'Ý nghĩa những màu hoa bỉ ngạn' không chỉ là một trend

'Những màu hoa bỉ ngạn' gồm đỏ, vàng, xanh, trắng là các gam màu quan trọng trong lĩnh vực thời trang, thống trị nhiều mùa mốt, đem đến những xu hướng nổi bật.

 Màu đỏ thịnh hành trong mùa mốt đầu năm nay, được nhiều tín đồ thời trang hưởng ứng. Ảnh minh họa: @chanchan.0411.

Màu đỏ thịnh hành trong mùa mốt đầu năm nay, được nhiều tín đồ thời trang hưởng ứng. Ảnh minh họa: @chanchan.0411.

Xuất phát từ một clip viral nền tảng TikTok, trào lưu "ý nghĩa những màu hoa bỉ ngạn" nhanh chóng được lan truyền trong tháng 1.

Trong video được lan truyền này, người thực hiện nhắc đến ý nghĩa của những màu sắc hoa bỉ ngạn trên nền nhạc, như "bỉ ngạn đỏ hồi ức đau thương", "bỉ ngạn vàng vĩnh viễn không gặp lại"...

Hoa bỉ ngạn có nguồn gốc châu Á, thường được gắn với ý nghĩa chia ly hoặc tượng trưng cho hồi ức đau buồn trong văn học, thơ ca hay phim ảnh, nhất là tại Trung Quốc và Nhật Bản.

Ngoài trở thành nội dung "đu trend", 4 gam màu của hoa bỉ ngạn còn được ứng dụng trong lĩnh vực thời trang, tạo ra nhiều xu hướng nổi bật những năm gần đây.

 Sắc đỏ được ứng dụng nhiều trong dịp Tết Âm lịch. Ảnh minh họa: @hongocha.

Sắc đỏ được ứng dụng nhiều trong dịp Tết Âm lịch. Ảnh minh họa: @hongocha.

Đỏ

Trong khi hoa bỉ ngạn đỏ mang ý nghĩa “hồi ức đau thương”, sắc đỏ lại thống trị các sự kiện, lễ trao giải đầu năm nay.

Ca sĩ Selena Gomez, diễn viên Florence Pugh hay người mẫu Heidi Klum đều diện những chiếc đầm đỏ rực tại Lễ trao giải Quả cầu Vàng 2024.

Theo NTK Lý Giám Tiền, màu đỏ không chỉ dành cho Rihanna diện trên sân khấu Super Bowl Halftime Show hay Adele tại Lễ trao giải Grammy 2023. Đây còn là tông chủ đạo trong thời trang ứng dụng, phù hợp với nhiều mẫu váy áo hàng ngày.

Lý Giám Tiền miêu tả màu sắc này bằng 3 tính từ: nhiệt huyết, quyền lực và quyến rũ. Trong văn hóa Á Đông, đỏ còn tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng. Khi Tết Nguyên đán, Trung Thu đến, chúng ta thường xuyên thấy màu này ở trang phục, đồ trang trí và các món ăn.

Tuy nhiên, để ứng dụng váy áo màu sắc nổi bật này, Lý Giám Tiền cho rằng người mặc cần chú ý hoàn cảnh ứng dụng và phương pháp phối màu.

Đối với thời trang công sở, tông trầm như đỏ đô, đỏ rượu nên được sử dụng. Đối với trang phục dự tiệc, các tín đồ thời trang có thể dùng sắc đỏ tươi sáng, rực rỡ hơn.

Theo NTK Lý Giám Tiền, “chơi” màu đỏ là một bài toán khó. 2 cách phối màu có thể áp dụng là: color block (kết hợp nhiều khối màu trên một bộ trang phục) và all red (sử dụng duy nhất màu đỏ).

 Màu vàng thể hiện tinh thần tươi vui, gắn liền với trào lưu dopamine dressing. Ảnh minh họa: @quynhanhshyn_.

Màu vàng thể hiện tinh thần tươi vui, gắn liền với trào lưu dopamine dressing. Ảnh minh họa: @quynhanhshyn_.

