Ý nghĩa chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Putin
Những chuyến thăm Ấn Độ của các đời Tổng thống Nga luôn đem lại cảm giác hoài niệm. Mối quan hệ Moskva-New Delhi đã hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh và luôn vững vàng từ đó đến nay.
Đài BBC (Anh) đánh giá mối quan hệ Nga-Ấn Độ được coi là một trong những câu chuyện thành công của ngoại giao toàn cầu và là tiểu chuẩn để Tổng thống Vladimir Putin cùng Thủ tướng Narendra Modi duy trì trong cuộc gặp ngày 6/12.
Nhưng ngoài các thỏa thuận quốc phòng, thương mại, những cái bắt bay, Nga và Ấn Độ cũng phải vượt qua nhiều thách thức nghiêm trọng.
Điều này phần lớn bắt nguồn từ khác biệt trong lựa chọn địa chính trị giữa hai quốc gia trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó còn là cách Nga-Ấn Độ giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến chính trị toàn cầu và khu vực.
Mối quan hệ Ấn Độ-Mỹ cùng nhân tố Trung Quốc
Mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ đã phần nào tác động đến quan hệ New Delhi-Moskva. Nga cũng đặc biệt để ý đến điều này khi mối quan hệ của Moskva và Washington đã xấu đi trong những năm gần đây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thậm chí lên tiếng chỉ trích công khai khi Ấn Độ gia nhập "bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD) bao gồm các thành viên còn lại là Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Ông Sergei Lavrov cho rằng phương Tây đang cố gắng kéo Ấn Độ vào việc đối đầu với Trung Quốc bằng cách quảng bá chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông Anil Trigunayat, một nhà cựu ngoại giao từng công tác tại Moskva, đánh giá rằng QUAD là lằn ranh đỏ đối với Nga và điều này chắc chắn nằm trong thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.
Mối quan ngại của Nga về QUAD có thể hiểu từ mối quan hệ ngày càng tăng của nước này với Trung Quốc trong những năm gần đây. Ông Trigunayat đánh giá Nga đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc để đảm bảo lợi ích kinh tế và địa chính trị ở châu Á. Ngoài ra, mối quan hệ xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington cũng đẩy Trung Quốc đến gần hơn với Nga.
Nhưng điều gây phức tạp là trong thời gian qua Ấn Độ và Trung Quốc đã có nhiều căng thẳng, đặc biệt là đụng độ ở biên giới. Ông Michael Kugelman tại Trung tâm Wilson (Mỹ) đánh giá thực thế địa chính trị mới đem đến “mối đe dọa tiềm tàng với quan hệ Ấn Độ-Nga”.
Do vậy, ông Kugelman cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Putin lần này rất quan trọng. Nhưng nhiều nhà phân tích như ông Kugleman và Trigunayat đều cảm thấy rằng nền tảng của mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ đủ gắn kết để xử lý quan ngại của mỗi bên. Nga và Ấn Độ vẫn có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác, một trong số đó là Afghanistan.
Cả Nga và Ấn Độ có chung mối lo ngại về tương lai của Afghanistan. Nhà phân tích Derek Grossman tại RAND Corporation (Mỹ) đánh giá: “Moskva cùng New Delhi đều quan ngại về Taliban cùng mạng lưới Haqqani và nguy cơ khủng bố bắt nguồn từ Afghanistan cũng như ảnh hưởng đến đất nước của họ. Do vậy, Afghanistan thực sự là lĩnh vực có sự thống nhất mạnh mẽ giữa New Delhi và Moskva”.
Thương mại và quốc phòng
Một trong những vấn đề quan trọng của chuyến thăm là việc chuyển giao hệ thống phòng không S-400 của Nga đến Ấn Độ. S-400 được cho hỗ trợ khả năng phòng thủ chiến lược của Ấn Độ trước Trung Quốc và Pakistan và đó là lý do New Delhi vẫn quyết định mua S-400 dù đứng trước nguy cơ bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt.
Nga dường như rất hài lòng với lập trường kiên quyết mua S-400 của New Delhi. Việc xem xét cách Ấn Độ cân bằng mối quan hệ với Nga và Mỹ dưới ảnh hưởng của thỏa thuận S-400 được coi là khá thú vị. Ông Trigunayat bổ sung: “Hầu hết mối quan hệ toàn cầu là mang tính giao dịch và điều này đúng với cả Moskva lẫn New Delhi”.
Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, chiếm tới 10% thương mại quốc phòng toàn cầu. Trong khi đó, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ. Mỹ là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai cho Ấn Độ trong giai đoạn 2011 và 2015 nhưng sau đó lại tụt lùi so với Pháp và Israel trong giai đoạn 2016-2021.
Nga sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu quốc phòng đến Ấn Độ. Tuy nhiên, giao dịch thương mại giữa hai quốc gia vẫn nằm dưới mức tiềm năng. Thương mại song phương trong năm 2019 chỉ đạt 11 tỷ USD. Nếu so sánh thì thương mại dịch vụ và hàng hóa song phương giữa Ấn Độ-Mỹ là 146 tỷ USD trong cùng thời kỳ.
Nga cùng Ấn Độ đặt mục tiêu đến 2025 đạt thương mại song phương 30 tỷ USD và đa dạng lĩnh vực ngoài năng lượng cũng như khoáng chất. Giáo dục, an ninh mạng, năng lượng sạch và một số lĩnh vực cũng được quan tâm.
Ông Kugelman bổ sung: “Miễn là các thỏa thuận thương mại, quốc phòng vẫn có liên quan thì Nga và Ấn Độ sẽ tìm được cách để loại bỏ khác biệt địa chính trị”.