Ý nghĩa từ những lời V.I.Lênin chỉ dạy tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản năm 1920: 'Nhiệm vụ của thanh niên là học tập'

Ngày 2-10-1920, tại Đại hội II của Đoàn Thanh niên cộng sản Nga, V.I.Lênin đã đọc bài diễn văn quan trọng, sau đó được in thành sách 'Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên Mát-xcơ-va', Nxb QG, năm 1920. Tác phẩm chứa đựng nhiều luận điểm lý luận quan trọng về chủ nghĩa cộng sản. Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 26.3.2023), xin giới thiệu những nội dung gắn với nhiệm vụ của tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản trong tập hợp, giáo dục thanh niên.

Là một tổ chức gồm những người trẻ tuổi, tham gia xây dựng một chế độ xã hội hoàn toàn mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa, chưa có tiền lệ lịch sử, trong điều kiện vô vàn khó khăn, tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản cần phải làm những gì và làm thế nào để hoàn thành sứ mệnh của mình? Đó là những câu hỏi lớn, có tính cốt lõi của tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản và các đoàn viên, mà trên thực tế không dễ xác định và trả lời đúng.

“Nhiệm vụ của thanh niên đó là: Học tập”

Là lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế, trực tiếp sáng lập và lãnh đạo Đoàn Thanh niên cộng sản Nga, V.I.Lênin đã chỉ ra một cách khoa học, cụ thể những nội dung cốt lõi đó.

Người nói: "Theo một ý nghĩa nào đó, có thể nói rằng nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa chính là của thanh niên… Cho nên, khi đề cập đến nhiệm vụ của thanh niên nói chung, của Đoàn Thanh niên cộng sản và các tổ chức khác nói riêng, có thể tóm gọn bằng một từ. Nhiệm vụ đó là: Học tập".

Tỉnh đoàn Bình Dương tổ chức thăm và tặng quà chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Pô, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Kim Vân

Trong khi chỉ rõ cho các đại biểu và toàn thể thanh niên biết cần phải học những gì và học như thế nào, V.I.Lênin đã nêu ra nhiều định hướng lý luận quan trọng. Chúng ta có thể khái quát các nguyên lý lý luận đó như sau:

Thứ nhất, V.I.Lênin đã làm rõ thêm quan niệm về nội dung của xã hội cộng sản chủ nghĩa; cách thức, bước đi, nhiệm vụ ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản và đặt kỳ vọng vào thanh niên.

Lênin viết: "Xã hội cộng sản, đó là một xã hội trong đó tất cả là của chung: Ruộng đất, nhà máy, lao động chung của mọi người. Chủ nghĩa cộng sản là như thế đó. Liệu có thể lao động chung được không, nếu mỗi người cứ cày trên một mảnh đất riêng của mình? Không thể trong chốc lát mà sáng tạo ra lao động chung được. Lao động chung không phải từ trên trời rơi xuống. Phải nỗ lực, chịu khổ, sáng tạo ra nó. Nó hình thành trong quá trình đấu tranh. Ở đây không dựa vào sách vở cũ được".

V.I. Lênin đã chỉ ra những khó khăn của cuộc đấu tranh để khắc phục những chống đối của bọn thống trị đã bị đánh đổ, những tàn dư của xã hội cũ, nhưng khó khăn hơn cả là khắc phục nề thói, tâm lý của người sản xuất nhỏ trong nhân dân để xây dựng xã hội mới.

Từ đó, V.I.Lênin yêu cầu hướng trọng tâm của công tác giáo dục cộng sản chủ nghĩa vào lớp người trẻ, những chủ thể hoàn toàn mới của công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản: "Chúng ta chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa cộng sản từ tổng số những kiến thức, các tổ chức và thiết chế bằng cái số dự trữ nhân lực và vật lực mà xã hội cũ đã để lại cho chúng ta. Chỉ có cải tổ triệt để việc dạy dỗ, việc tổ chức và giáo dục thanh niên thì chúng ta mới có thể, bằng những cố gắng của thế hệ trẻ đạt được kết quả là xây dựng nên một xã hội không giống xã hội cũ, tức là xã hội cộng sản".

Thứ hai, V.I.Lênin đã đề cao vai trò của tri thức, nhất là tri thức cách mạng trong cải tạo, xây dựng xã hội mới -cộng sản chủ nghĩa và cách thức duy nhất để có tri thức là phải học.

Trước đó, trong một tác phẩm của mình, V.I.Lênin đã từng nói, đại ý là: Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không thể có chủ nghĩa cộng sản. Để làm rõ thêm về kết luận khái quát trên, Người đã khẳng định: "Tôi phải nói rằng lời giải đáp đầu tiên -hình như vậy - và cũng có vẻ tự nhiên nhất, là Đoàn Thanh niên và toàn thể thanh niên nói chung muốn đi theo chủ nghĩa cộng sản thì phải học chủ nghĩa cộng sản". Người chỉ rõ một cách thức đặc biệt để trở thành người cộng sản, đó là: "Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra".

Đoàn Thanh niên cộng sản phải là đội xung kích

Thứ ba, V.I.Lênin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kế thừa các giá trị tích cực; đưa ra quan niệm khoa học về nền đạo đức và văn hóa mới - cộng sản chủ nghĩa, về bản chất, chức năng, nhiệm vụ của đạo đức trong xã hội mới. Người viết: "Chúng ta nói rằng đạo đức của chúng ta hoàn toàn phục tùng lợi ích đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Đạo đức của chúng ta là từ những lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản mà ra… Đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản".

Đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Dương thực hiện công trình "Thay áo mới cho tường cũ" trong phong trào xây dựng đô thị văn minh. Ảnh: Kim Vân

V.I.Lênin đã nêu ra cách ứng xử khoa học với văn hóa và phương pháp giáo dục cũ, đó là: Kế thừa một cách khoa học, hợp lý những mặt tích cực, xóa bỏ những mặt xấu. Người chỉ rõ rằng: "Văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản, phát minh ra. Đó là điều hoàn toàn ngu ngốc. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số những kiến thức mà loài người đã tích lũy được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu. Tất cả những con đường đó, lớn và nhỏ đã, đang và sẽ tiếp tục đưa tới văn hóa vô sản".

Thứ tư, V.I.Lênin đã nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ giáo dục về chủ nghĩa cộng sản, tập hợp, rèn luyện các tầng lớp thanh niên của tổ chức Đoàn. Người yêu cầu Đoàn Thanh niên cộng sản phải trở thành trường học lớn về chủ nghĩa cộng sản: "Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên là phải tổ chức hoạt động thực tiễn của mình thế nào để khi học tập, khi tổ chức nhau lại, khi tập hợp nhau lại, khi đấu tranh, tầng lớp thanh niên ấy tự giáo dục mình và đồng thời cũng giáo dục cho tất cả những ai đã công nhận họ là người dẫn đường chỉ lối để trở thành người cộng sản. Phải làm cho toàn bộ sự nghiệp giáo dục, rèn luyện và dạy dỗ thanh niên ngày nay trở thành sự nghiệp giáo dục đạo đức cộng sản trong thanh niên".

V.I.Lênin cũng đã phân tích khái quát về mục tiêu, nội dung, phương châm và phương pháp của nền giáo dục mới; sự cần thiết, phương hướng và cách thức cải cách giáo dục để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa cộng sản.

Nhiệm vụ hàng đầu của Đoàn Thanh niên cộng sản là đoàn kết, tập hợp, giáo dục và lãnh đạo thanh niên tham gia cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Đoàn Thanh niên cộng sản chỉ xứng đáng với danh hiệu của nó là đoàn thể của thế hệ cộng sản trẻ tuổi, nếu gắn liền từng bước học tập, giáo dục và rèn luyện của mình với việc tham gia cuộc đấu tranh chung của tất cả những người lao động chống lại bọn bóc lột.

Người yêu cầu: "Đoàn Thanh niên cộng sản phải là một đội xung kích, một đội, mà ở trong mọi việc đều biết giúp đỡ, đều có tinh thần chủ động và có sáng kiến của mình. Đoàn phải làm thế nào để cho bất cứ công nhân nào cũng có thể thấy rằng đoàn gồm những người mà học thuyết của họ đối với anh ta có lẽ còn khó hiểu và có lẽ anh ta chưa thể tin ngay được, nhưng công tác thực tế và sự hoạt động của họ chứng minh với anh ta rằng chính họ là những người chỉ cho anh ta con đường đúng đắn…

Đoàn Thanh niên cộng sản gắn liền việc rèn luyện, học tập và giáo dục của mình với lao động của công nhân và nông dân, không tự giam mình trong các trường học và không tự hạn chế mình ở việc đọc sách báo và tài liệu cộng sản".

Thứ năm, về sự xung phong gương mẫu, tự học, tự rèn, chấp hành tổ chức của mỗi đoàn viên, thanh niên. Theo Lênin: "Đã là đoàn viên của Đoàn Thanh niên thì phải đem toàn bộ công tác và toàn bộ sức lực của mình ra phục vụ sự nghiệp chung. Đó chính là giáo dục cộng sản. Chính qua quá trình công tác như vậy mà người thanh niên, nam hay nữ, mới trở thành người cộng sản chân chính được".

Đồng thời, Người cũng nghiêm khắc phê phán những biểu hiện cần tránh, như: Học vẹt, học một cách hời hợt không nắm vững thực chất, hiểu chủ nghĩa cộng sản chỉ qua việc nắm được các khẩu hiệu, học không gắn với hành, lý luận xa rời thực tiễn… Người nhấn mạnh: "Chúng ta phải hiểu rằng cần thay thế lối học cũ, lối nhồi sọ cũ, lối giáo dục cũ bằng nghệ thuật biết hấp thụ toàn bộ kiến thức của nhân loại và hấp thụ nó sao cho chủ nghĩa cộng sản, ở trong các đồng chí không còn là những điều học thuộc lòng, mà là những điều do chính các đồng chí đã nghiền ngẫm lại và là những kết luận tất nhiên được rút ra trên quan điểm giáo dục hiện đại".

V.L.Lênin chỉ rõ rằng hoạt động của tổ chức Đoàn và mỗi đoàn viên còn cần phải đi sâu vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội, quan tâm, giúp đỡ tới từng thân phận kém may mắn, quán xuyến từ việc dọn vệ sinh đến tăng gia sản xuất nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày… Phải lôi kéo được mọi người dân lao động ủng hộ cho các phong trào đó. Vì "Chỉ khi nào cùng lao động với công nhân và nông dân người ta mới trở nên một người cộng sản chân chính được. Phải làm cho mọi người thấy rằng mỗi đoàn viên của Đoàn Thanh niên đều là người có học thức và đồng thời cũng biết lao động…".

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Trung Hưng

Bài 2: Vận dụng lời dạy của V.I.Lênin với thanh niên Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và ý nghĩa thời sự hiện nay

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/y-nghia-tu-nhung-loi-v-i-lenin-chi-day-to-chuc-doan-thanh-nien-cong-san-nam-1920-nhiem-vu-cua-thanh-nien-la-hoc-tap-a292913.html