Vàng

Hoa bỉ ngạn vàng có ý nghĩa “mãi mãi không gặp lại”. Tuy nhiên, sắc vàng đã “gặp lại” các tín đồ thời trang vào mùa mốt Xuân/Hè 2022. Màu vàng tươi tắn, rực rỡ, tượng trưng cho niềm vui, tinh thần tích cực.

Vì thế, vàng gắn liền với xu hướng dopamine dressing (mặc trang phục sặc sỡ để tinh thần phấn chấn, lạc quan hơn). Sau những tháng ngày ảm đạm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, màu sắc này được lăng xê nhiệt tình trong mùa mốt đầu năm 2022.

Theo Fashion United, Popcorn (sắc vàng của bỏng ngô) đã được Pantone lựa chọn làm một trong những màu chủ đạo của lĩnh vực thời trang mùa mốt 2022. Vàng xuất hiện trên chiếc váy dài không tay của thương hiệu Alexander McQueen, một số thiết kế công sở của Dawei và áo khoác của Max Mara.

Các sắc độ khác nhau của màu vàng như pastel hay neon đều phủ sóng sàn diễn thời trang Xuân/Hè 2022. Đây là gam màu phù hợp với các item phi giới tính, được lòng cả người mặc nam và nữ.

 Sắc xanh được ưa thích trong thiết kế nội thất và thời trang. Ảnh minh họa: @quynhanhshyn_.

Sắc xanh được ưa thích trong thiết kế nội thất và thời trang. Ảnh minh họa: @quynhanhshyn_.

Xanh

Hoa bỉ ngạn xanh mang ý nghĩa “hy vọng tương lai sẽ gặp lại”. Thể hiện niềm hy vọng, tinh thần tích cực hướng đến tương lai, sắc xanh thống trị mùa mốt cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Xanh coban trở thành gam màu được các tín đồ thời trang đặc biệt ưa chuộng ở thời điểm đó. InStyle từng đưa ra dự đoán rằng xanh lam có khả năng thay thế sắc hồng Barbie.

Theo một nghiên cứu về màu sắc được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology vào năm 2018, những người tham gia khảo sát thích nội thất màu xanh lam mát mẻ. Nghiên cứu cũng chỉ ra đây là màu sắc có khả năng cải thiện sức khỏe tinh thần khi được ứng dụng trong thiết kế nội thất, thời trang.

Nhà thiết kế Simon Spurr cho rằng sự gia tăng đột biến của sắc xanh cho thấy niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn của người dùng thời trang giai đoạn cuối năm 2022. Bảng màu sắc thịnh hành cũng có khả năng chuyển đổi theo hướng sặc sỡ hơn.

 Sắc trắng gắn liền với thời trang cưới, đồng hành cùng các cô dâu trong dịp trọng đại. Ảnh minh họa: @klinhnd.

Sắc trắng gắn liền với thời trang cưới, đồng hành cùng các cô dâu trong dịp trọng đại. Ảnh minh họa: @klinhnd.

Trắng

Ý nghĩa “sự tinh khiết” đặc biệt phù hợp với hoa bỉ ngạn trắng. Trắng nằm trong bộ màu trung tính, có thể ứng dụng trên nhiều kiểu dáng trang phục khác nhau.

Khi trào lưu quiet luxury (sang trọng thầm lặng) trở nên thịnh hành trong năm 2023. Các gam màu trung tính như trắng, đen, be, ghi đặc biệt được ưa chuộng. Trang phục màu trắng được làm bằng chất liệu vải cao cấp, tiết chế họa tiết phù hợp với xu hướng thời trang này.

Ngoài ra, màu sắc này cũng có ý nghĩa đặc biệt trong thời trang cưới. Khi các đôi uyên ương bắt đầu tiến hành tổ chức lễ cưới sau đại dịch Covid-19, sắc trắng lên ngôi, đồng hành cùng các cô dâu trong ngày trọng đại.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/y-nghia-nhung-mau-hoa-bi-ngan-khong-chi-la-mot-trend-post1456372.html