Ý nghĩa lịch sử của hai chiến thắng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tháng 10-1944, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh yêu cầu: 'Trong vòng một tháng, phải có hoạt động gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội'.

Do tầm quan trọng của trận đầu tiên, từ tháng 11-1944, Ban chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đã bắt tay ngay vào nghiên cứu chuẩn bị cho trận đánh. Sau khi bàn bạc rất kỹ lưỡng, trinh sát thực địa, nắm cơ sở, điều tra quy luật hoạt động của địch, ban chỉ huy Đội quyết định, dùng cải trang tập kích để đánh các đồn Phai Khắt vào chiều 25-12-1944 và Nà Ngần vào sáng 26-12-1944.

Hai ngày sau lễ thành lập, toàn đội xuất quân chiến đấu. Lực lượng đánh đồn gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Để đột nhập đồn địch thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho chuẩn bị sẵn “giấy đi tuần” giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh. Chiều 24-12, đội cải trang thành lính dõng, hành quân về Phai Khắt. Sau khi nhận được tin Đồn trưởng Simônô lên châu lỵ Nguyên Bình, 17 giờ, đồng chí Thu Sơn đóng giả “Đội xếp”, dẫn quân tiến vào đồn và nhanh chóng chia làm hai mũi: Mũi 1 chiếm nơi để súng, mũi 2 bao vây đồn. Đồng chí Thu Sơn hô to: “Rát-săm-măng” (tập hợp). Khi 17 tên lính và 1 tên cai đứng thành hàng ở giữa sân, đồng chí Thu Sơn chĩa ngang tiểu liên nói to: Chúng tôi là quân cách mạng, anh em giơ tay đầu hàng, sẽ không giết ai, giơ tay lên! Cùng lúc, các chiến sĩ chĩa súng vào quân địch. Không kịp trở tay, toàn bộ quân địch đầu hàng. Một lúc sau, tên chỉ huy đồn Simônô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên, thu 17 khẩu súng, một ít đạn, quân trang. Ngay trong đêm 25-12, Đội hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km), nơi có đồn Nà Ngần, tiến hành rút kinh nghiệm, biểu dương các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ và phổ biến lại kế hoạch tiến công đồn Nà Ngần.

 Bữa cơm chiều ngày 22-12-1944 của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trước khi vào trận đánh đồn Phai Khắt. (Ảnh tư liệu)

Bữa cơm chiều ngày 22-12-1944 của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trước khi vào trận đánh đồn Phai Khắt. (Ảnh tư liệu)

Đánh đồn Nà Ngần, Đội cải trang làm một toán lính dõng, lính khố đỏ, áp giải ba “Cộng sản Mán” đến giao nộp cho quan đồn. Khoảng 7 giờ, sáng 26-12, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong dẫn “ba cộng sản” bị trói vào đồn, cùng với lá cờ tam tài Đội lấy được ở đồn Phai Khắt. Bọn lính trong đồn Nà Ngần tưởng thật, vội bố trí 6 lính và tên cai ra xếp hàng đón. Đội nhanh chóng vào trong đồn, 4 chiến sĩ tiến tới giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên Đường để đánh lạc hướng. Tiểu đội 2 chặn các cửa đồn, sau đó chia thành từng tổ vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên, vừa gọi địch đầu hàng. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng và nhiều đạn. Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn, biểu ngữ. Tù binh được tập hợp ở giữa sân, hai nữ đồng chí Cầm và Thanh giải thích cho họ hiểu chủ trương chính sách của Việt Minh. Một số tù binh xin đi theo cách mạng, còn lại xin trở về quê.

Hai trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần tuy quy mô không lớn, nhưng có ý nghĩa rất to lớn. Đây là hai trận đánh có tổ chức, kế hoạch, có công tác tham mưu, chính trị, hậu cần. Hai trận đánh tiêu diệt nhanh gọn, diễn ra cách nhau mười mấy giờ, ở hai địa điểm cách nhau khoảng 15km. Đây cũng là trận đánh ra mắt của Đội. Nó chứng tỏ nhận định sáng suốt của Đảng: Cách mạng lúc này đã từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Hai chiến thắng đã tác động mạnh mẽ, gây hoang mang, lo sợ trong hàng ngũ quân địch, đồng thời, cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng trong vùng, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ, vùng dậy đạp đổ xiềng xích của thực dân, phong kiến, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Đối với Đội, hai thắng lợi này tạo niềm tin tất thắng cho các chiến sĩ, đặc biệt để lại những bài học kinh nghiệm quý đầu tiên cả về chính trị và quân sự. Số vũ khí thu được sau hai trận đánh đã giúp Đội có thêm vũ khí, trang bị.

 Di tích đồn Phai Khắt (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: baocaobang.vn

Di tích đồn Phai Khắt (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: baocaobang.vn

Với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, “hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã biểu hiện tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, trí thông minh, sáng tạo của chỉ huy, lòng yêu nước và dũng khí chiến đấu của toàn thể đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tính nhân dân của một đội quân cách mạng biểu hiện trong khi thu dọn chiến trường, đặt kế hoạch chống địch khủng bố, bảo vệ dân”. Hai thắng lợi này còn thể hiện việc quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, là phải luôn dựa vào dân, phải có sự phối hợp tốt giữa bộ đội chủ lực và các đội vũ trang, các đội tự vệ địa phương.

