Ý nghĩa hoạt động về nguồn, tri ân người có công của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Đoàn công tác lớp Cao cấp Lý luận Chính trị K74.B10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người làm Trưởng đoàn vừa phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên tổ chức chương trình nghiên cứu thực tế, về nguồn mang tên 'Khi Tổ quốc gọi tên mình'.
Chương trình này cũng là một sự kiện để chào mừng Kỷ niệm 75 năm thành lập Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Hoạt động nhằm tri ân, giao lưu với người có công và thân nhân liệt sỹ trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đáng tự hào trong số này có di tích lịch sử quốc gia Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; Khu di tích lịch sử Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang... Những tình cảm và món quà mà đoàn công tác trao tặng gần 400 người có công, thân nhân của người có công với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng đã khiến các đại biểu có mặt tại buổi gặp gỡ đều xúc động và nghẹn ngào.
Tại khu di tích lịch sử Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (thôn Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đoàn công tác đã tổ chức chương trình về nguồn, trao tặng quà cho các đối tượng là người có công, thương binh, những người nhiễm chất độc da cam trong quá trình kháng chiến tại làng Luông, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trao quà cho học sinh nghèo vượt khó, đặc biệt là đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh còn tặng bộ trang âm phục vụ công tác văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng nhà văn hóa cho xóm làng Luông trị giá 30 triệu đồng.
Ông Trương Văn Tình, Trưởng xóm làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa cho biết: “Nhà văn hóa của chúng tôi đã xây xong được 2 năm rồi. Do bà con còn khó khăn, nên chúng tôi cũng chưa sắm sửa được các thiết bị tuyên truyền văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Rất vinh dự, dịp này, chúng tôi đã nhận được phần quà là bộ âm li phục vụ cho công tác văn hóa văn nghệ, công tác tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước từ đoàn công tác lớp K74.B10 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh”.
Ông Trần Văn Luật, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Thành bày tỏ: “Rất cảm ơn ơn Ban Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đặc biệt là các thành viên trong đoàn đã đến thăm và tặng quà. Địa phương cũng rất mong sẽ có thêm những đoàn cao cấp ly luận sau khi khai giảng năm học mới lại tiếp tục trở về đây để thăm lại di tích và tặng cho bà con những phần quà ý nghĩa nhằm động viện bà con xã nhà”.
Trong không gian đặc biệt của khu di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, lãnh đạo UBND huyện Định Hóa, UBND xã Bình Thành, gia đình người có công và thân nhân liệt sỹ trên địa bàn cũng đã dành những tình cảm xúc động biết ơn đoàn công tác.
Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa nhấn mạnh: “Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất đối với học viên, đó là giúp nhìn lại con đường học tập lý luận chính trị của ông cha ta tại nơi được xem là trái tim thủ đô trong kháng chiến. Thứ 2 là giáo dục truyền thống để thế hệ trẻ tiếp bước cha anh. Tôi cho rằng hoạt động về nguồn, tri ân, tặng quà cho người có công, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động nhằm động viên bà con vươn lên thoát nghèo làm giàu để cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước cũng như quê hương”.
Cũng trong dịp này, đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên, nghe báo cáo về chủ đề phát triển kinh tế đảm bảo quyền được hưởng an sinh xã hội của người dân, đặc biệt là nhóm người dân tộc thiểu số và người thuộc đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình thiện nguyện về nguồn tri ân giao lưu với người có công, thân nhân của người có công của tỉnh Thái Nguyên. Tặng quà bằng tiền và hiện vật, tặng sách cho thư viện tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt tại buổi giao lưu các đại biểu còn được gặp gỡ các thương binh, cựu chiến binh những người đã dành cả tuổi xuân để chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, ôn lại kí ức lịch sử hào hùng của một thời hoa lửa.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Vượng, Trưởng Ban liên lạc Chiến dịch Hồ Chí Minh Thái Nguyên xúc động nói: “Tôi rất phấn khởi và tự hào khi được tham gia cuộc gặp mặt này. Đây là cơ hội để tôi được gặp đông đủ đại diện của một số đơn vị. Ngoài ra tôi cũng được ôn lại các thành tích của mình khi tham gia chiến đấu. Tôi được sống đến ngày hôm nay thì nhiều đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống, các anh đã nhường phần sống cho chúng tôi”.
PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: “Với tư cách là trưởng đoàn, được Giám đốc Học viện phân công, tôi đánh giá cao hoạt động về nguồn lần này. Thông qua chuyến đi, tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục nhân rộng mô hình này để các lớp cao cấp lý luận tiếp theo cũng tổ chức các buổi nghiên cứu thực tế, đặc biệt là tìm hiểu các chủ đề, đặc biệt là vấn đề đảm bảo quyền an sinh xã hội. Đây là vấn đề liên quan đến việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết vấn đề trợ cấp xã hội. Qua đây đề ra các giải pháp, chính sách để giải quyết tốt hơn nữa các vấn đề về an sinh xã hội trong thời gian tới”.
Trong khuôn khổ chương trình đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh còn tổ chức đến thăm hỏi, trao quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời tổ chức chương trình thiện nguyện về nguồn “Khi Tổ quốc gọi tên mình” tại trung tâm điều dưỡng người có công của tỉnh Thái Nguyên cho các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đang điều dưỡng tại trung tâm.
Một số hình ảnh về nguồn của đoàn công tác: