Ý nghĩa thiết thực từ những sân chơi cho em ở Cam Lộ
Chỉ trong vòng 1 năm, Huyện đoàn Cam Lộ đã xây dựng được 21 công trình Sân chơi cho em. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các đoàn viên thanh niên, thế giới trẻ thơ hiện lên thật gần gũi với các em nhỏ vùng nông thôn trên địa bàn huyện Cam Lộ.
Cùng với việc học tập thì hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh là nhu cầu không thể thiếu của trẻ em. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng, việc tìm kiếm một sân chơi an toàn, bổ ích cho trẻ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, Huyện đoàn Cam Lộ đã có sáng kiến chỉ đạo các cấp bộ đoàn xây dựng sân chơi cho trẻ từ các vật liệu tái chế, những nguyên vật liệu ít tiền...
Lần đầu tiên, các em thiếu nhi ở bản Chùa, xã Cam Tuyền được vui chơi thỏa thích với các trò chơi dân gian ngay tại Nhà văn hóa của bản mình. Trung tập học tập cộng đồng của bản có vị trí rộng rãi, thoáng mát, giờ lại có thêm nhiều đồ chơi như xích đu, bấp bênh, cầu trượt… nên chiều chiều trẻ em trong bản đều tập trung về đây nô đùa. Từ những vật liệu tái chế như lốp ô tô, lốp xe đạp, các thanh sắt… qua đôi bàn tay khéo léo của các anh chị đoàn viên thanh niên đã trở thành những sản phẩm đồ chơi độc đáo, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Giữa những món đồ chơi đủ sắc màu là tiếng cười nói rộn ràng của các em nhỏ khiến Trung tâm học tập cộng đồng của bản vùng cao trở nên sinh động, ấm áp hơn vào những ngày cuối tuần của mùa đông. Sân chơi cho em ở bản Chùa là một trong những công trình tiên phong trong chuỗi hoạt động xây dựng sân chơi cho em do Huyện đoàn Cam Lộ khởi xướng. Với số tiền gần 10 triệu đồng vận động quyên góp được từ các cá nhân, tổ chức hảo tâm đồng thời tận dụng những vật liệu tái chế, những nguyên liệu ít tiền, Xã đoàn Cam Tuyền phối hợp với Đoàn cơ sở Công an huyện Cam Lộ tạo ra được nhiều dụng cụ, đồ chơi phong phú tặng thiếu nhi bản Chùa.
Với đặc thù của một bản đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống người dân ở đây vẫn còn nhiều thiếu thốn nên trẻ em trong bản không có điều kiện tiếp cận với các khu vui chơi, giải trí hiện đại, vì thế sân chơi này có ý nghĩa đặc biệt với các em. Chị Nguyễn Hoàng Oanh, Bí thư Huyện đoàn Cam Lộ nhớ lại: “Công trình Sân chơi cho em ở bản Chùa được hoàn thành đưa vào sử dụng đúng vào dịp nghỉ hè nên trẻ em đến rất đông và tỏ ra rất hứng thứ với các trò chơi. Thái độ đón nhận của các em nhỏ nơi đây thực sự đã mang đến niềm vui, động lực để đoàn viên thanh niên trong toàn huyện quyết tâm thực hiện chương trình này. Năm 2019, là năm rất thành công của các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện Cam Lộ trong việc vận động, thực hiện chương trình này. Tính đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 21 công trình Sân chơi cho em từ các vật liệu tái chế và nguồn kinh phí xã hội hóa của các đơn vị cùng với sự đóng góp ngày công của đoàn viên, thanh niên. Từ những sân chơi ban đầu chỉ có những sản phẩm đồ chơi đơn giản, giá trị chỉ khoảng vài triệu đồng/ sân thì những sân chơi cho em về sau được đầu tư bài bản, công phu với dụng cụ đồ chơi phong phú, đa dạng hơn. Nguyên nhân là vì những chi đoàn làm sau đã rút được kinh nghiệm từ những chi đoàn trước trong quá trình thực hiện, thêm vào đó là tinh thần thi đua giữa các đơn vị khiến chi đoàn nào làm sau cũng muốn làm tốt hơn chi đoàn trước. Vì thế mà có những sân chơi cho em sau này trị giá trên 30 triệu đồng/sân. Sức lan tỏa của phong trào đã mang đến những hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho trẻ em trên địa bàn huyện”.
Không quản ngại nắng gió, khó khăn, các đoàn viên thanh niên ở huyện Cam Lộ đã tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi đến các cửa hàng sửa chữa xe máy, xe đạp trong huyện để xin lốp xe cũ… Tùy theo điều kiện thực tế của từng cơ sở đoàn, công việc sẽ được tổ chức phân công cụ thể cho từng người, nhưng đơn vị nào cũng cố gắng hoàn thành các dụng cụ đồ chơi một cách sớm nhất cho các em thiếu nhi. Theo Bí thư Xã đoàn Cam Thanh Trần Đăng Hưng, đây là hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, thu hút nhiều đoàn viên thanh niên tham gia. Qua đó, tận dụng được sức trẻ, sự nhiệt huyết, sáng tạo của thanh niên trong việc tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội. Công trình không chỉ có ý nghĩa thiết thực, tạo sân chơi, nơi rèn luyện thể dục thể thao cho các em thiếu nhi vùng nông thôn mà còn góp phần hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao cho trẻ em, một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144793