Nhân dân và các đội du kích địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Đội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các trận đánh. Cán bộ cơ sở và quần chúng cách mạng địa phương đã giúp Đội nắm tình hình địch trong đồn, tìm quần áo lính dõng để cải trang đột nhập đồn địch. Họ còn đảm nhận việc tiếp tế, canh gác vòng ngoài, cảnh giới, giữ bí mật cho trận đánh. Và sau khi trận đánh thắng lợi, nhân dân lại giúp Đội thu dọn chiến trường, xóa dấu vết, giữ bí mật những hoạt động của Đội, giải quyết tù binh. Đội cũng đã phối hợp tốt với cán bộ địa phương, thống nhất trong việc đối phó với địch khi chúng quay lại… Những hoạt động trên đây, dù mới chỉ là bước đầu, đã là “mầm mống của cái mà ngay từ hồi đó đã được gọi là quần chúng chiến tranh”.

Về chính trị, hai chiến thắng đã góp phần thực hiện được phương châm “lấy chiến thắng để tuyên truyền vũ trang”, “lấy tuyên truyền vũ trang để giành chiến thắng mới” như lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị. Sau hai trận đánh, Đội cử người làm tốt công tác dân vận và đối xử tốt với tù binh, nên đã góp phần phát huy khí thế thắng lợi và khẳng định tính ưu việt của đội quân cách mạng.

Về chiến thuật, chiến thắng trọn vẹn của hai trận đầu ra quân là thành quả của sự vận dụng chiến thuật thích hợp. Trong hai trận đánh này, “chiến thuật tiến công bằng lối hóa trang kỳ tập (tập kích) đã mở đầu một cách xuất sắc trang sử chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Hóa trang kỳ tập là lối đánh tốn ít súng đạn, thương vong thấp, song hiệu quả chiến đấu lại cao, rất phù hợp với điều kiện của đội lúc đó mới thành lập, chưa được huấn luyện, vũ khí đạn dược ít ỏi. Hai trận đánh đầu tiên, ngoài việc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong hai đồn, Đội còn thu được nhiều vũ khí, lương thực, phương tiện chiến đấu. Thắng lợi của hai trận đầu ra quân đã thể hiện một số nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự.

Thứ nhất, đó là nghệ thuật chọn mục tiêu và thời điểm tiến công. Về mục tiêu tiến công, trên cơ sở phân tích so sánh địch - ta, yêu cầu chắc thắng của trận đầu ra quân, ban lãnh đạo và chỉ huy Đội đã chọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mỗi đồn lực lượng địch chỉ có khoảng 20 tên. Hai đồn này địch lại tỏ ra chủ quan, canh gác bố phòng tương đối sơ hở, đường tiếp cận của quân ta đến đồn không xa. Hai đồn địch lại nằm cách xa nhau và xa trung tâm chỉ huy của địch (châu lỵ Nguyên Bình). Do đó, khi ta đánh xong mỗi đồn, vẫn có điều kiện cả về thời gian và không gian giải quyết trọn vẹn trận đánh. Về thời cơ tiến công, ta chọn vào những lúc bất ngờ nhất đối với địch: Đánh đồn Phai Khắt vào lúc 17 giờ, lúc địch đang hoặc vừa ăn cơm chiều xong; đánh đồn Nà Ngần vào lúc 7 giờ sáng, khi địch vừa ngủ dậy. Cả hai đồn lúc ta đánh, đều vào lúc địch sơ hở, mất cảnh giác nhất.

Thứ hai, trong hai trận đầu ra quân, Đội đã khai thác tốt yếu tố bí mật, bất ngờ, khiến địch trong hai đồn trở tay không kịp. Yếu tố bí mật, bất ngờ là yếu tố quan trọng, yếu tố cốt tử trong chiến thuật quân sự nói chung và với chiến thuật hóa trang kỳ tập nói riêng. Trong hai trận Phai Khắt và Nà Ngần, ta đã giữ được yếu tố bí mật từ đầu đến cuối, từ lên kế hoạch tác chiến, tổ chức hành quân, triển khai lực lượng, đến thực hành chiến đấu. Chính điều này cùng với sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của các chiến sĩ, đã làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp phản ứng.

Thứ ba, để trận đầu chắc thắng, Ban chỉ huy Đội đã chuẩn bị rất chu đáo, lúc vào trận thì tiến công kiên quyết, xử trí linh hoạt các tình huống phát sinh ngoài dự kiến. Ban chỉ huy Đội nghiên cứu tình hình địch kỹ lưỡng, lên kế hoạch tỉ mỉ, tiến hành công tác chuẩn bị và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượ̣ng tự vệ địa phương. Trong nắm địch, Đội đã biết tận dụng quần chúng nhân đân làm tai mắt, để nắm chắc, đầy đủ những thông tin mới nhất về tình hình đồn địch. Trận Phai Khắt có tình huống phát sinh là tên đồn trưởng Phai Khắt về khi trận đánh gần kết thúc; trong trận Nà Ngần, tình huống phát sinh là khi đồng chí Thu Sơn có nguy cơ bị lộ khi đang đối mặt với tên đội Đường. Những xử lý nhanh nhạy, kịp thời đã góp phần vào thắng lợi. Bên cạnh đó, cả hai trận đánh đều thể hiện tư tưởng đánh tiêu diệt, làm chủ chiến trường, bắt tù binh, vừa đánh vừa tự vũ trang, để đảm bảo cho đội quân cách mạng non trẻ càng đánh càng mạnh. Về những trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, một nhà sử học người Pháp đã nhận xét: “Những trận đánh nhằm mục đích rõ ràng là thu vũ khí và gây ảnh hưởng tới tinh thần dân chúng, nhưng đã được thực hiện với một kỹ thuật hoàn hảo, tinh thần gan dạ và có phương pháp”.

Đại tá, TS PHAN SỸ PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/y-nghia-lich-su-cua-hai-chien-thang-dau-tien-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-795275