết Nguyên tiêu. Bà là người đã từng một thời bốc thuốc cùng gia đình nên muốn trông nom miếu Tổ nghề như một niềm an ủi cuối đời.
Chúng tôi không ngờ bà Thảo rất thuộc câu nói về y đức của Hải Thượng Lãn Ông: "Đạo làm thuốc là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình mà không cầu danh lợi, kể công".
Bà bỗng trầm ngâm trong câu chuyện khi nhớ đến gương sáng ngời của hai đại danh y Tuệ Tĩnh (1330/1400) và Hải Thượng Lãn Ông (1724/1791) đều quê ở đất Hải Dương xưa. Hai ngài đã để lại chục ngàn trang sách thuốc và tạo dựng y nghiệp cho nước nhà. Họ đã dốc lòng và trọn đời hy sinh cho nghề làm thuốc, chữa bệnh cứu người vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo.
Y Miếu hiện nay lọt thỏm trong khu chợ đông đúc.
Đôi mắt bà Thảo bồi hồi nhớ lại cuộc đời lưu lạc của danh y thiền sư Tuệ Tĩnh khi bị lưu đầy sang đất Bắc (1385). Đó là câu chuyện buồn khi Tuệ Tĩnh ở tuổi xế chiều. Ông đã bị cống sang xứ người để chữa bệnh cho vua chúa nhà Minh. Cho dù được phong "Đại y Thiền sư" tại ngoại bang nhưng ông đã rơi nước mắt vì nhớ quê hương. Khi mất đi ngài đã để lại các bộ sách quý như "Nam dược thần hiệu" và "Hồng giác tự y".
Đặc biệt ngài đã để lại những nguyên tắc bất biến có tính định hướng khởi nghiệp qua những đúc kết chân lý: "Nam dược trị Nam nhân" và "Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/ Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình". Đến cuối đời "Đại y thiền sư" đã ngã xuống nơi đất khách quê người đầy cô đơn. Ngài đã cho đề trên mộ với câu than buồn đến xót xa: "Ai về nước Nam cho tôi theo với!".
Sau đó thật cảm động khi chúng tôi cùng bà Thảo nhớ lại chuyện tình kỳ lạ có thật của Hải Thượng Lãn Ông. Đây là sự kiện đã được ông viết trong "Thượng Kinh ký sự" sau hơn 40 năm xa cách người mình đã từng gắn bó. Ở tuổi đôi mươi Lê Hữu Trác đã đính hôn với con gái của quan Tham chính thừa ty Sơn Nam (Bắc Ninh). Nhưng rồi cuộc sống tao loạn Lê Hữu Trác buộc phải cùng gia đình về quê mẹ ở Hương Sơn Hà Tĩnh mưu sinh. Họ đã tới nhà cô gái tạ lỗi và xin từ hôn. Nhưng ai dè hơn 40 năm sau (1783), Hải Thượng Lãn Ông được triệu về kinh chữa bệnh cho hai cha con chúa Trịnh, tình cờ gặp lại người đẹp năm xưa.
Hải Thượng Lãn Ông ngỡ ngàng và đau khổ khi biết cô gái đó đã thủ tiết đi tu xa lánh cuộc đời. Bà coi mình đã có một đời chồng cho dù đã bị từ hôn. Hải Thượng Lãn Ông cầu xin ni cô trở về quê mẹ cùng mình để báo đáp nghĩa xưa. Ông định xây chùa ở gần nhà cho ni cô tu hành đến trọn đời. Nhưng bà đã từ chối và sau đó nhắn lời chỉ xin cấp cho mình một cỗ quan tài bằng gỗ ở quê chồng. Hải Thượng Lãn Ông buồn rầu thương tiếc ngọc hoa nên đã tự trách mình: "Vô tâm nên nỗi lụy người ta/ Trông mặt nhau đây luống xót xa/ Gượng cười khôn giấu đôi hàng lệ/ Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa/ Kiếp này hãy kết làm huynh muội/ Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia/ Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ/ Dở dang, dang dở biết ru mà" (Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Vọng miếu
Nay trong miếu có điện thờ hai ngài được coi là Đại danh y nước nhà. Hải Thượng Lãn Ông tiếp tục sự nghiệp của Thánh thuốc Nam Tuệ Tĩnh và lập được nhiều công trạng. Cùng với tác phẩm văn học "Thượng Kinh ký sự", Hải Thượng Lãn Ông đã hoàn thành tổng tập "Hải thượng Y Tông Tâm Lĩnh" (28 tập gồm 66 cuốn). Ngài được coi là vị Tổ của ngành Y Việt Nam.
"Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông" có giá trị trao cho các thầy thuốc giỏi và xứng đáng vào đúng ngày hội rằm tháng Giêng. Đó cũng chính là dịp tổ chức kỷ niệm "Ngày truyền thống Y dược cổ truyền Việt Nam". Y Miếu chính là nơi diễn ra những sự kiện thiêng liêng đó. Hải Thượng Lãn Ông là một thầy thuốc có khí phách kiên định luôn sống với tấm lòng nhân ái. Ngài luôn gìn giữ phẩm chất cao quý của người thầy thuốc với tâm nguyện: "Sá chi vinh nhục việc đời/ Đem thân đại nghĩa vào nơi lâm tuyền".
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/y-mieu-khach-den-mong-khong-thanh-i657978/