Y tá chống corona ở Vũ Hán: 'Kiệt sức nhưng không thể dừng lại'

Trong cuộc chiến chống dịch virus corona ở Vũ Hán, không y tá nào nghĩ đến việc từ bỏ nhiệm vụ dù phải chịu nhiều đau đớn, mệt mỏi và áp lực.

Trên tiền tuyến chống dịch virus corona ở Vũ Hán (Trung Quốc), y tá là người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên nhất với bệnh nhân. Họ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh và chạy đua với thời gian để cứu người.

Các mũi tiêm, truyền dịch, đo điện tâm đồ, đường huyết, huyết áp và nhiệt độ… cho người bệnh đều được họ xử lý.

Cúi gập người 90 độ 3 tiếng mỗi ngày

Tại Bệnh viện Tongji ở quận Guanggu, số ca cần tiêm mỗi ngày lên tới hơn 400. Trong đó, y tá Shen Jiying cần phụ trách ít nhất 150 ca.

“Nếu tính trung bình cứ 1 phút cho 1 bệnh nhân, tôi phải giữ tư thế gập người 90 độ khoảng 3 tiếng mỗi ngày. Vì tôi đeo găng tay dày, nếu gặp phải bệnh nhân có mạch máu yếu, thời gian tiêm sẽ lâu hơn. Bởi thế, sau mỗi ngày làm việc, tôi khó mà đứng thẳng người. Đau lưng là chuyện thường xảy ra”, cô nói.

 Y tá ở tuyến đầu chống dịch Vũ Hán đối mặt với nhiều hiểm nguy để cứu chữa người bệnh. Ảnh: China Daily.

Y tá ở tuyến đầu chống dịch Vũ Hán đối mặt với nhiều hiểm nguy để cứu chữa người bệnh. Ảnh: China Daily.

Bất cứ lúc nào cũng có thể tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch

Từ khi dịch bệnh viêm phổi cấp bùng phát, Bệnh viện Tongji trở nên bận rộn và quá tải.

“Chúng tôi phải tiếp nhận ít nhất 500 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày. Điều khủng khiếp hơn là bất cứ lúc nào cũng có thể tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch”, y tá trưởng Huang Haishan nói.

“Bác sĩ, bác sĩ, mẹ tôi sắp chết rồi…”. Lời cầu cứu từ người nhà bệnh nhân vừa dứt, Huang tức tốc chạy ra và thấy người phụ nữ ốm yếu ngồi trong ôtô.

Bước đầu, nữ y tá trưởng nhận thấy bệnh nhân không có nhịp tim và nhịp thở, nhưng bà không muốn từ bỏ.

Do bệnh nhân khá nặng, Huang thử nhiều lần mà không thể đưa người này ra khỏi xe. Bà gọi thêm đồng nghiệp tới giúp, nhưng nhận thấy việc chuyển bệnh nhân vào phòng khám cách đó 20 m quá tốn thời gian. Hơn nữa, bệnh viện không còn giường trống.

Nhằm tiết kiệm thời gian, các y tá trải tấm thảm trên mặt đất để hồi sức tim phổi tại chỗ cho bệnh nhân.

“Thật đáng tiếc vì bệnh nhân vẫn không qua khỏi sau 10 phút cấp cứu. Người nhà bà ấy đã khóc, nhưng chúng tôi không có thời gian để buồn đau. Chúng tôi phải tiếp tục cuộc chiến chống dịch, nhiều bệnh nhân đang chờ đợi”, Huang nói.

 Y bác sĩ cố gắng hồi sức tim phổi cho bệnh nhân tại chỗ để tiết kiệm thời gian. Ảnh: People's Daily Online.

Y bác sĩ cố gắng hồi sức tim phổi cho bệnh nhân tại chỗ để tiết kiệm thời gian. Ảnh: People's Daily Online.

Rất mệt nhưng không thể dừng lại

“Là y tá, chúng tôi thực sự mệt mỏi nhưng không thể dừng lại”, y tá Zhong Zhen chia sẻ.

“Nếu buộc phải ngơi tay, tôi hy vọng khi ấy được gặp gỡ bạn bè bên bờ sông Dương Tử và ngắm khung cảnh tuyệt đẹp ở Giang Thành”, cô nói thêm.

Chiều 30 Tết âm lịch, một chẩn đoán chấn động được đưa ra tại Bệnh viện Tongji - một nữ bệnh nhân 75 tuổi dương tính với chủng mới của virus corona. Người bệnh rất yếu và chỉ có thể phụ thuộc vào máy thở.

Có thể do sợ bị lây nhiễm, con trai cụ bà chỉ đến một lúc mỗi ngày khi bác sĩ trao đổi về bệnh tình của mẹ. Người này mất bình tĩnh, thậm chí hét lên: “Thật xui xẻo”.

“Bệnh nhân có vẻ kích động, tôi hiểu nỗi sợ của bà. Bà ấy cảm thấy bất lực, khao khát được chăm sóc. Tôi nắm chặt tay bà ấy và nói khẳng định: ‘Kiên trì là cách chữa trị tốt nhất. Chúng tôi sẽ luôn ở bên bà’.

Mỗi lần đến bên giường bệnh và nhận thấy các dấu hiệu sinh tồn của bà ấy ổn định, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm trong lòng.

"Sau 8 tiếng làm việc liên tục, mặt tôi sưng lên và chân tê cứng. Tôi mệt mỏi, muốn khóc nhưng nhìn các bệnh nhân trong phòng, tôi nghĩ mình có thể làm được nhiều hơn. Tôi tự nhủ mình không thể dừng lại, họ cần tôi”, Zhong nói.

 Các y bác sĩ ở Trung Quốc làm việc quá tải và phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Ảnh: Weibo.

Các y bác sĩ ở Trung Quốc làm việc quá tải và phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Ảnh: Weibo.

Nuốt nước mắt cho con cai sữa từ 6 tháng tuổi

“Tôi là một bà mẹ nuôi con nhỏ. Tôi có nhiều nỗi lo lắng nhưng không thể từ bỏ nhiệm vụ của mình. Con trai, rồi sau nay con sẽ hiểu”, y tá Yang Xueli nghẹn nào nói.

Con của Yang mới gần 6 tháng tuổi. Do làm việc tại phòng khám từ ngày 8/1, cô không dám về nhà vì lo sợ sự lây nhiễm. Cô không còn lựa chọn nào ngoài cho con cai sữa. Một đồng nghiệp ở tuyến đầu của Yang cũng đang cho con bú.

“Là những người mẹ, chúng tôi mong muốn ở bên chăm sóc, yêu thương các con nhiều hơn. Nhưng không có cộng đồng, làm sao có các gia đình nhỏ? Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ mọi người”, Yang chia sẻ.

Cô nói thêm: “Tôi tin rằng nhiều năm sau, tôi có thể tự hào nói với các con rằng sự trưởng thành của con liên quan đến trận chiến chống dịch ở Vũ Hán. Mẹ là một ‘chiến binh’ và con là con của một người lính”.

 Nghe tin mẹ mất, nữ y tá ở Bệnh viện Hỏa Thần Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) bật khóc, cúi đầu lạy 3 lần. Nhiều y bác sĩ như cô đang hy sinh hạnh phúc cá nhân để dốc lòng cứu chữa người bệnh. Ảnh: Weibo.

Nghe tin mẹ mất, nữ y tá ở Bệnh viện Hỏa Thần Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) bật khóc, cúi đầu lạy 3 lần. Nhiều y bác sĩ như cô đang hy sinh hạnh phúc cá nhân để dốc lòng cứu chữa người bệnh. Ảnh: Weibo.

“Cảm ơn vì cho tôi biết màu áo này đẹp đến nhường nào”

Một người đàn ông lớn tuổi bị nghi nhiễm viêm phổi cấp do virus corona mới gây nên. Suốt đêm, con trai ông không hề xuất hiện.

Ông lão tỉnh dậy vào hôm sau mà không thấy người nhà ở bên. Ông không có thức ăn, nước uống. Y tá trưởng Li Yan đã mang bữa sáng đến, giúp ông ăn, uống nước và thay ga trải giường.

Với đôi mắt nhòe lệ, ông lão nói với nữ y tá: “Cảm ơn. Con là bồ tát sống”.

Nghe câu nói chân thành từ bệnh nhân, Li Yan bật khóc.

“Tôi chưa bao giờ biết màu áo trắng này lại đẹp đến thế. Những điều mà tôi nghĩ chỉ là sự quan tâm bình thường đã gieo niềm lạc quan trong trái tim của bệnh nhân”, Li nói.

Thiên Nhi (Theo People's China Online)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/y-ta-chong-corona-o-vu-han-kiet-suc-nhung-khong-the-dung-lai-post1048166.html